Tổ chức học kỳ quân đội cho học sinh phía Bắc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Học kỳ quân đội năm nay hướng đến rèn luyện cho học sinh tinh thần, tác phong, lối sống của người lính và tìm hiểu về kiến thức quốc phòng trong tình hình mới.
Tổ chức học kỳ quân đội cho học sinh phía Bắc
Học viên lớp học kỳ quân đội khóc khi trải nghiệm gia đình và tình yêu thương. Ảnh: Trần Phú.

Thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm nay, Trung tâm thanh thiếu niên trung ương kết hợp với Trung đoàn 228, Sư đoàn 365, Quân chủng phòng không không quân, tổ chức cho 100 học sinh khu vực phía Bắc, độ tuổi từ 12 đến 19 tham gia học kỳ quân đội trong 10 ngày, từ 16/6 đến 25/6 tại Trung đoàn 228 đóng tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Với chủ đề "Tập làm chiến sĩ", các học viên sẽ thực hiện chế độ sinh hoạt của bộ đội: 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, 10 lời thề, 12 điều kỷ luật của quân đội; học các kỹ năng về tháo lắp súng, hành quân dã ngoại; trải nghiệm gia đình và tình yêu thương; tìm hiểu kiến thức về biển đảo trong tình hình mới; tham quan các di tích cách mạng.

Đại tá Nguyễn Văn Xoan, Phó Chính ủy Sư đoàn 365 cho biết, học kỳ quân đội chủ yếu rèn luyện cho các em tinh thần, tác phong, lối sống của người lính. Qua nhiều năm tổ chức, ông biết có một số em sau khi học đã thi vào trường quân đội, như Nguyễn Hồng Quân, tham gia học kỳ quân đội năm 2010 khi mới là học sinh lớp 9 trường THCS thị trấn Kép (Bắc Giang) nay đã trở thành học viên của Học viện Phòng không không quân.

Giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh "Nếu trong quá trình tham gia học viên vi phạm thì có áp dụng hình thức kỷ luật như trong quân đội không?", đại tá Xoan thông tin, đơn vị chỉ tham mưu về hình thức xử lý khi có học viên vi phạm, không áp dụng mức kỷ luật như các chiến sĩ quân đội. Các em còn nhỏ, nhắc nhở là chính chứ không thể dùng hình phạt nặng dễ gây tâm lý sợ hãi về sau.

Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên trung ương, kể về trường hợp học viên đánh nhau vì ăn cắp bao thu‌ốc l‌á trong học kỳ quân đội 2011 tổ chức tại Quảng Ninh. Khi đưa ra hình thức xử lý, Đoàn thanh niên muốn dùng cách thuyết phục học viên nhận khuyết điểm và xin lỗi bạn. Nhưng bên quân đội đưa ra cách xử lý là viết tường trình, sau đó đưa ra phê bình trước lớp học kèm theo giáo dục động viên. "Không thể áp dụng phạt như chiến sĩ thật nhưng vẫn phải đảm bảo đủ cứng rắn để các em không vi phạm nữa", ông Liêm cho biết.

Qua một số năm, ông Liêm thấy nhiều học sinh sau khi tham gia lớp học, về nhà duy trì thói quen như trong quân đội, biết tự gấp chăn màn, giúp đỡ bố mẹ một số việc. Theo ông, phụ huynh thấy điều đó nên mừng và động viên để các em duy trì thói quen tốt, nhanh trưởng thành hơn, không nên xót con phải làm việc nhà mà tạo thói ỷ lại, dựa dẫm cho các em. Học kỳ quân đội cũng không phải là "chiếc đũa thần" nên phụ huynh không thể có tâm lý đẩy con vào đây với hy vọng sẽ thay đổi hoàn toàn mà giáo dục từ gia đình vẫn là chủ yếu.

"Đây cũng là cơ hội tốt để phổ biến cho các em những kiến thức quốc phòng trong tình hình mới, nhất là khi vấn đề biển đảo căng thẳng như hiện nay; đồng thời giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể, điều mà thanh thiếu niên Việt Nam đang rất thiếu", ông Liêm chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật