Truy tố thẩm phán nếu tòa án từ chối giải quyết quyền dân sự

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác cũng phải tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân
Truy tố thẩm phán nếu tòa án từ chối giải quyết quyền dân sự
Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi)

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự là một trong 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm lấy ý kiến nhân dân đối với việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Theo quy định tại Điều 19 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo Pháp Luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này án lệ có thể được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Tại Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội, cho ý kiến về quy định này, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật và cho rằng, đây là một trong các đột phá quan trọng trong lần sửa đổi này. Quy định như trong Dự thảo góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; là một bước đi cụ thể trong việc triển khai, thi hành khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp mới, theo đó, “Tòa án Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; góp phần thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phân tích thêm, theo Điều 102 Hiến pháp hiện nay xác định Tòa án là cơ quan xét xử, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước… Các quyền đó đều là quyền dân sự. Để thực hiện việc bảo vệ các quyền đó trách nhiệm thuộc về tòa án. Về mặt lý lẽ, Tòa án không thể từ chối.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội cho rằng không chỉ quy định với tòa án mà với các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan đến quyền dân sự của công dân. “Dự thảo luật cần quy định rõ tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm phải giải quyết. Tòa án không được từ chối giải quyết quyền dân sự nếu từ chối sẽ là căn cứ để truy tố thẩm phán. Trong bộ luật Dân sự nên khẳng định rõ nội dung này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc bổ sung quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự do chưa có điều luật để áp dụng sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân một cách triệt để. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quy định, theo bà Hòa cần quan tâm xem xét các điều kiện để thực hiện trên thực tế, hoàn thiện hệ thống Pháp Luật làm cơ sở để tòa án thực hiện trách nhiệm theo quy định.

Tòa án cần công khai bản án, hệ thống hóa các án lệ để định hướng xét xử; nâng cao trình độ và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ tòa án. Mặt khác, để tránh gây nhầm lẫn, tranh cãi khi đưa ra phán quyết, ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ thế nào là niềm tin và lẽ công bằng vi khi áp dụng những căn cứ này phải rất thận trọng để tránh trường hợp các chuẩn mực và định kiến xã hội có tính phân biệt đối xử với phụ nữ và có thể tồn tại trong quan niệm và nhận thức chủ quan của những người tham gia xét xử và ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật