Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn: Nước lớn đánh nước nhỏ, nước nhỏ chưa chắc thua, nếu..

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (1927 - 2006) là một nhân vật huyền thoại. Xung quanh cuộc đời ông là những câu chuyện ly kỳ, những đòn cân não, mưu trí của một điệp viên cách mạng sống và hoạt động trong lòng Sài Gòn trước 1975.
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn: Nước lớn đánh nước nhỏ, nước nhỏ chưa chắc thua, nếu..
Phạm Xuân Ẩn khi còn theo học tại Mỹ ( vị trí thứ 2 từ phải sang trái)

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết của Nhà báo Hoàng Hải Vân và các cộng sự xung quanh huyền thoại tình báo với những nhân chứng, tư liệu "độc đáo", sống động. Những khai thác có nghề của một nhà báo kỳ cựu để có được trên bài viết những "bí mật thâm cung " lần đầu "bật mí" cùng bạn đọc lúc nhà tình báo còn sống

Trước đây nhiều người biết ông Phạm Xuân Ẩn là nhà phân tích quân sự - chính trị nổi tiếng, làm việc ở sở Mật vụ của Trần Kim Tuyến, làm ký giả hãng tin Anh Reuters, rồi ký giả báo Mỹ TIME cho đến năm 1976. Ông quen thân với trùm CIA W.Colby, với tình báo Anh, Pháp, Nam Triều Tiên, với hầu hết các tướng lĩnh quân đội ngụy...

Phạm Xuân Ẩn từng được Phủ Tổng thống mời tham gia ý kiến vào việc hoạch định chiến lược quan trọng của chế độ Sài Gòn, được tin cậy ra vào dễ dàng Tổng nha cảnh sát, An ninh quân đội, cơ quan trung ương tình báo ngụy, được lên trực thăng Mỹ đi thị sát chiến trường... Một thời gian khá lâu sau giải phóng, cũng ít người biết ông là nhà tình báo chiến lược, là anh hùng quân đội, là tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam. Và cho đến nay, vẫn còn nhiều chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời ông…

Trong sự xô bồ của Sài Gòn đang mở cửa, ngôi biệt thự nhỏ của ông  trên đường Lý Chính Thắng vẫn lặng lẽ đến lạ thường. Một chút Sài Gòn xưa cũ như vẫn lẩn khuất đâu đây trong rặng cây cao, trong mấy lồng chim líu lo và hai con chó. Hai con chó sủa khi có khách vào, nhưng tiếng sủa của chúng cũng thật khác thường, vừa dữ dẵn vừa thân thiện.

Phạm Xuân Ẩn luôn mang theo chú chó bên mình

Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, nhà tình báo chiến lược, người mà tôi nghĩ sẽ gây cho ai mới gặp một ấn tượng đặc biệt, té ra lại là một ông già cao gầy và hiền hậu. Dưới mắt tôi lúc này, con người có “công phu thượng thừa" kia trong giống như một ẩn sĩ.

"Chuyện của tôi không có gì đặc biệt cả. Có bài báo viết tôi là nhà tình báo thế kỉ 20, viết như vậy là quá đáng, người ta sẽ cười cho”, ông mở đầu câu chuyện. Và như sợ người nghe chưa thông, ông giải thích: “Việt Nam chỉ có tình báo tự vệ thôi không có tình báo tấn công như cường quốc. Tự vệ thì không thể có nhà tình báo thế kỷ được".Có lẽ thấy tôi vẫn chưa thất vọng, ông nói tiếp: "Tôi chỉ là một khâu, một điểm, một điểm nhỏ bé cuối cùng trong hệ thống tình báo của ta thôi, chẳng có gì đáng nói".

Ông hoàn toàn không làm ra vẻ khiêm tốn khi nói những lời đó, ông nói một cách thiệt thà. Thú thật là trước đó, khi đặt vấn đề nhờ các cán bộ quân đội giới thiệu gặp ông, chúng tôi nói mục đích là "viết bài giáo dục thế hệ trẻ", nhưng quá nửa mục tiêu là nhằm khai thác những chuyện ly kỳ, tuy rằng "những chuyện ly kỳ" và việc "giáo dục thế hệ trẻ" không có gì mâu thuẫn nhau.

Nhưng khi gặp ông, qua những câu chuyện đứt nối mà ông kể, tôi bỗng nhận ra tâm hồn và đầu óc của kẻ mang sứ mệnh "giáo dục thế hệ trẻ" như tôi từ lâu đã bị xơ cứng và hồ đồ.

2. Sau đây là vài dòng tiểu sử được liệt kê trong một quyển sách nhỏ viết về ông của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải:

Năm 1947, hoạt động ở Sài Gòn. 1948, xuống Mỹ Tho học tú tài. 1949, bãi khóa, tham gia phong trào học sinh sinh viên. 1950, có mặt ở đỉnh cao phong trào Trần Văn Ơn. 1951, làm thư ký kế toán hãng xăng - rồi thư ký hải quan; được giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. 1954, đi lính Pháp, làm bí thư phòng chiến tranh tâm lý Bộ Tổng Tham mưu. 1955, Mỹ qua thay Pháp, ông làm sĩ quan liên lạc của phía Việt Nam trong cơ quan TRIM (3 bộ tư lệnh nhập lại Mỹ - Việt - Pháp), tiếp đó làm ở phái bộ huấn luyện quân sự Mỹ CATO (Combined Army Training Organization). 1957, học đại học tại Mỹ. 1959, về nước, làm việc ở Sở Nghiên cứu chính trị (cơ quan mật vụ của Trần Kim Tuyến, trực thuộc Phủ Tổng thống), biệt phái sang Việt Tấn xã. 1960 - 1964, làm cho hãng tin Anh Reuters. Từ 1965 - 1976, làm cho báo TIME của Mỹ. Ngoài ra còn làm cộng tác viên cho hai nhật báo The New York Herald Tribune và The Christian Science Monitor. Đọc những dòng ấy không ai có thể hình dung ông đã làm nên những công trạng gì mà được thưởng đến 4 Huân chương chiến công giải phóng, được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trở thành một vị tướng.

Trong bản thành tích tóm tắt in công khai khi ông được phong anh hùng năm 1976 có ghi:

"Từ năm 1952 đến tháng 4.1975 do yêu cầu của nhiệm vụ tình báo suốt 23 năm cùng ăn, ở, làm việc với địch, Trần Văn Trung vẫn luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng".

Sở dĩ phải lấy tên Trần Văn Trung để phong anh hùng vì nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn vẫn chưa bị “lộ”, mặc dù lúc ấy đã một năm sau giải phóng. Tôi hỏi mấy chục năm sống ở Sài Gòn, hiểu biết tường tận về sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế của Mỹ, ông có thực sự “tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng” không, ông không trả lời theo cách thông thường. Ông nói: "Hai quân đội đánh nhau, bài học đầu tiên là quân đội nào mạnh hơn quân đội ấy thắng, mạnh ngang nhau thì huề. Bài học thứ hai, nếu mạnh ngang nhau ai quyết tâm hơn người ấy thắng, quyết tâm như nhau thì huề.

Ông Phạm Xuân Ẩn tra từ điển

Bài học thứ ba, nếu mạnh như nhau và quyết tâm như nhau thì ai có chiến lược chiến thuật hay hơn người ấy thắng, chiến lược chiến thuật hay như nhau thì huề. Bài học thứ tư, nếu tất cả những cái ấy đều ngang nhau thì quân đội nào nắm được yếu tố bất ngờ thì quân đội ấy thắng. Đó là lập luận của Clau’se-witz (Karl won Clau’se-witz, nhà chiến lược quân sự Đức, 1780-1831).

Nhưng nước lớn đánh nước nhỏ thì sao ? Clau’se-witz nói nước nhỏ chưa chắc đã thua, nếu biết động viên toàn dân, động viên hết nhân tài vật lực và đánh dài. Anh đi xâ‌m lượ‌c giống như anh đi buôn, phải tính sao cho có lời, nếu trả giá đắt quá thì rút, mà rút tức là thua. Trong chiến tranh Việt Nam, ta liến hành chiến tranh nhân dân, động viên sức mạnh toàn dân, Mỹ tính sổ thấy không có lời. Ông vừa nói vừa rút trên giá sách một cuốn từ điển, tìm trong các trang vần C, chỉ cho tôi tên ông Clau’se-witz "để viết cho đúng chính tả"... (Còn nữa)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật