Phi công Nhật căng thẳng vì rượt đuổi máy bay Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hãng tin Bloomberg ghi nhận: phi công Nhật Bản mệt vì hàng ngày rượt đuổi máy bay quân sự TQ xâm nhập vùng trời Nhật.
Phi công Nhật căng thẳng vì rượt đuổi máy bay Trung Quốc
Thợ máy Mỹ giúp phi công chiến đấu Nhật bay tập

Hiện Trung Quốc đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư vốn do Nhật kiểm soát trên biển Hoa Đông và gọi là quần đảo Senkaku.

TQ khẳng định họ điều hành Điếu Ngư suốt 600 năm, trước khi bị mất trong một trận chiến với Nhật năm 1895.

Nên ở căn cứ không quân Naha (gần Senkaku nhất) thuộc Okinawa, có một phi đội chiến đấu cơ hàng ngày chờ lệnh xuất kích để rượt đuổi máy bay quân sự TQ.

Từ ham du lịch chuyển qua cảm xúc bảo vệ tổ quốc lâm nguy

Tại căn cứ Naha, các phi công chiến đấu Nhật hàng ngày mặc đồ bay chờ lệnh cất cánh bay chặn.

Họ nhấm trà, xem TV, đọc báo nhưng bầu không khí rất căng thẳng, theo đại úy Jun Fukuda, 35 tuổi, mê đua-mô-tô và sắp làm cha.

Fukuda lái chiến đấu cơ F-15 và có biệt danh “Thần chiến tranh” (Mars, của thần thoại La Mã) kể:

Để tiết kiệm thời gian, phi công mặc sẵn đồ bay chống sốc (nhằm bảo vệ họ khi tăng tốc độ nguy hiểm) và để áo bảo hiểm, mũ phi công sẵn trong máy bay của họ:

“Chúng tôi không được phạm sai lầm, khi ở rất gần chiến tuyến. Vì thế sức ép rất cao”.

Đại úy Fukuda nói ban đầu, ông gia nhập quân đội vì muốn trở thành phi công và đi du lịch, chứ không phải vì khát vọng bảo vệ tổ quốc.

Nay vợ ông sắp sinh con, cảm xúc của ông cũng thay đổi:

“Tôi đi lính để bảo vệ đất nước, và ở cấp độ nhỏ hơn, là bảo vệ gia đình tôi. Khi lâm nguy, bạn sẽ cảm thấy cần bảo vệ những người thân yêu của mình”.

phi công Nhật chờ bay tập phải xếp hàng, chờ máy bay dân sự cất cánh

Không chỉ việc thiếu nhân sự khiến phi đội 83 ở Naha bị căng thẳng: căn cứ này còn phải sử dụng chung đường băng duy nhất với một sân bay dân sự lân cận.

Việc bay chặn máy bay quân sự TQ là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng các phi công Nhật chờ bay tập cũng phải chờ cho các chuyến bay dân sự cất cánh đến Thượng Hải và Bắc Kinh (TQ) và Đài Loan, Nhật.

Máy bay tuần tra biển Nhật chuẩn bị cất cánh

Không quân Nhật có khoảng 50.000 người, trong khi TQ hiện phát triển nhanh không quân, với tổng cộng 398.000 quân, theo Sách Trắng quốc phòng 2013 của họ.

TQ hồi tháng 11.2014 đã bắt đầu sử dụng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới nhất. TQ nói chiến đấu cơ J-11 sản xuất nội địa có khả năng tương đương F-15 (Mỹ sử dụng trước tiên hồi năm 1974).

Gần đây, TQ đã phát triển chiến đấu cơ tàng hình J-20 và J-31, trong khi Nhật mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, dù ban đầu sẽ không triển khai F-35 đến Okinawa.

TQ cũng nâng cấp phương tiện và huấn luyện để bắt kịp láng giềng Nhật. Dù vậy, phi công TQ không dày dạn kinh nghiệm và không được huấn luyện nhiều như phi công Nhật.

Vì thế, rất dễ xảy ra nguy cơ máy bay hai nước bay sát nhau nguy hiểm, thậm chí đâm va vào nhau.

Những cuộc rượt đuổi này cũng là những trở ngại để tạo quan hệ ấm nồng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Vụ tranh chấp Senkaku đã khiến Nhật giảm 39 % mức đầu tư vào TQ, dù TQ là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật năm 2013.

Máy bay quân sự TQ thăm dò phản ứng của không quân Nhật

Thiếu tướng Yasuhiko Suzuki nói sự hung hăng của TQ đã khiến Naha trở thành căn cứ quan trọng nhất của Nhật.

Ông khẳng định các đợt bay chặn máy bay TQ đã lên tới mức kỷ lục 400 lần/năm và “đó là một gánh nặng rất nặng của chúng tôi”.

Hiện Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tăng cường khả năng phòng thủ cho Nhật, ở là các đảo ở phía tây nam.

Tại Naha, các tòa nhà bị phá hủy, để dọn chỗ cho một phi đội thứ hai chuyển đến Okinawa từ tháng 3.2016, và sẽ tăng số chiến đấu cơ lên 40 chiếc.

Quân đội Nhật không cho biết có bao nhiêu phi công trong phi đội 83.

Nhật cũng chuẩn bị lập một cơ sở giám sát quân sự mới ở đảo Yonaguni, gần Senkaku.

Kinh phí quốc phòng năm 2015 có hiệu lực từ tháng 4 tới, gồm tiền mua tàu đổ bộ và lập một đơn vị thủy quân lục chiến ở đảo Kyushu.

Nếu như xảy ra chiến tranh Nhật-Trung, các máy bay cũng sẵn sàng chở quân đến các vùng xa như Hokkaido.

Nhật lệnh cho chiến đấu cơ bay chặn các máy bay quân sự nước ngoài tiếp cận không phận của họ, tổng cộng 744 lần trong 9 tháng từ tháng 3 đến tháng 12.2014, tăng hơn 30 % so với cùng kỳ năm 2013.

Năm ngoái, số lần xuất phát bay chặn máy bay Nga tăng rồi giảm xuống, nhưng số lần Nhật bay chặn máy bay TQ vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu từ căn cứ Naha.

Có lẽ TQ đang tìm cách thu thập thông tin từ những chuyến bay này, theo nhà nghiên cứu Bonji Ohara ở viện Tokyo Foundation. Ông từng là phi công hải quân và từng là tùy viên quân sự ở sứ quán Nhật tại TQ.

Ohara nói: “Họ có thể đánh giá thời gian phát hiện trễ mức nào trước khi máy bay của chúng tôi bay lên chặn, và thu thập thông tin về cách phản ứng của Nhật”.

Năm 2013, TQ ngang nhiên lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng quần đảo tranh chấp, khiến Nhật và Mỹ đều kịch lịệt chỉ trích.

Năm 2014, Nhật phản đối diện hai lần chiến đấu cơ TQ “bay sát bất bình thường” với máy bay quân sự của Nhật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật