Những hải trình tuyệt vọng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đã lan sang khu vực ĐNÁ không chỉ gây nhiều thương vong mà còn đẩy các quốc gia liên quan rơi vào vòng xoáy của một cuộc tranh luận gay gắt về cách thức giải quyết tình trạng này.
Những hải trình tuyệt vọng
Hàng chục người đánh cược mạng sống trên chiếc thuyền cao su vượt biển tới châu Âu.

Điều đáng nói là đằng sau các cuộc khủng hoảng đó ẩn chứa rất nhiều vấn đề của hệ thống chính trị toàn cầu và các mối quan hệ quốc tế.
Khủng hoảng từ châu Âu đến châu Á
Hàng loạt cuộc bắt giữ hoặc giải cứu người di cư Libya, Somalia, Ghana và Mali đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải hay hàng ngàn thuyền nhân Myanmar và Bangladesh không nước, không thực phẩm trên những con thuyền cũ kỹ ngoài khơi Myanmar cho thấy, sự hình thành của một cuộc khủng hoảng di cư mang tính toàn cầu
Đây không phải là lần đầu tiên vùng biển Địa Trung Hải bị ám ảnh bởi những con tàu ken đặc người nhưng luồng gió chướng hậu “Mùa xuân Ả Rập” đã đẩy những con thuyền chở người tị nạn Bắc Phi đi xa hơn. Ngoài ra, nội chiến ở Syria cách đây hơn 2 năm đã gây ra cái mà Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) gọi là “dòng người di tản lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến”, với 8 triệu người bị dạt sang vùng khác trong cùng quốc gia và 4 triệu người bỏ đất nước ra đi. Hầu hết người tị nạn ở lại các nước láng giềng nhưng nhiều người muốn đi xa hơn đã gia nhập cùng những người châu Phi khác băng qua Libya và hướng ra biển. Động thái này khiến số người bỏ mạng ngoài khơi Italia, Malta, Hy Lạp tăng vọt. Chính phủ Italia uớc tính trong năm 2015, nước này có nguy cơ phải tiếp nhận khoảng 250.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển.
Trong khi đó, dòng người tị nạn Myanmar và Bangladesh ồ ạt rời bỏ đất nước vì nhiều lý do đã dạt vào bờ biển của Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tạo ra cuộc khủng hoảng thuyền nhân trong khu vực. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 25.000 người chủ yếu là người Rohingya thiểu số ở Myanmar và từ Bangladesh đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Thái Lan, Indonesia và Malaysia là những đích đến ưu tiên, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.
Trước diễn biến trên, Liên Hợp quốc (LHQ) cho rằng, Chính phủ các nước Đông Nam Á trước hết cần cứu những người di cư trước rồi mới tính đến các giải pháp dài hạn. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon, việc chính phủ các nước trong khu vực đẩy các thuyền chở người di cư trở lại biển, trong khi vẫn cam kết triệt phá các đường dây buôn người chẳng khác gì “trò chơi bóng bàn với con người”. Ông Ban Ki-moon cho rằng, Chính phủ các nước phải có trách nhiệm bảo vệ những nạn nhân của nạn buôn người và người tị nạn.
Phép thử quan trọng

Trước thực trạng báo động này, một hội nghị về người nhập cư sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 29/5 với sự tham gia của đại diện 15 quốc gia châu Á và 3 tổ chức quốc tế nhằm tìm lối thoát cho vấn đề nhức nhối này. Phía Thái Lan cũng cho biết sẽ đưa ra quyết định việc có cho phép thuyền nhân lên bờ của nước này hay không sau cuộc đàm phán tới.
Giới phân tích nhận định, hội nghị này sẽ là phép thử quan trọng về sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia Đông Nam Á khi phải giải quyết một vấn đề hóc búa của khu vực. Tuy nhiên, không ít người quan ngại rằng, hội nghị sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra trong bối cảnh các nước liên quan vẫn “bận rộn” với những tuyên bố đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Trong khi một số nước lên tiếng cho rằng, Chính phủ Myanmar không đưa ra biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn cộng đồng người thiểu số di cư mạnh mẽ trong thời gian gần đây, chính quyền Na Pi Taw đã phủ nhận nước này là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư. Dù khẳng định khủng hoảng di cư là vấn đề toàn cầu và cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay giải quyết nhưng Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng cho biết, một mình quốc gia này không thể “mang nổi gánh nặng” về người nhập cư. Trên thực tế, mỗi ngày, có hàng ngàn người từ châu Á đến Trung Đông, Bắc Phi muốn rời khỏi cố hương để tới “vùng đất hứa”.
Trước đó, tại EU, kế hoạch khẩn cấp gồm 10 điểm đã được đưa ra với quyết định tăng gấp 3 nguồn lực tài chính cho các hoạt động của EU ở Địa Trung Hải và tăng cường hợp tác với một số nước như Tunisia, Ai Cập, Sudan, Mali, Niger để kiểm soát biên giới tốt hơn. Tuy nhiên, tranh cãi giữa các thành viên vẫn nổ ra về gánh nặng và hậu quả khôn lường từ hành động tiếp nhận người nhập cư cũng như sự đổ vỡ của hệ tư tưởng mang đậm tính nhân văn chủ nghĩa mà Liên minh này cố gắng xây dựng và theo đuổi từ khi mới thành lập. “Kế hoạch quota” buộc các nước thành viên phải tiếp nhận một lượng người nhập cư nhất định mà EU đưa ra đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia thành viên và đặt ra câu hỏi phức tạp về sự ủy thác hành động trong vùng lãnh hải Libya. Chỉ riêng Anh, nếu kế hoạch này được thực hiện, đồng nghĩa với việc số người nhập cư vào Anh mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ mức 30.000 người/năm, hiện nay lên hơn 60.000 người/năm.
Trong số hàng trăm ngàn người lênh đênh trên biển đã không thể tới được đích đến cuối cùng và những viễn cảnh về một cuộc sống hạnh phúc, no ấm hơn vẫn chỉ là một ảo ảnh thì việc hơn 3.000 người nhập cư trái phép được cập bến an toàn tại Indonesia, Malaysia; các chiến dịch giải cứu hàng trăm người di cư trên Địa Trung Hải được Italia, Pháp, Malta được cho là một bước khởi đầu quan trọng trong cuộc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, để có thể giải quyết dứt điểm bài toán người di cư, cộng đồng quốc tế cần phải có giải pháp toàn diện và lâu dài với sự tham gia của các bên liên quan và thông qua các cơ chế quốc tế khác nhau. Bởi, bất ổn chính trị, nguy cơ làm kiệt quệ nền kinh tế hay sự sụp đổ của các Chính phủ mới chính là nguyên nhân khiến mọi người phải nuôi mộng đổi đời bằng những hành trình tuyệt vọng.

Vũ Trần


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật