Nhiều quý ông vẫn cho rằng việc nhà là nghĩa vụ của vợ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Sẽ rất vô duyên nếu một trận bóng đá chuyên nghiệp mà cả nam lẫn nữ phải chơi chung. Sẽ là cực kì vô lý nếu bắt đàn ông phải mang nặng đẻ đau, ít nhất là cho tới lúc này’.
Nhiều quý ông vẫn cho rằng việc nhà là nghĩa vụ của vợ
Ngày nay, mọi thứ khá hơn một chút, nhưng vẫn rất nhiều đàn ông cho rằng làm việc nhà là nghĩa vụ của vợ.

Ngày 8/3 là ngày quốc tế phụ nữ. Nghe nói là ngày này xuất hiện từ phong trào nữ quyền ở phương Tây. Thế nhưng tôi sống hết ở Úc lại tới Mỹ mà chẳng thấy ai kỷ niệm ngày này. Tôi hỏi bạn bè thì phần đông đều nhún vai không biết. Vài người thì đoán mò nguyên nhân và cái nguyên nhân mà tôi nhớ mãi là "chắc phụ nữ Mỹ bình đẳng với nam giới nên chẳng cần ngày phụ nữ".

Thực tế thì chỉ những người bị thiệt thòi hay phải hi sinh nhiều thì mới có ngày kỉ niệm cho họ. Người ta nhớ công ơn cha mẹ chứ chẳng ai nhớ công ơn con trẻ. Giáo viên và thầy thuốc thì được ghi nhận công sức hi sinh nguy hiểm. Còn phụ nữ thì sao?

Phụ nữ là một nửa của thế giới, nếu không nói là khoảng 51% dân số con người. Nam giới và nữ giới khác nhau về nhiều mặt, mà chủ yếu là do tự nhiên sinh ra. Vì vậy, đòi hỏi nam nữ phải hoàn toàn như nhau là không khả thi. Sẽ rất vô duyên nếu một trận bóng đá chuyên nghiệp mà cả nam lẫn nữ phải chơi chung. Sẽ là cực kì vô lý nếu bắt đàn ông phải mang nặng đẻ đau, ít nhất là cho tới lúc này.

Nhưng các nguyên nhân này không phải là lí do vì sao phụ nữ không nên được bình quyền. Quyền ở đây là khả năng được nhận quyền lợi như nam giới và được chịu trách nhiệm như nam giới trong các lãnh vực đời sống. Vì thế nên phụ nữ phải được đi làm, và nam giới phải phụ giúp việc nhà.

Cái đáng nói là quan điểm của xã hội. Vấn đề bình quyền ở Việt Nam thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi Pháp Luật, nhưng lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các quan niệm xã hội. Ngày xưa tôi vẫn phải nghe những câu như: "Con gái học cao quá coi chừng khó lấy chồng". Ngày nay, mọi thứ khá hơn một chút, nhưng vẫn rất nhiều đàn ông cho rằng làm việc nhà là nghĩa vụ của vợ.

Ngày xưa đàn ông ra đồng cày cuốc suốt ngày thì phụ nữ ở trong nhà phải nấu cơm dọn dẹp, cũng là vấn đề phân công lao động. Còn khi cả hai đều phải cày tám tiếng ở nơi làm việc, thì khi về nhà cái lí do duy nhất khiến đàn ông ngồi đọc báo và phụ nữ rửa bát lau nhà là vì... xưa nay nó vẫn thế. Cũng may là không phải ai cũng vậy, nhưng trên báo chí vẫn lắm người mạnh miệng "đàn ông thì không lo việc rửa bát quét nhà". Đáng nói hơn, các bà vợ kia đâu có được giao gánh nặng cơm áo hết cho chồng gánh.

Hồi những năm chín mươi, ba tôi có kể cho tôi nghe một câu chuyện cười ra nước mắt. Hôm đấy ba tôi ghé sang nhà một bác đồng nghiệp và cũng là bạn thân để bàn công việc. Khi tới nơi thì bác ấy đang nấu cơm trong bếp. Chỗ thân quen nên ba tôi vào bếp, vừa nhặt rau giúp vừa nói chuyện. Câu chuyên đang dở thì có tiếng kêu cửa. Ba tôi và bác kia chạy ra cổng đón khách, thì ra là ông anh họ của bác chủ nhà ở quê lên. Trông hai đấng nam nhi mà ai cũng tay chân dính lọ nghẹ nên ông anh kia hỏi. Khi biết rằng bác chủ nhà đang nấu cơm thì ông anh họ quát ầm lên.

Bác chủ nhà ngượng ngùng phân trần rằng vợ em nó đi công tác vắng nhà, em phải cố nấu không thì lấy gì mà ăn. Ông anh họ vẫn lắc đầu, lại quay ra chê ba tôi là sao không can ngăn mà lại còn a dua theo bạn. Tội nghiệp hai thầy giáo ngơ ngác nhìn nhau. Từ đấy ba tôi hay đùa là mình thuộc hội sợ vợ.

Tôi có nghe nói là trong cuộc sống hôn nhân, những cái bé thường gây ra đổ vỡ nhiều hơn những cái lớn. Việc nhà có thể là nhỏ bé, nhưng nó không nhỏ chút nào nếu ngày nào cũng có, và người đàn ông ai ai cũng phải ăn cơm, ai ai cũng phải mặc quần áo.

Rồi đến ngày tám tháng ba, các ông chồng ga lăng lại vào bếp nấu cơm đãi vợ. Chỉ được một ngày thôi nhé, hôm sau lại đến các anh ngồi để vợ nấu cơm. Hi vọng là ngày mốt các anh lại xuống bếp giúp vợ. Được như thế thì nhiều gia đình chắc là hạnh phúc lắm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật