Tịch thu xe của người say rượu, bia: Độc giả cho rằng không khả thi

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc tịch thu xe khi vi phạm về nồng độ cồn còn làm phát sinh nhiều hệ lụy như hối lộ để cảnh sát giao thông “bỏ qua” vi phạm, khiếu nại, khởi kiện...
Tịch thu xe của người say rượu, bia: Độc giả cho rằng không khả thi
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh minh họa: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy trên đường cao tốc... với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện. Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe máy mà có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện. Việc tịch thu này cũng áp dụng đối với hành vi điều kiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ trên đường cao tốc.

Đề xuất trên đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận xã hội. Trong đó có ý kiến cho rằng, cần phải quản lý tốt tiền phạt người tham gia giao thông vi phạm bằng nhiều hình thức khác nhau.


Độc giả Nguyễn Đức Hà cho rằng, các địa phương nên đầu tư lắp thêm nhiều camera giám sát trên đường để biết được ai rõ được vi phạm. Sau đó, cảnh sát giao thông có thể gửi phiếu "phạt nguội" về địa phương người vi phạm Luật Giao thông. Người vi phạm phải phải đến kho bạc nộp phạt. Tiền thu được từ việc phạt vi phạm giao thông không bị thất thoát và có thể dùng đầu tư mua thêm nhiều camera nữa để lắp đặt tại các tuyến đường. Việc làm này chắc chắn sẽ khiến người điều khiển giao thông không vi phạm nữa. Đây cũng là việc làm thiết thực để phòng chống tham nhũng, tránh trường hợp lái xe “hối lộ” cảnh sát giao thông.

Khi mà văn bản Pháp Luật của nước ta còn lỏng lẻo thì cần có sự đầu tư của Nhà nước như lắp thêm camera giao thông ở các tuyến đường hay cần có thêm kênh thông tin của người dân giám sát việc thực thi giao thông và xử phạt của cảnh sát.

Bạn Đức Tường cho rằng, hiện nay, tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam còn phổ biến nên quy định tịch thu xe ô tô của người tham gia giao thông vi phạm phải chống được tình trạng “lót tay” cho cảnh sát giao thông.

Độc giả Đức Trường hy vọng, cần có chế tài xử phạt người vi phạm khi tham gia giao thông một cách xác đáng, cụ thể tránh lại xảy ra tình trạng tham nhũng. Nếu răn đe thì có thể phạt tù hơn là phạt tiền.

Với một nước còn nghèo như  Việt Nam, thu nhập của người dân còn thấp. Phương tiện ô tô có được của người dân là tài sản phải phấn đấu trong nhiều năm, thậm chí cả đời người mới mua được. Nếu mà đưa ra quy định tịch thu xe thì sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người. Lỗi của lái xe là lỗi cá nhân nên cần xử lý cá nhân, không thể tịch thu tài sản. Trong việc xử phạt lái xe cũng cần phải có biện pháp kiên quyết và có kiểm soát để tránh trường hợp cảnh sát “nhũng nhiễu” lái xe hay lái xe “hối lộ” cảnh sát.

Cần có thêm giải pháp xử lý khác

Để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thì Nhà nước có nhiều giải pháp, không phải chỉ có biện pháp tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm.

Độc giả Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm: Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm thì để giảm thiểu tai nạn giao thông, Nhà nước còn có thể sử dụng các biện pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông...

Từ câu chuyện tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc cho đến quy định tịch thu xe đối với người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn cho thấy có vẻ như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đang chăm chăm vào biện pháp tăng nặng chế tài xử lý vi phạm.

Độc giả Nguyễn Văn Hậu cho rằng luận điểm này là sai lầm, bởi chúng ta đang sống trong một xã hội dân sự, văn minh, nhà nước của chúng ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quy định Pháp Luật phải phù hợp với ý chí của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay. Việc quy định tịch thu xe tràn lan sẽ tác động tiêu cực rất lớn tới đời sống của người dân. Bên cạnh đó, luận điểm tăng nặng chế tài xử phạt để đảm bảo an toàn giao thông cũng thiếu căn cứ khoa học bởi chưa có cơ sở để chứng minh rằng khi tăng nặng chế tài thì người dân sẽ tuân thủ luật giao thông đường bộ, không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Thiết nghĩ quy định xử phạt vi phạm về giao thông đường bộ có ảnh hưởng đến đại bộ phận nhân dân, nếu quy định không phù hợp thì không những tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân bởi xe máy là phương tiện đi lại, làm ăn hằng ngày của người dân. Cùng với đó, việc quy định tịch thu xe khi vi phạm về nồng độ cồn còn làm phát sinh nhiều hệ lụy xã hội như khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc tịch thu xe.

Chính vì vậy, độc giả Nguyễn Văn Hậu cho rằng không nên quy định tịch thu xe trong trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng như vi phạm điều khiển xe máy vào đường cao tốc. Dự thảo về xử phạt vi phạm giao thông cần được đưa ra lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với ý chí của nhân dân.

Hiện nay, khi các văn bản Pháp Luật rất nhiều nhưng còn nhiều kẽ hơn và sự đầu tư của Nhà nước, địa phương cho việc lắp camera giám sát giao thông ở các tuyến đường chưa được như mong muốn thì nên dùng biện pháp xử lý người vi phạm khi tham gia giao thông là khả thi hơn. Đó là ý kiến của bạn Trọng Đức như: Lần đầu lái xe vi phạm nhưng chưa gây ra tai nạn thì có thể tước bằng lái 1 năm. Tái phạm lần 2 tước bằng lái 3 năm. Tái phạm lần 3 tước bằng lái vĩnh viễn. Tái phạm lần 4 (lái xe không bằng do bị tước bằng vĩnh viễn) phạt tù ở 1 năm, tái phạm tiếp phạt tù tăng lên..


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật