Nhà sưu tập huy hiệu “khủng“ nhất VN

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà sưu tập Trần Vương Việt không chỉ nổi tiếng trong giới chơi tem, tiền, mà anh còn là chủ nhân bộ sưu tập huân chương, huy chương, huy hiệu Việt Nam và nước ngoài với hơn 6000 chiếc khác nhau.
Nhà sưu tập huy hiệu “khủng“ nhất VN
Anh Trần Vương Việt bên bộ sưu tập huy hiệu của Liên Xô cũ

Bộ sưu tập “có một không hai” ở Việt Nam

Hồ hởi mang hai chiếc hộp đề tên người gửi từ nước ngoài về, anh cho biết: “Đây, hai chiếc Huy chương Hữu nghị thời Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được chuyển về, một chiếc từ Ucraina và một chiếc từ Latvia. Mỗi chiếc có giá khoảng 60$, mà Huy chương hữu nghị là khó tìm lắm, vì nó là phần thưởng Nhà nước ta chỉ dành tặng cho người nước ngoài, mình phải nhờ bạn bè can thiệp thì mới có được đấy!”.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số hơn 6.000 loại huân chương, huy chương, huy hiệu của Việt Nam và nước ngoài mà anh đã sưu tập được suốt hơn 20 năm qua. Tại ngôi nhà trên phố Triêu Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), anh giới thiệu với chúng tôi hơn 200 loại huân huy chương Việt Nam, mà theo anh thì đối với hệ thống huân huy chương dòng cách mạng, bộ sưu tập của anh chỉ thiếu khoảng 10 loại huân chương, huy chương Việt Nam trong đó có những loại đã từng được sản xuất nhưng vì lý do gì đó nên không xuất hiện.

Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Những chiếc Huân chương quân công

Trong bộ sưu tập của anh, có cả những loại huân, huy chương cao quý được mạ vàng như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huy chương Anh hùng lực lượng vũ trang, Huy chương Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng, Huy chương Anh hùng lao động,… Có cả là những loại Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới, Huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng,… có kèm theo bản gốc giấy chứng nhận được trao tặng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Một trong những bộ huân chương có nhiều kỷ niệm đối với anh Việt là bộ Huân chương Quân công giải phóng. Theo anh Việt thì nó là những chiếc huân chương rất khó kiếm, năm 2004 sau một thời gian tìm tòi anh mới có chiếc hạng nhất và hạng ba, còn chiếc hạng nhì thì phải đến hơn 3 năm sau, qua một người quen ở Thành phố Hồ Chí Minh anh mới có được.

Anh cũng rất tâm đắc với chiếc Kỷ niệm chương Tình báo quân đội, trên chiếc kỷ niệm chương này còn đề khẩu hiệu: Trung dũng kiên cường – Độc lập sáng tạo - Bí mật khôn khéo – Đoàn kết quyết thắng.

Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Kỷ niệm chương Bình Trị Thiên Belôruxia và Kỷ niệm chương Tình báo giải phóng

Bên cạnh đó là chiếc Kỷ niệm chương Bình Trị Thiên Belôruxia – Người tốt việc tốt. Chiếc kỷ niệm chương được làm bằng nhôm, đã bạc màu ghi nhớ sự kết nghĩa giữa nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên của Việt Nam với nhân dân nước cộng hòa Bêlôrutxia (thuộc Liên Xô); góp phần thể hiện một thời kỳ mà nhân dân Liên Xô nói riêng và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình nói chung trên thế giới hướng về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong số bộ sưu tập huân huy chương của Liên Xô, có khá nhiều chiếc được tặng thưởng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, đi kèm huân chương là giấy chứng nhận. Anh Việt đã sưu tập được những chiếc huân chương, huy chương đặc biệt được làm bằng chất liệu bạc như Huân chương Sao đỏ, Huân chương Danh dự, Huân chương Cờ đỏ; cả những chiếc huy chương dành cho các bà mẹ Xô viết anh hùng, đó là những người mẹ đã sinh được trên 5 người con, đóng góp nguồn nhân lực cho công cuộc bảo vệ, chiến đấu và xây dựng Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Riêng “mảng” huy hiệu Liên Xô gồm hơn 6000 chiếc khác nhau, anh phân loại theo từng chủ đề như Danh nhân, Thể thao, Giao thông vận tải, hoặc theo hình dạng như hình tròn, chữ nhật, tứ giác…. Anh gài cẩn thận số huy hiệu này lên từng trang bìa, mỗi trang có 30 chiếc và được xếp cẩn thận theo từng chủ đề. Huy hiệu thì nhỏ, nay tập hợp thành bộ sưu tập lớn với những giá trị sưu tập khác nhau góp phần tạo niềm đam mê khám phá vô tận của anh Việt.

 Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Huân chương Lao động cờ đỏ, Huân chương Lao động và những chiếc huy chương giải phóng các thành phố lớn của Liên Xô

“Quý vật tầm quý nhân”

Ở tuổi 36, còn khá trẻ so với những chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu trong bộ sưu tập, nhưng kiến thức về sưu tập thì Trần Vương Việt cũng thuộc hàng đáng nể. Từ khi 12 tuổi, anh đã bắt đầu tìm kiếm những chiếc huân huy chương, huy hiệu… đến nay anh đã có hơn 20 năm “lăn lộn theo nghề”. Theo kinh nghiệm của anh, muốn sưu tập mang tính chuyên nghiệp, bộ sưu tập muốn có giá trị vật chất và tinh thần cao cần quan tâm đầu tư vào những sách, danh mục chuyên ngành. Khi đã có kiến thức từ những cuốn sách mang lại, bộ sưu tập mới được chủ nhân đánh giá đúng giá trị, biết được điểm mạnh điểm yếu của mình mà khắc phục. Chính vì thế nên anh sở hữu luôn nhiều loại danh mục in màu huân huy chương của Mỹ, Liên Xô và Việt Nam. Qua đó, anh có thể sắp xếp bộ sưu tập của mình một cách khoa học nhất, anh có thể biết được mình còn thiếu những loại nào.

Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Huy chương dành cho các bà mẹ Xô viết anh Hùng, bên dưới là trang sách cung cấp thông tin về chiếc huy chương này.

Trên thị trường Việt Nam, huân huy chương, huy hiệu rất kén người chơi vì đó là thú chơi tao nhã nhưng tốn kém, cần đầu tư lớn về kinh phí và thời gian, mối quan hệ. Hiện nay, giá trị vật chất của loại hàng hóa này cũng đa dạng, có khi chỉ vài ngàn đồng, lên tới tiền trăm, tiền triệu đồng một chiếc huân chương, huy chương,… thế nhưng, không phải cứ có tiền là mua ngay được.

Anh cho rằng: “Sưu tập một chiếc huân huy chương, huy hiệu cũng khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức. Chủ nhân của những món đồ sưu tập đòi hỏi phải có cái duyên nhiều hơn chứ không phải mang tiền bạc ra mà đánh đổi. Không thể tránh khỏi việc để những món hàng giá trị, quý hiếm tìm đường đi đến ở với những chủ nhân mới, để lại nỗi buồn dài lâu cho nhà sưu tập “duyên chưa tới”. Một số loại huân huy chương, huy hiệu Việt Nam tôi còn thiếu, nếu có ai đó bán với giá cao thì tôi cũng cố mua cho được nhưng nhiều năm nay mòn mỏi tìm kiếm mà vẫn chưa thấy hi vọng gì”.

Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Anh Việt với hai chiếc Huân chương hữu nghị mới mua từ nước ngoài về

Trước đây anh Việt chỉ chú trọng đến tìm kiếm hiện vật mà bỏ qua việc sưu tập bản gốc Bằng chứng nhận, Giấy chứng nhận huân huy chương, huy hiệu. Vài năm gần đây do thay đổi nhận thức về giá trị cần đạt tới trong sưu tập, đến nay anh Việt đã thu thập được hơn 50 chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu “có lý lịch” trong bộ sưu tập của mình. Đặc biệt, anh đã sưu tập được khá nhiều Bằng cấp huân chương, huy chương có chữ ký và con dấu của các nhân vật nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh…

Nhà sưu tập huy hiệu "khủng" nhất VN

 Chiếc Huy chương lao động có từ năm 1944 và kèm theo đó là sổ và ảnh chứng nhân của người được trao tặng

“Khi nhìn vào một chiếc huân chương, huy chương hoặc huy hiệu có kèm theo bản gốc Bằng chứng nhận hoặc Giấy chứng nhận chúng ta sẽ thấy giá trị tinh thần của món đồ có lý lịch đã được tăng lên rất nhiều so với món đồ cùng loại mà thiếu đi các thông tin cơ bản kèm theo; tất nhiên, sưu tập khó khăn hơn thì giá trị vật chất và tinh thần của chúng càng lớn. Tôi hiện còn thiếu Bằng cấp huân chương có chữ ký của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết và chắc chỉ một vài năm nữa là hoàn thành số còn thiếu này” – anh cho biết.

Nhà sưu tập Trần Vương Việt thổ lộ: “Bây giờ mà bổ sung được một chiếc huân chương, huy chương hay huy hiệu vào bộ sưu tập thì vui lắm. Niềm vui đó có khi kéo dài được cả tuần”. Có lẽ, chỉ những ai gặp nhà sưu tập này, xem anh chăm chút từng món đồ của mình mới hiểu được cái đam mê kỳ lạ của anh.

* Kỷ 2: Người mê sưu tập mô hình lính

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật