Phó ban Nội chính: ‘Có việc sợ đụng chạm khi giám định tư pháp’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước việc nhiều tổ chức, cá nhân có tâm lý e ngại, né tránh khi được yêu cầu tham gia giám định tư pháp, lãnh đạo Ban Nội chính đề nghị cần có chế tài xử lý.
Phó ban Nội chính: ‘Có việc sợ đụng chạm khi giám định tư pháp’
Ảnh minh họa

Sáng 6/3 tại phiên họp lần thứ 4 Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp", một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại về hiện tượng một số tổ chức, cá nhân có tâm lý e ngại, sợ đụng chạm nên từ chối, né tránh khi được yêu cầu tham gia giám định tư pháp.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh cho hay, trong năm 2014, đơn vị đã tiếp nhận và thành lập 7 đoàn giám định theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tại một số ngân hàng và một số địa phương. Tuy nhiên, việc chọn người để tham gia giám định tư pháp theo vụ việc là tương đối khó khăn vì một vụ án liên quan nhiều nội dung nên cán bộ thực hiện giám định không thể bao quát hết tất cả các nghiệp vụ.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, tâm lý chung của cán bộ, công chức khi tham gia việc giám định là e ngại. “Ngoài việc kết luận giám định liên quan đến sinh mệnh chính trị, đôi khi họ cũng bị đe dọa dưới nhiều hình thức”, Phó Thống đốc Ngân hàng thông tin.

Nhìn nhận có tâm lý né tránh, e ngại khi tham gia công tác giám định tư pháp, Phó ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết trong giám định phục vụ các vụ án tham nhũng có giám định viên né tránh vì ngại đưa ra quyết định "động chạm".

Phó ban Nội chính cho hay lý do từ chối thường là "không đủ người", "thiếu chuyên môn" và "thời gian thực hiện". Nếu tham gia thì chậm thực hiện, ra kết luận giám định thiếu rõ ràng. “Thực tế cho thấy, giám định vụ việc phục vụ cho các cơ quan phòng chống tham nhũng tội phạm kinh tế đang rất vướng”, lãnh đạo Ban Nội chính nói.

Đồng tình với quan điểm cần có chế tài khi các tổ chức, cá nhân từ chối giám định, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đánh giá công tác giám định có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng với nhiều hạn chế về chính sách đãi ngộ như hiện nay thì "chẳng ai muốn làm". Chủ tịch Liên đoàn Luật sư đề nghị có đãi ngộ thỏa đáng, có chính sách tốt để thu hút chuyên gia trong giám định tư pháp.

Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cán bộ làm công tác giám định phải có cả tài, đức, do đó cần bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ này. Ngoài ra, các bộ, ngành cần quan tâm cơ sở vật chất, nhân lực, chính sách chế độ cho người làm công tác giám định tư pháp. Phó thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hệ thống giám định tư pháp công lập nhưng cũng khuyến khích xã hội hóa giám định tư pháp một số lĩnh vực theo quy định Pháp Luật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật