Đề xuất lắp định vị, Việt hóa cảnh báo nguồn phóng xạ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lắp đặt thiết bị định vị là giải pháp tối ưu trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ mất nguồn phóng xạ do ý thức tuân thủ quy định Pháp Luật chưa cao ở các cơ sở bức xạ.
Đề xuất lắp định vị, Việt hóa cảnh báo nguồn phóng xạ
Bộ định vị được gắn vào thân thiết bị chứa phóng xạ TP HCM lắp thí điểm.

Trước các vụ thất lạc, mất cắp nguồn phóng xạ thời gian qua, các nhà khoa học, chuyên gia, quản lý liên quan đến bức xạ và hạt nhân tại hội nghị pháp quy hạt nhân lần 2 tại TP Đà Lạt đề xuất giải pháp nhằm quản lý tốt hơn các nguồn phóng xạ đang sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hoàn (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho biết Cục đang sửa đổi thông tư 23/2010 để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Trong đó quan trọng nhất chính là việc gắn thiết bị định vị giám sát các nguồn phóng xạ di động trong công nghiệp. Ngoài ra cần Việt hóa các cảnh báo nguy hiểm bức xạ thay bằng các quy ước cảnh báo chung của quốc tế.

"Việc sửa đổi thông tư 23 rất cấp thiết nhằm bổ sung biện pháp kỹ thuật, kiếm soát tốt nguồn phóng xạ sử dụng di động, đây là giải pháp tối ưu trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ mất nguồn phóng xạ do ý thức tuân thủ quy định Pháp Luật chưa cao ở các cơ sở bức xạ", bà Hoàn nhấn mạnh.

Hiện nay dù các đề xuất bổ sung thông tư 23 chưa được phê duyệt, nhưng TP HCM đã thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát 2 nguồn phóng xạ. Đại diện đơn vị đã tiến hành lắp đặt thiết bị thử nghiệm đầu tiên cho rằng vẫn còn một số hạn chế như kích thước thiết bị khá lớn gây khó khăn khi ra công trường,  phải theo dõi pin thường xuyên vì pin sử dụng không được lâu.

"Hiện nay chúng tôi vẫn đang sử dụng loại chip chỉ có chức năng định vị và đang hợp tác để phát triển đưa thêm các chức năng khác như kiểm soát suất liều nguồn, hoạt độ và số hiệu nguồn cũng như hệ thống phát hiện tháo gỡ trái phép", ông Huy Hoàn, một cán bộ phụ trách an toàn bức xạ của đơn vị lắp đặt, nói.

Ông Nguyễn Hữu Quang, giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghiệp cho biết, việc quản lý các nguồn phóng xạ trong công nghiệp hiện nay còn xem nhẹ, đặc biệt là người sử dụng.

"Ngoài việc hoàn thiện các quy định, quy phạm quản lý thì việc quan trọng nhất chính là nâng cao ý thức bảo vệ, quản lý của chính người sử dụng nguồn phóng xạ này đồng thời có biện pháp báo hiệu ngay trên nguồn phóng xạ để những ai nhìn vào cũng biết", ông Quang đề xuất.

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết với gần 4000 nguồn bức xạ trong cả nước nhưng việc thanh tra vẫn chưa đáp ứng hết. "Hiện nay lực lượng thanh tra rất thiếu hụt chính vì vậy nhu cầu bổ sung nhân lực cho thanh tra Cục là vấn đề cấp bách, ngoài ra chúng ta cần trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác thanh tra các nguồn phóng xạ này, đặc biệt là phương tiện kiểm tra các thông số của thiết bị bức xạ y tế".

Ông cũng cho biết hời gian tới, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ yêu cầu các chủ cơ sở thu thu mua phế liệu sắt thép và cơ sở sử dụng sắt thép để luyện thép phải lắp đặt thiết bị kiểm soát nguồn phóng xạ.

Cả nước hiện có 3832 nguồn phóng xạ, trong đó có 2017 nguồn đang sử dụng, 1815 nguồn đang lưu trữ theo các nhóm nguồn với mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau. Trong 12 năm qua, đã xảy 6 sự cố mất nguồn phóng xạ và có 3 nguồn vẫn chưa tìm thấy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật