Kỳ 3: Phạm Xuân Ẩn - từ mật vụ đến nhà báo

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Lúc tôi sang Mỹ, chính ông Trần Kim Tuyến đồng ý, bên an ninh mới cho phép xuất ngoại. Thời ấy xin passport khó lắm chứ không dễ như bây giờ. Khi về, vào làm việc ở cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống cũng nhờ ông Tuyến“ - ông Phạm Xuân Ẩn kể lại.
Kỳ 3: Phạm Xuân Ẩn - từ mật vụ đến nhà báo
Phạm Xuân Ẩn trong một bữa tối công vụ tại Việt Tấn Xã - nguồn: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn

Từ cơ quan mật vụ, ông sang làm ở Việt Tấn Xã (VTX). Ông giải thích, khi ông đi Mỹ học, ông Nguyễn Thái  - Tổng Giám đốc VTX có đề nghị ông học xong về làm việc cho VTX. Ông Thái là một trong 10 người học ở Mỹ được Ngô Đình Diệm đưa về phục vụ cho chế độ của Diệm. Ông quen ông Thái thông qua một người bà con. Lúc này VTX có nhận viện trợ của cơ quan Văn hóa Á châu chuẩn bị mở một lớp báo chí (khi ấy trong nước chưa có trường đào tạo báo chí), ông Thái muốn ông sang đó để làm việc này. Còn cơ quan mật vụ của Phủ Tổng thống có tên gọi là Sở Nghiên cứu chính trị, văn hóa và xã hội. Ông làm phần văn hóa. Ông được Trần Kim Tuyến biệt phái sang làm ở VTX nhưng vẫn còn là người của Sở Nghiên cứu chính trị.

Lúc ấy, do mâu thuẫn quyền lực giữa Bộ Thông tin và VTX nên Bộ Thông tin không cho VTX mở lớp đào tạo báo chí. Ông được giao nhiệm vụ phụ trách đám ký giả hoạt động ở nước ngoài. Tại VTX, có rất nhiều người của Trần Kim Tuyến, trong đó có một đám ký giả đi học nước ngoài về được cử sang một số nước Á, Phi hoạt động tình báo.

"Mấy cha" tình báo này ỷ vào quyền lực của Sở Nghiên cứu chính trị nên rất ngang ngược, không coi Tổng Giám đốc VTX ra gì. Còn ông Nguyễn Thái thì không dám rầy rà đám này vì ngại va chạm với Trần Kim Tuyến. Có ông sang, ông Nguyễn Thái rất mừng: "Tui giao đám này cho anh quản lý, anh trị hoặc muốn làm gì tụi nó thì làm".

Ông nhận việc và làm như không hề biết mấy tay nhà báo giả danh này hoạt động tình báo mà ông cứ theo nguyên tắc nghề nghiệp ông quản. "Bài vở từ đám ký giả này gửi về rất ít, có người cả tháng không viết, có người có cắt báo chí nước ngoài gửi về. Tôi làm công văn đưa cho Tổng Giám đốc VTX xem, ông Thái giao tôi nhân danh Tổng Giám đốc ký gửi cho đám ký giả này yêu cầu: "Tất cả phải có bài vở đầy đủ, tối thiểu mỗi tuần một bài. Nếu không sẽ bị đuổi", ông kể lại.

Đám ký giả hậm hực báo với Tuyến: "Ở VTX có thằng Ẩn rất hỗn, nó làm vậy tụi tui không có thời gian đâu mà hoạt động tình báo". Trần Kim Tuyến gọi ông sang bảo: "Làm gì mà khó khăn vậy ?". Ông Ẩn: "Ông Thái nể ông nên ổng không nói. Còn tôi thì không rành nghề tình báo, nhưng tôi thấy ông dùng nghề báo làm tấm bình phong như thế thì coi như việc này bị xé bỏ, lộ hết rồi. Đã làm báo thì phải viết tin, viết bài chứ!".

Tuyến chịu, chấn chỉnh đám ký giả và lưu ý với họ: "Thằng Ẩn là dân làm báo chuyên nghiệp, học ở Mỹ về. Các anh mà làm không đàng hoàng, nó sẽ trị".


Một trong rất nhiều thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn

Đến năm 1960, hãng thông tấn Anh Reuters có ký hợp tác thông tin với VTX, cần một người Việt Nam thực hiện dự án. Phạm Xuân Ẩn được mời làm việc này. Ông kể: "Lúc này tôi ăn 3 lương: Phủ Tổng thống, VTX và Reuters". Nhưng sau một thời gian, ông nói với Trần Kim Tuyến: "Ăn 3 lương coi chẳng giống ai, không có lợi".

Tuyến tán thành. Đầu 1961, ông chỉ làm việc cho Reuters nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Phủ Tổng thống.

Sau năm 1954, toàn Nam Bộ có 6 vạn cán bộ, đảng viên ở lại hoạt động. Ta tôn trọng Hiệp định Genève, kiên trì đấu tranh chính trị đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Genève, không đấu tranh vũ trang. Còn địch thì mở rộng chiến dịch "tố cộng”, "diệt cộng" trong những năm 1957-1959, "lê máy chém đi khắp miền Nam", đánh phá ác liệt vào cơ sở của ta và phong trào quần chúng. Lực lượng cách mạng tổn thất hết sức nặng nề. Riêng tại Sài Gòn và Đông Nam Bộ, trong số 2 vạn cán bộ, đảng viên, có đến 85% bị địch giết hại hoặc bị tù đày.

Phạm Xuân Ẩn trở thành chuyên viên trong 2 cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống ngụy vào thời điểm đó. Tại đây ông đã nắm được rất nhiều thông tin cơ mật của chế độ, nhưng rất tiếc là ông vẫn chưa nối được liên lạc với tổ chức. "Nguyên tắc của công tác tình báo là cấp trên tìm anh chứ anh không được phép tìm cấp trên" - ông nói. Nhưng ông không thể ngồi chờ.

Ông định đến nhờ bà Huỳnh Tấn Phát (vợ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam sau này) vì hồi nhận công tác chỗ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ông đã liên lạc qua đường dây này, song chưa kịp nhờ thì bà Huỳnh Tấn Phát cũng bị bắt (năm 1960).

Đến cuối 1960, thông qua người của ông Mười Hương, ông mới gặp được ông Cao Đăng Chiếm, một cán bộ lãnh đạo phụ trách An ninh miền lúc ấy và chính thức nhận nhiệm vụ mới, người phụ trách trực tiếp ông là ông Mười Nho. (Còn tiếp)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật