Bóng đá Italy và con đường tìm lại vầng hào quang xưa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Như chiếc xe đua Ferrari nhiều năm liền bỏ xa các đối thủ, nhưng dần non hơi rồi xịt lốp trong những năm 2000, bóng đá Italy giờ hoảng sợ nhận ra rằng trên xe họ chẳng còn bất kỳ chiếc lốp phụ nào để thay thế.
Bóng đá Italy và con đường tìm lại vầng hào quang xưa
AC Milan giờ đây thường bị chế giễu là “AC Freeland“ - một tập hợp những cầu thủ đến theo dạng miễn phí hoặc giá rất rẻ mạt.

Nền bóng đá già nua. Không có phương án sửa chữa nghĩa là chiếc Ferrari cứ thế chạy với chiếc lốp bẹp rúm. Tốc độ dĩ nhiên là chẳng thể nhanh được.  Việc xịt lốp thường không xảy ra ngay, nhưng có lẽ do chạy quá nhanh, chủ nhân chiếc xe vô tình không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề.

Chiếc lốp xịt chưa được thay thế và "con ngựa chiến" Ferrari chạy chậm mang những ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Nó giống như sự thiếu hụt trầm trọng của lớp cầu thủ trẻ tài năng, làm cho cả nền bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng phải lâm vào tình trạng lay lắt, bị hút máu trầm trọng, để rồi phải sống nhờ vào những bản hợp đồng cho mượn như trường hợp AC Milan.

Trong một đường đua đầy sự cạnh tranh khốc liệt, việc chậm hơn đối thủ tức là tụt lại phía sau. Và bóng đá Italy cũng đã tụt hậu tương đối xa so với những nền bóng đá khác như Anh, Tây Ban Nha, Đức và thậm chí sắp bị bóng đá Pháp bắt kịp.

Theo thống kê của BBC Sport, trong tổng thời gian các trận đấu ở La Liga mùa bóng 2013-2014, các cầu thủ Tây Ban Nha chiếm 59%  thời gian. Tương tự, các cầu thủ Pháp chiếm 51,1% thời gian thi đấu ở Ligue 1 ; cầu thủ Đức chiếm 50% ở Bundesliga. Còn ở Italy? Chỉ có 45,4%, giảm đến 19% so với mùa 2007-2008.

Còn theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu bóng đá quốc tế (CIES Football Observatory)  thuộc Thụy Sỹ, trong năm nền bóng đá hàng đầu châu Âu, Italy  dẫn đầu về độ "già đời" với 27,3, xếp sau là Anh (26,8), tiếp đến là Tây Ban Nha (26,2), Đức (25,9) và cuối cùng là Pháp (25,8).

Trước tình thế ngày một nguy cấp, những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Italy (FIGC) không thể tiếp tục ngồi yên nữa. Họ đã chính thức bắt tay vào cuộc.

Công cuộc trẻ hóa. Trong F1, mọi cuộc đua đều có "pitch stop", là nơi sửa chữa kỹ thuật và cung cấp nhiên liệu cho đội đua. "Pitch stop" của bóng đá Italy có thể xem là lớp cầu thủ trẻ tài năng, và khoảng cách giữa vị trí của chiếc xe với "pitch stop" là chính sách đào tạo trẻ đúng đắn, bên cạnh sự mạnh tay và quyết tâm làm triệt để của FIGC.

Mới đây, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), ông Greg Dyke, quyết tâm tạo dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ với đề xuất - mỗi câu lạc bộ phải có ít nhất 12 cầu thủ tự đào tạo mang quốc tịch Anh trong đội hình, thay vì 8 như hiện nay. Đề nghị này xuất phát từ mong muốn tạo thêm nhiều "đất diễn" cho các tài năng trẻ như Harry Kane. Nó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội từ 20 câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng, vì điều đó sẽ làm hạn chế rất nhiều khả năng mua các ngôi sao từ nước ngoài.

Italy thi đấu tệ hại ở World Cup 2014 do thiếu tài năng trẻ và phải sống nhờ cảm hứng của một Pirlo đã quá già.

FIGC thì đưa ra đề xuất "mềm mỏng" hơn một chút. Theo đó, trong 25 cầu thủ đăng ký thi đấu của mỗi CLB, phải có bốn cầu thủ diện homegrown (tức là cầu thủ đến từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, miễn là do CLB đó tự đào tạo, đồng thời thuộc biên chế trong tối thiểu 3 mùa bóng từ tuổi 15 đến tuổi 21), cùng với bốn cầu thủ mang quốc tịch Italy trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng.

Theo quy định mới này, hiện chỉ có tám đội bóng đáp ứng được gồm Atalanta, Cagliari, Empoli, Genoa, Juventus, AC Milan, Roma và Sampdoria. 12 câu lạc bộ còn lại sẽ có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là Inter Milan - đội bóng chỉ có đúng một cầu thủ tự đào tạo, nhưng lại mang quốc tịch Nigieria!

HLV đội U21 Italy, ông Luigi di Biagio chia sẻ: "Tôi thực sự rất xót xa trước việc các cầu thủ trẻ ở Italy có rất ít cơ hội để thể hiện mình. Điều đó giờ đã được cải thiện, nhưng tình hình chưa tốt lên là bao". Cựu cầu thủ của Inter và Roma cũng tỏ rõ sự bực bội: "Các đội bóng ở đất nước này dường như thiếu can đảm để trao cơ hội cho cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu".

Xóa bỏ hình thức chuyển nhượng "đồng sở hữu". "Đồng sở hữu cầu thủ" là một hệ thống đặc biệt, trong đó hai CLB cùng sở hữu hợp đồng của một cầu thủ, mặc dù cầu thủ đó chỉ có thể chơi cho một đội bóng. Đây không phải là hình thức hợp đồng mang phổ biến, chỉ hiện diện ở một số quốc gia như Italy, Argentina, Chile và Uruguay.

Những ngôi sao ngoại quốc thuộc diện đồng sở hữu như Adriano tại Parma và Inter trước kia là một lý do quan trọng kìm hãm sự phát triển của các tài năng người bản địa ở Serie A.

Số liệu thống kê cho biết, ở Seria A hiện nay có 164 cầu thủ thuộc dạng "đồng sở hữu" và 92 trong số đó sẽ hết hạn vào mùa hè tới đây. Để hiểu rõ hơn về tình trạng đồng sở hữu, chúng ta sẽ lấy một ví dụ, với tiền đạo Adriano. Cầu thủ đình đám một thời người Brazil được Inter bán nửa quyền sở hữu cho Parma với giá 4 triệu euro, rồi sau đó, khi muốn mua lại một nửa quyền sở hữu ấy, Inter phải trả 13,5 triệu euro cho Parma.

"Đồng sở hữu" trở thành một trong những lực cản lớn nhất với việc thúc đẩy đào tạo trẻ. Bãi bỏ thứ truyền thống kỳ lạ này sẽ tạo điều kiện để đưa các tài năng trẻ trở lại đội bóng thay vì phải phiêu bạt khắp đất nước. Parma - tại thời điểm phá sản - có đến 104 bản hợp đồng cho mượn.

Việc Juventus và Roma dẫn đầu tại Serie A cũng không phải là điều gì đó quá ngạc nhiên. Hai đội bóng này hưởng lợi từ tầm nhìn xa trông rộng của đội ngũ lãnh đạo. Với Juventus, họ có quyền "ưỡn ngực kiêu hãnh" khi có trong đội hình bốn cầu thủ tự đào tạo mang quốc tịch Italy cùng 10 cầu thủ homegrown. Roma thì thường xuyên có năm cầu thủ nội trong đội hình. Các cầu thủ ăn tập lâu cùng nhau thì hiểu ý hơn, thi đấu tốt hơn là điều không phải bàn cãi.

Những chính sách mới mẻ của FIGC, dù chưa đem lại thành quả, phần nào đã thể hiện được sự đổi mới trong tư duy và cách làm của những người có trách nhiệm với bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng. Con đường tìm lại ánh hào quang xưa là rất chông gai và nó cần một sự đổi mới tổng thể, thay đổi nhiều mặt chứ không chỉ là một vài khía cạnh đơn lẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật