Iran sẽ thành “chiến trường” của các hợp đồng vũ khí?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với việc sắp được quốc tế dỡ bỏ các lệnh cấm vận, Iran hứa hẹn trở thành một “chiến trường” mới cho các hợp đồng mua bán vũ khí, khí tài quân sự.
Iran sẽ thành “chiến trường” của các hợp đồng vũ khí?
Một chiếc MiG-29 của Không quân Iran. Ảnh: theaviationist.com

Ngay sau khi thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đạt được với nhóm P5+1 hồi đầu tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bất ngờ ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Tehran.

(Nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức).

Mặc dù là đồng minh thân cận, nhưng Nga và Iran đã vướng phải bất đồng về việc cung cấp S-300. Năm 2007, Nga đã ký hợp đồng bán 5 khẩu đội S-300 cho Tehran.

Thế nhưng đến năm 2010, Moscow phải hủy hợp đồng này dưới sức ép của phương Tây, sau khi Liên Hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

Động thái này của Nga là một bước đi trước trong cuộc đua giành các lợi ích từ Iran, sau khi quốc tế có khả năng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này vào cuối tháng 6 tới đây.

Cả Mỹ cũng như Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên tiếng phản đối việc “bật đèn xanh” này bởi họ cho rằng quyết định của Moscow là quá sớm và nó có thể gây cản trở cho kế hoạch dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran.

Với Trung Quốc, từ những năm 1980, nước này đã bắt đầu cung cấp các thiết bị quân sự cho Iran nhưng chỉ với số lượng nhỏ giọt.

Phòng Thương mại chung Iran-Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương hằng năm với Teheran từ 52 tỷ USD lên 60 tỷ USD.

Trong đó không thể không nhắc tới lĩnh vực quốc phòng khi Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định chất lượng và tìm đầu ra cho các sản phẩm quân sự của mình.

Hơn nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Iran trong thời gian tới với mục đích tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác.

Theo ông Richard Bitzinger, Nghiên cứu sinh cao cấp tại trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, trong khoảng năm 2000, kim ngạch buôn bán vũ khí của Trung Quốc cho Iran giảm mạnh cũng là có mục đích sâu xa.

Thứ nhất là Bắc Kinh muốn cho thế giới thấy được rằng mình không ủng hộ một nước nằm trong danh sách quốc gia bảo trợ khủ‌ng b‌ố do Mỹ lập ra.

Thứ hai là muốn nhân nhượng Israel - nhà cung cấp chính các công nghệ quân sự tiên tiến cho Bắc Kinh và là “kình địch” của Iran, thứ ba có lẽ là muốn “lấy lòng” các quốc gia vùng Vịnh.

Về phần mình, Nga cũng đã dần hiện thực hóa mục tiêu tăng cường buôn bán vũ khí, trang bị với Iran khi dự đoán khả năng nhóm P5+1 và Iran sẽ đi đến một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran là rất cao.

Thực ra, Iran đã mong chờ nối lại hợp đồng S-300 này từ lâu bởi với Tehran, việc sở hữu S-300 sẽ giúp quốc gia Hồi giáo này có được sự tự tin trong quốc phòng, trong bối cảnh quan hệ với Israel chưa bao giờ hạ nhiệt.

Chuyên gia quân sự Nga Yuri Barmin nhận định, Tehran sẽ ưu tiên hoàn tất các hợp đồng mua bán quân sự với Nga trước tiên.

Đồng thời dẫn nguồn từ một báo cáo của Trung tâm Phân tích Thương mại vũ khí Thế giới rằng Iran có nhu cầu mua vũ khí, trang bị của Nga trị giá khoảng 11 - 13 tỷ USD.

Iran hiện đang cần mua các máy bay mới bởi lực lượng máy bay đánh chặn MiG-29 được sản xuất từ thập niên 70 nay đã lỗi thời; cũng như ưu tiên mua trực thăng, tàu khu trục, hệ thống liên lạc quân sự và hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, “miếng bánh” này không phải chỉ có riêng Nga. Theo những nguồn tin đáng tin cậy của Bộ Quốc phòng Nga, Iran cũng đang “ngấp nghé” với các hợp đồng mua bán quân sự từ phương Tây và Mỹ khi mà các lệnh trừng phạt với nước này bị dỡ bỏ.

Trong bối cảnh mới, Iran cũng sẽ phải có những cân nhắc cho riêng mình, một mặt điều chỉnh quan hệ với phương Tây để “mở cửa” với thế giới bên ngoài, nhưng lại không được ảnh hưởng đến quan hệ với Nga.

Như vậy, “cuộc chiến” cạnh tranh thị trường Iran được dự đoán sẽ khốc liệt. Thật dễ hiểu khi cục diện đã và sẽ có nhiều thay đổi tích cực, các nhà sản xuất quân sự thế giới chắc chắn không “ngồi yên” như trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật