Đá kiểu HLV Miura, 100 năm nữa VN vẫn ‘xách dép’ Nhật

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tối nay tuyển U.23 Việt Nam có trận đá với U.23 Nhật Bản và gần như tâm lý tất cả thầy trò HLV Miura lẫn khán giả đều xác định là thua. Nhưng 1 năm trước, với lứa U.19 Việt Nam đã có rất nhiều người mơ đến chiến thắng trước Nhật Bản.
Đá kiểu HLV Miura, 100 năm nữa VN vẫn ‘xách dép’ Nhật
Thanh Tùng tung cú sút tung lưới U.19 Nhật Bản gỡ hòa 1-1 cho U.19 VN ở VCK U.19 châu Á 2014 (ảnh Zing)

Từ có “cửa” thắng đến không có “cửa” thắng

U.23 Việt Nam nói trắng ra là không có cửa thắng trước U.23 Nhật Bản bởi nhìn vào lối chơi, con người hiện tại trong tay HLV Miura là quá viển vông để mơ một kết quả đẹp. Còn nếu trong bóng đá vẫn có chỗ dành cho sự bất ngờ theo kiểu châu chấu đá xe thì chiến thắng cho U.23 VN sẽ diễn ra theo kịch bản “giơ mặt chịu đấm” và hy vọng sẽ “có xôi mang về”.

Năm ngoái, U.19 VN có 4 lần gặp U.19 Nhật Bản và các trận đấu diễn ra theo kịch bản U.19 VN đều thua cả 4 nhưng càng đá U.19 Nhật Bản càng khó thắng U.19 VN.

Trận đầu tiên là tại giải U.19 Tứ Hùng TPHCM đầu năm 2014 khi U.19 VN bất ngờ bị U.19 Nhật Bản đè bẹp với tỷ số 7-0 sau khi U.19 VN đã có trận đấu tưng bừng với U.19 AS Roma ở ngày khai mạc (thua 1-2).

Trận đấu thứ hai và thứ ba là ở giải U.19 Đông Nam Á mở rộng vào tháng 9 tại sân Mỹ Đình (Hà Nội), tuyển U.19 VN thua U.19 Nhật Bản 2-3 ở vòng bảng và thua 0-1 ở trận chung kết. Đây là 2 trận đấu mà U.19 VN chơi cực hay, khiến U.19 Nhật Bản phải gồng mình lên đá.

Công Phượng đi bóng trước sự truy cản của đội trưởng U.19 Nhật Bản ở trận chung kết U.19 ĐNÁ mở rộng 2014 tại Mỹ Đình

Đã có số ý kiến cho rằng U.19 Nhật Bản khi sang Hà Nội không mang theo đội hình tốt nhất và cũng không thực sự đá 100% sức lực. Tuy nhiên, đến VCK U.19 Đông Nam Á vào tháng 10 tại Myanmar thì một lần nữa U.19 VN lại gặp U.19 Nhật Bản ở vòng bảng.

Ở trận đấu thứ tư, U.19 Nhật Bản thắng 3-1 nhưng họ phải đợi đến tận phút 90+5 mới ghi được bàn thắng quyết định 2-1 do công của Takumi Minamino sau khi Hoàng Thanh Tùng gỡ hòa 1-1 cho U.19 VN ở phút 90. Đây là trận thắng hú vía của U.19 Nhật Bản khi U.19 VN tỏ ra mất tập trung ở những phút cuối cùng.

Trận đấu này khiến bóng đá Nhật Bản, ít ra là ở lĩnh vực bóng đá trẻ, phải có cái nhìn khác về bóng đá Việt Nam chứ không phải là đối thủ mà họ có thể “xoa đầu bẹo má” như trước.

Tất cả đều biết tuyển U.19 VN năm 2014 được dẫn dắt bởi HLV Guillaume Graechen với dàn cầu thủ chủ lực đến từ Học viện HAGL JMG.

Có hạt giống tốt thì để làm gì?

Sau 1 năm, tuyển U.23 VN vẫn còn đó những cầu thủ từng chơi trong màu áo U.19 VN năm ngoái như Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Sơn và U.23 Nhật Bản vẫn có Takumi Minamino, thủ môn Kosuke Nakamura của U.19 Nhật năm 2014 song mọi thứ đã khác hoàn toàn.

U.23 VN bây giờ không phải là đối thủ U.23 Nhật Bản. Mọi thứ đơn giản như là một… chân lý.

Rất nhiều nhà cầm quân, HLV ở Việt Nam đều nói rằng: “Nếu lấy dàn cầu thủ HAGL JMG làm nòng cốt thì tuyển U.23 VN không thể tiến xa ở giải U.23 châu Á hay SEA Games 28 sắp tới”.

Nhưng, không ai có thể chối bỏ được một thực tế rằng, ngoài trừ lứa cầu thủ U.19 VN năm 2014 với nòng cốt là cầu thủ HAGL JMG thì bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có thể được coi là đối thủ ngang cơ với bóng đá Nhật Bản ở mọi cấp độ.

Một số ý kiến cho rằng “bóng đá trẻ khác bóng đá già”. Vậy thử hỏi, trước đây bóng đá trẻ VN cấp U.13, U.15, U.17, U.19 của Việt Nam có đá lại các đội tuyển cùng lứa của Nhật Bản không?

Không hão huyền hay ảo tưởng để suy luận rằng lứa cầu thủ Học viện HAGL JMG của năm 2014 đá hay thì sau này lên chuyên nghiệp cũng sẽ hay như thế. Tuy nhiên, phải thấy rằng những thành quả mà U.19 VN đã đạt được trong năm 2014 với lứa cầu thủ HAGL JMG đã để lại biết bao nhiêu vấn đề về con đường, cách thức làm bóng đá VN để có thể tiến lên, tiếp cận trình độ châu lục.

Dễ hình dung, Học viện HAGL JMG của bầu Đức đã định hình nên một hạt giống tốt để người Việt có cái mà hy vọng, trông chờ vào tương lai.

Trong khi đó cách làm của HLV Miura về bản chất chỉ là thời vụ, là thành tích trước mắt theo hợp đồng ngắn hạn với VFF chứ chẳng có bản sắc hay định hình lối chơi nào khả dĩ phù hợp với tố chất người Việt.

Nếu vẫn duy trì cách chơi như hiện nay và khẳng định rằng HLV Miura đi đúng hướng, xin lỗi phải nói thật, 100 năm nữa bóng đá VN vẫn “xách dép” cho người Nhật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật