Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ tại IMDEX ASIA 2015

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
USS Pasadena(SSN-752) là chiếc tàu ngầm tấn công duy nhất được Mỹ đem đến tham dự triển lãm phòng thủ trên biển IMDEX ASIA 2015 đang diễn ra tại Singapore.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ tại IMDEX ASIA 2015
USS Pasadena(SSN-752)

Là một tàu ngầm tấn công thế hệ mới, USS Pasadena (SSN-752) được trang bị nhiều công nghệ tối tân nhằm đáp ứng cho nhiều yêu cầu nhiệm vụ khác nhau.

//

Pasadena là tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Los Angeles và là nền tảng chiến đấu đa nhiệm vụ, có thể lênh đênh trên biển trong thời gian dài nhờ sử dụng động cơ đẩy năng lượng hạt nhân, tốc độ hành trình cao kèm khả năng tàng hình. Một điều đáng tiếc là việc chụp hình các phương tiện quân sự tối mật này rất hạn chế, mình cũng không được lên tàu để tham quan bên trong nên chỉ có được vài ba tấm hình từ xa.Tàu được đóng theo hợp đồng được Hải quân Mỹ ký kết với bộ phận Electric Boat thuộc tập đoàn công nghệ phòng thủ và hàng không General Dynamics Corp vào tháng 11 năm 1982 tại phân xưởng của General Dynamics đặt tại Groton, bang Conneticut. Đến tháng 9 năm 1987, tàu được hạ thủy và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 1989 dưới sự chỉ huy của thiếu tá W. Fritchman. Ban đầu tàu USS Pasadena (SNN-752) được trang bị cho lực lượng tàu ngầm thuộc hạm đội Đại Tây Dương nhưng đến năm 1990 thì được chuyển giao cho lực lượng tàu ngầm thuộc hạm đội Thái Bình Dương với cảng chính tại San di‌ego, California.

USS Pasadena (SSN-752) dài 110,3 m, sườn ngang 10 m, mớn nước 9,4 m và dùng 1 lò phản ứng hạt nhân hải quân S6G do General Electric thiết kế. Lò phản ứng này bao gồm hệ thống làm lạnh, hệ thống trao đổi nhiệt giúp chuyển đổi nước thành hơi từ nguồn nhiệt tạo ra bởi lõi phản ứng, qua đó cung cấp cho các turbine tạo điện và làm quay chân vịt. Khi lặn, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 32 knots (37 km/h) khi lặn và 15 knots (27,8 km/h) khi nổi. Trọng tải choán nước nước khi nổi khoảng 6255 tấn và 7102 tấn khi chìm. Vận hành tàu là thủy thủ đoàn 110 người trong đó có 12 sĩ quan.

 

USS Pasadena (SSN-752) sở hữu năng lực tấn công rất hệ thống vũ khí đa dạng. Mũi tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 21":


Ngư lôi Mk 48 ADCAP, số lượng 10 quả. Mark 48 biến thể Advanced Capability (ADCAP) là loại ngư lôi hạng nặng được thiết kế để đánh chìm các loại tàu ngầm hạt nhân lặn sâu và các tàu chiến lớn trên mặt biển. Đây là một loại ngư lôi rất nổi tiếng được Mỹ phát triển từ cuối những năm 1960 nhằm theo kịp những cải tiến về công nghệ tàu ngầm của Liên Xô, thay cho các thế hệ Mk 37 và Mk 14. Mk 48 ADCAP có thể được dẫn đường nhờ dây dẫn nối giữa ngư lôi và tàu ngầm hoặc các cảm biến chủ/bị động tích hợp sẵn để tìm kiếm, khóa và tấn công các mục tiêu được lập trình sẵn. Điểm độc đáo của Mk 48 là nó phát nổ bên dưới sống tàu, tạo ra một áp lực cực lớn bẻ con tàu làm đôi. Trong trường hợp phóng trượt, ngư lôi Mk 48 có thể quay trở lại thử lần 2.


Tên lửa dẫn đường Tomahawk, loại tên lửa này đã quá quen thuộc với chúng ta bởi sự góp mặt của nó tại nhiều chiến trường như Afghanistan, Syria, Iraq … Tomahawk được giới thiệu lần đầu tiên vào thập niên 70 của thế kỷ trước bởi McDonnell Douglas. Qua thời gian, tên lửa Tomahawk đã được cải tiếp với tầm bay xa hơn, phiên bản dùng trên tàu USS Pasadena (SSN-752) có tầm bay đến 3100 km nhờ động cơ phản lực cải tiến. Tên lửa có thể được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) hoặc ống phóng ngư lôi. Trong trường hợp phóng từ ống phóng ngư lôi, tên lửa sẽ được đẩy ra bên ngoài tàu ngầm và kích hoạt động cơ đẩy nhiên liệu rắn trong vài giây để đưa tên lửa lên khỏi mặt nước trước khi bật cánh, chuyển trạng thái bay. Tomahawk bay ở tốc độ cận siêu âm (890 km/h), dùng hệ thống định vị GPS và các cảm biến địa hình như TERCOM, DSMAC, INS để dẫn đường. Qua đó, bán kính sai sót của tên lửa chỉ khoảng 10 m và nhiều người còn nói vui rằng Tomahawk có thể bay xuyên cửa sổ một ngôi nhà. Tomahawk có thể mang nhiều loại đầu đạn, thông thường là đầu đạn nổ 450 kg.


Tên lửa chống hạm Harpoon, biến thể dùng trên tàu là UGM-84 dùng độ cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và được phóng từ ống phóng ngư lôi 21". Harpoon được phát triển từ năm 1965 bởi Hải quân Mỹ và hiện được sản xuất theo hợp đồng với McDonnell Douglas. Nó có thể mang đầu đạn nổ xâm nhập 221 kg, tầm bay tối đa 140 km ở độ cao 910 m và tốc độ 850 km/h. Tên lửa này được dẫn đường bằng radar chủ động ARH.

Thủy lôi Mk 67 là một loại mìn chống hạm di động đặt từ tàu ngầm (SLMM). Nó cũng được phóng từ ống phóng ngư lôi nhưng tự dùng hệ thống đẩy riêng để di chuyển đến một địa điểm định sẵn, nằm ở độ sâu tối đa 183 m dưới mặt nước biển. Mỗi quả Mk 67 chứa đầu đạn 150 kg và dùng hệ thống cảm biến từ/địa chấn hoặc từ/địa chấn/áp lực để phát hiện mục tiêu và kích nổ. Mục đích của Mk 67 là giới hạn hoạt động giao thông của tàu chiến và tàu ngầm trên biển.


Thủy lôi Mk 60 Captor là một loại mìn chống tàu ngầm được triển khai tại các vùng nước sâu từ tàu chiến, máy bay hoặc tàu ngầm. Cái tên Captor viết tắt của enCAPsultated TORpedo, có thể hiểu là thủy lôi bọc ngư lôi. Nó được thả xuống bởi tàu chiến, máy bay hoặc tàu ngầm và neo xuống đáy biển. Khi cảm biến sonar phát hiện tàu ngầm địch, nó sẽ phóng ra một ngư lôi Mk 46 chưa đầu đạn 44 kg.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật