Cắt, cứa và loé sáng của nghệ sĩ trẻ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thiếu sự cắt, cứa và lóe sáng của nghệ sĩ trẻ…; chất lượng, phong cách vẫn chưa có sự tiến triển nào là tình trạng chung của những triển lãm mỹ thuật ở Bắc Miền Trung thời gian qua, sau 19 lần tổ chức..
Cắt, cứa và loé sáng của nghệ sĩ trẻ
Ảnh minh họa

Tẻ nhạt, sáo mòn

Khu vực Bắc Miền Trung có 96 họa sĩ và nhà điêu khắc, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (MTVN). Riêng Thừa Thiên - Huế đã có 47 hội viên Hội MTVN, nhiều nhất khu vực và đứng thứ ba toàn quốc sau Hà Nội và TP.HCM (nếu tính thêm lực lượng họa sĩ hội viên hội mỹ thuật địa phương và tự do tại tỉnh này thì con số có thể lên vài trăm họa sĩ). Kế đến là Thanh Hóa có 18 hội viên Hội MTVN, Nghệ An 12, Quảng Trị 7, Quảng Bình 5 và Hà Tĩnh 5. Số lượng hội viên địa phương chưa vào Hội MTVN của 5 tỉnh còn lại chỉ khoảng 186 họa sĩ, nhà điêu khắc. Theo tổng hợp tác giả tác phẩm được tặng giải thưởng Hội MTVN và giải thưởng triển lãm khu vực IV- Bắc Miền Trung từ năm 1993 đến 2011, đã có 115 giải thưởng được trao. Và nếu tính đến thời điểm hiện nay, có thể con số lên đến 140 giải thưởng.

Những con số trên phản ánh đội ngũ, năng lực sáng tạo và tính chuyên môn của các nghệ sĩ tạo hình khu vực Bắc Miền Trung. Song, nếu như buổi ban đầu do thông tin khó khăn, nên triển lãm khu vực là ngày hội gặp gỡ của nghệ sĩ và bữa tiệc văn hóa. Nhưng rồi dần dà mọi thứ thay đổi, đặc biệt là việc bùng nổ thông tin qua mạng Internet, thông tin văn hóa nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng cập nhật từng ngày từng giờ thậm chí từng phút. Nên trong khi sự quen nhàm của định dạng, trưng bày triển lãm, tiêu chí chấm giải đã làm cho triển lãm khu vực dần dà thiếu đi tính hấp dẫn buổi ban đầu và không khí trao đổi, truyền cảm hứng sáng tạo trở nên tẻ nhạt, sáo mòn.

Khi sự kiện triển lãm và niềm vui gặp gỡ qua đi, vấn đề đọng lại vẫn còn gây nhiều ưu tư, trăn trở cho giới tạo hình và công chúng yêu nghệ thuật. Bên cạnh các thành tựu, còn một số tồn tại, thực trạng đã được các nghệ sĩ chỉ ra ngay từ hội thảo do Hội MTVN tổ chức chuyên đề về mỹ thuật Bắc Miền Trung tại Huế từ 17 – 18. 3. 2012 và các ý kiến của họa sĩ trong khu vực nêu ra qua các cuộc trao đổi với ban tổ chức tại các triển lãm mỗi năm mà dư âm vẫn kéo dài đến hôm nay.

Tựu trung, các tỉnh chưa có một trung tâm hội thảo-triển lãm đa chức năng quy mô và đúng quy cách, do vậy, các Hội Liên hiệp phải thuê mướn các trung tâm, nhà văn hóa thiếu nhi hoặc bảo tàng tỉnh để trưng bày mỗi khi đến phiên triển lãm. Các địa điểm này vốn công năng không dành cho triển lãm và không gian chật hẹp, nên trưng bày thường mang tính vá víu, lắp ghép tạm thời. Trước mắt nên tách các tác phẩm mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng ra hai khu (mảng) riêng, không nên treo lẫn lộn. Về lâu dài, nên thành lập Hội Mỹ thuật ứng dụng độc lập với Hội Mỹ thuật, bởi lẽ hiện nay số lượng nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng trong cả nước đã phát triển rất mạnh, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành ứng dụng hàng năm đã lên đến hàng ngàn. Và quan trọng hơn, ngành mỹ thuật ứng dụng rất đa dạng, có vai trò ngày càng quan trọng, cấp thiết; phong cách cập nhật liên tục theo các xu hướng quốc tế. Tiền đề, chúng ta đã có triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2005, 2009 và 2014 tại Hà Nội. Trong văn bản và trên thực tế Hội MTVN còn chưa phân định rạch ròi giữa ngôn ngữ đồ họa tạo hình (printmaking) với thiết kế đồ họa (graphic design). Ví dụ như poster - cổ động, thiết kế sách, tem... lại nhầm lẫn, xếp loại, đánh giá với đồ họa tạo hình…

Ai nối Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng

Trở lại với chất lượng, phong cách lâu nay vẫn chưa có sự tiến triển nào đặc biệt sau 19 lần triển lãm cũng như vẫn thiếu vắng sự cắt, cứa và lóe sáng của nghệ sĩ trẻ. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân có thể vì tiêu chí chọn lựa của ban tổ chức hoặc sân chơi khu vực chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn và không có chỗ cho ngôn ngữ đương đại tiếp cận công chúng như Video Art, trình diễn. Một số tên tuổi nghệ sĩ như Trịnh Hoàng Tân, Nguyễn Thiện Đức, Hồ Thiết Trinh, Trần Minh Châu... gần như thay nhau nhận giải thưởng. Nhưng chỉ số ảnh hưởng, lan tỏa của các tác phẩm được giải chưa cao, tác phẩm giải thưởng năm sau không nhiều khác biệt, thậm chí là thụt lùi so với những lần triển lãm trước.

Băn khoăn hơn, phần lớn tác giả thường xuyên đạt giải thưởng khu vực, đôi khi lại thiếu sự tỏa sáng khi tham gia không gian nghệ thuật khác. Thường họ đạt giải vì tranh khổ lớn, đề tài thời sự, chứ không phải là vì phong cách nghệ thuật. Nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa khu vực; hoàn cảnh đương đại như thảm họa môi trường, xã hội, triệt phá rừng, đô thị hóa, giới và bình đẵng giới, nông nghiệp-nông thôn-nông dân,.. chưa được “tỏa nhiệt” đáng kể hoặc đẩy tới “cực hạn” trong các tác phẩm.

Đề tài biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều, vì tính thời sự, nhưng lại thiếu vắng tác giả chuyên tâm, gắn bó với đề tài này bền bỉ trong nhiều năm và quan trọng hơn là chưa ai đẩy thành phong cách nghệ thuật đặc trưng. Đáng nói, đa số nghệ sĩ đều là công chức nhà nước, hưởng lương, nên việc vẽ tranh cũng chỉ thi thoảng, tham gia triển lãm cũng chỉ một hai lần trong năm, nên hiếm hoi, vài người trong số đó có thể gọi là họa sĩ chuyên nghiệp sống được bằng tác phẩm và có tác phẩm trong các bộ sưu tập hay tham gia hoạt động mỹ thuật trong các công trình văn hóa địa phương.

Chúng tôi cho rằng, nếu duy trì như hiện nay thì triển lãm Bắc Miền Trung dù trưng bày ở địa phương nào cũng sẽ trở nên quen nhàm và thiếu hấp dẫn với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, vì họ có nhiều sân chơi nghệ thuật khác để tham gia, so sánh. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi thường tham gia triển lãm trong nước, quốc tế như Lê Thừa Tiến, Le Brothers (Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trần Tuấn... lại vắng tác phẩm trong các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực. Tuy nhiên, đối với đa phần họa sĩ các địa phương thì đây là sân chơi và cơ hội duy nhất để triển lãm, giới thiệu bản thân mình. Bởi thế, cần có cuộc cải cách mạnh mẽ và đột phá từ cơ sở hạ tầng, từ chính quyền địa phương đến khâu tổ chức, tiêu chí triển lãm và chấm giả của Hội MTVN.

Với vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với cố đô, thành cổ, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Đời sống kinh tế, xã hội đương đại năng động, đa dạng với nhiều mảng sáng tối, phức tạp chính là mảnh đất tốt để các nghệ sĩ tạo hình Bắc Miền Trung phản ảnh, sáng tạo. Sẽ có một thế hệ tiếp nối Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng... trên dải dọc Bắc Miền Trung nếu chúng ta đánh thức đúng tiềm lực và khát vọng sáng tạo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật