Nắng nóng gay gắt lên đến đỉnh điểm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 29.5, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương tiếp tục đưa ra cảnh báo, Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng gay gắt diện rộng, với nhiệt độ phổ biến từ 37 - 40 độ C, một số nơi có nhiệt độ trên 40 độ như Hòa Bình: 40,6 độ, Láng (Hà Nội) 40,3 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 40,8 độ.

Trưa 29.5, Như Xuân (Thanh Hóa) 41,4 độ; Tây Hiếu (Nghệ An) 41,5 độ; Quỳ Hợp (Nghệ An) 41,5 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 40,3 độ… Sang ngày 30.5, nắng nóng sẽ dịu bớt ở các tỉnh Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Ngày 31.5, nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ tạm thời gián đoạn. Từ ngày 1 - 4.6, nắng nóng sẽ gia tăng trở lại với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C. Khu vực các tỉnh ven biển Trung Bộ nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Ngày 31.5, nhiệt độ giảm nhẹ ở phần phía bắc với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Từ ngày 2.6, nhiệt độ lại có xu hướng tăng lên từ 1 - 2 độ C. Đây được coi là đợt nắng nóng kỷ lục trong nhiều năm qua, xét về số ngày nắng nóng kéo dài trong tháng 5.

Để phòng tránh các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) - cho biết: Để tránh bị viêm đường hô hấp trong thời tiết nóng, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người trẻ; nếu ra mồ hôi nhiều thì dùng khăn bông lau khô, nhất là ở lưng; không để chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa phòng có sử dụng điều hòa nhiệt độ và bên ngoài (không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 5 độ C); hạn chế uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh. Vào những ngày nắng nóng, nên bổ sung vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng.

Thanh Hoá - Hà Tĩnh:  Số người nhập viện tăng mạnh vì nắng nóng

Trao đổi với Lao Động, BSCK II Lê Văn Thắng - Phó Giám đốc BV Nhi Thanh Hoá - cho hay, những ngày nắng nóng này, số bệnh nhân đến khám- chữa bệnh chưa thấy tăng đột biến. Theo BS Thắng, hiện số bệnh nhân nội trú vẫn hơn 650 trẻ, và mỗi ngày có từ 550 - 600 bệnh nhi đến khám. Theo bác sĩ Thắng, trẻ nhỏ thường đổ bệnh nhiều nhất là khi thay đổi thời tiết, do đó, bệnh viện xác định, nếu đang nắng nóng thế này, trời đổ mưa nhiều ngày, trẻ lại nhập viện nhiều hơn. Hiện đa số các phòng, khoa của BV đều có máy điều hoà, vệ sinh khép kín nên cũng có thể đối phó với nắng nóng kéo dài. Những ngày qua, mặc dù nắng nóng đỉnh điểm nhưng tình trạng mất điện hiếm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trịnh Xuân Như – Giám đốc Điện lực Thanh Hoá - cũng ghi nhận một vài điểm mất điện cục bộ do nhảy áptômát, nhưng ngay sau đó nhân viên điện lực đã có mặt khắc phục. Hiện cơ quan này đã huy động 100% con số trực 24/24h.XUÂN HÙNG

* Bà Trần Thị Dung - Phó GĐ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, hiện bệnh viện này đang quá tải vì ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng nên số bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ và người già nhập viện tăng đột biến. Trưa 29.5, PV Báo Lao Động ghi nhận nhiều người dân đã thật sự khổ sở. Để tránh nắng, họ tìm ra bóng cây ở công viên mắc võng nghỉ ngơi. Trên các đường phố vắng hoe bóng người. Ở những điểm thường tập trung nhiều người như chợ, siêu thị... cũng thật sự vắng vẻ. Dường như tất cả đang tìm nơi trú ẩn tránh nắng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật