Giá lên 7,5%, tiền điện tăng gấp đôi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không phải tình trạng phổ biến, song khi nhận hóa đơn tháng 4, nhiều khách hàng mua điện vẫn rất bất ngờ với những trường hợp tăng mạnh sau kỳ điều chỉnh giá gần đây.
Giá lên 7,5%, tiền điện tăng gấp đôi
Ngành điện khẳng định không có chuyện hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 4.

Cầm hoá đơn gần 700.000 đồng của tháng đầu tiên sau khi áp dụng khung giá điện mới (tăng 7,5%), anh Hoàng Mạnh (Trúc Bạch, Tây Hồ) cho biết số tiền gia đình phải nộp cao hơn so với tháng trước gần 300.000 đồng. "Lẽ nào với cách tính mới này khiến cho số tiền điện sinh hoạt của gia đình tăng cao gần gấp đôi?", anh thắc mắc.

Kinh doanh một cửa hàng nhỏ trên đường Hữu Hưng (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), dù khá tiết kiệm trong việc sử dụng điện nhưng chị Nga - chủ quán cũng than phiền riêng tiền điện vừa phải trả hết hơn một triệu đồng, trong khi cả năm nay chưa tháng nào vượt mức 800.000 đồng.

Trao đổi với Báo, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thừa nhận hóa đơn tiền điện sinh hoạt của nhiều hộ gia đình đã tăng so với tháng trước. Nguyên nhân có thể do thời tiết nồm ẩm kéo dài từ 2-3 tuần trong tháng 3 khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như máy sấy quần áo, máy hút ẩm, bình nóng lạnh tăng cao. Chưa kể đến một tuần nắng nóng sau đó, thậm chí có ngày nhiệt độ lên 37 độ C làm tăng lượng điện tiêu thụ trung bình của toàn thành phố lên hơn 20%.

Ngoài ra, theo EVN Hà Nội, trong tháng đổi giá số ngày sử dụng thực tế của hóa đơn nhiều hơn tháng trước đó 3 ngày.  Đồng thời,việc thay đổi giá bán điện kể từ 16/3 ít nhiều đã làm tăng số tiền phải trả của mỗi hộ gia đình.


Tại TP HCM, Báo cũng nhận được một số thắc mắc của độc giả về mức tiền phải trả trong hóa đơn điện. Phần lớn đều cho biết mức tiền phải trả trong hóa đơn gần như không tăng đột biến, song điều làm họ khó hiểu ở cách tính các bậc giá theo mức cũ - mới trên hóa đơn mà ngành điện áp dụng.

"Bình thường hạn mức của bậc đầu tiên là 50kWh, bậc tiếp theo cũng 50kWh, những bậc sau đó là 100kWh, nhưng sao trong hoá đơn tính giá mới có định mức bậc thang 5kWh, 10kWh. Phải chăng hạn mức bậc thang đã thay đổi", chị Thu Lan (phường 12, quận Phú Nhuận) băn khoăn.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM cho rằng, việc tiền sử dụng điện của tháng tính theo giá mới tăng cao so với tháng trước có thể là do người dân đã sử dụng sản lượng nhiều hơn. "Có thể tháng trước đó rơi vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình về quê hoặc là đi du lịch nên sản lượng tiêu thụ ít hơn so với tháng 4. Cụ thể, với trường hợp nhà chị Thu Lan số tiền điện phải đóng trong tháng cao gần gấp đôi so với tháng trước đó là do sản lượng tiêu thu điện nhiều gấp hai lần ", đại diện EVN TP HCM cho hay.

Về cách tính giá điện giữa 2 khoảng thời gian "chốt" giá cũ và giá mới, đơn vị này cho biết do tháng 3 có một phần điện năng tính theo giá cũ và một phần điện năng tính theo giá mới, nên mỗi bậc thang sẽ thể hiện phần định mức của cả 2 loại giá này.

Để cụ thể hơn, đơn vị đã đưa ra ví dụ: tổng sản lượng điện dùng của một hộ gia đình trong tháng 4 (từ 12/3 đến 12/4) là 308 kWh, trong đó, 30 kWh của 3 ngày (12-15/3) sẽ được tính mức giá cũ. Từ 16/3-12/4 thời điểm áp giá mới cho điện năng tiêu thụ là 278 kWh.

Để tính định mức bậc thang giá sinh hoạt cũ, ngành điện sẽ căn cứ hạn mức bậc một và hai mỗi ngày 1,7kWh nhân với số ngày thực dùng (trong trường hợp trên là 3 ngày), để ra định mức lần lượt là bậc một 5kWh, bậc 2 là 5kWh. Tương tự, các bậc thang tiếp theo được định mức mỗi ngày là 3,2kWh, đem nhân với 3 ngày sẽ ra định mức bậc 3 và 4 lần lượt là 10kWh.

Cách tính tương tự sẽ tìm ra được định mức bậc thang giá sinh hoạt mới lần lượt bậc một và hai là 45kWh, bậc ba và bốn là 90kWh, còn lại sẽ là bậc 5. Khi cộng hai định mức (cũ và mới) sẽ ra đúng bằng định mức từng bậc lần lượt, bậc 1 là 50kWh, bậc 2 cũng 50kWh, và bậc 3, 4,5 lần lượt 100kWh.

"Rất nhiều người dân do không nắm được quy tắc tính giá điện này nên khi thấy điện lực tính 5kWh của gia điện cũ cứ nghĩ theo cách tính mới thì định mức đầu tiên chỉ có 5kWh thay vì 50kWh", đại diện Công ty điện lực TP HCM nói.

Năm 2015, được dự báo là một năm nắng nóng kỷ lục, do đó, các đơn vị ngành điện mong muốn người tiêu dùng sử dụng thiết bị điện hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí chi phí. Trong trường hợp nghi ngờ về tiền điện hoặc sản lượng điện tiêu thụ trong tháng, người tiêu dùng chủ động phản ánh về các đầu mối liên lạc của ngành để được giải đáp, xử lý kịp thời thỏa đáng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật