Tạ Thu Phong - người lưu giữ hàng trăm đầu báo cổ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với Tạ Thu Phong, mỗi tờ báo đều có thân phận, là lịch sử, thông tin, mỹ thuật và vô vàn kiến thức mà anh nâng niu.
Tạ Thu Phong - người lưu giữ hàng trăm đầu báo cổ
Luật sư Tạ Thu Phong trong căn phòng đầy sách, báo cổ.

Người sưu tầm và chơi sách cổ thì nhiều, nhưng người sưu tầm báo chí như Tạ Thu Phong thì có thể đếm được trên đầu ngón tay ở Việt Nam. Nhiều người vẫn cho rằng báo in khi đọc xong có thể làm giấy gói hoặc bán đồng nát, chứ không ai đọc lại báo cũ. Trong tâm thức người Việt, báo để giải trí hàng ngày chứ không phải là tri thức đáng trân trọng để lưu giữ lâu dài. Hơn nữa, việc bảo quản báo cũng khó khăn hơn nhiều so với sách. Thế nhưng Tạ Thu Phong - một luật sư, kiêm quản lý hành chính - lại có sở thích đặc biệt là sưu tầm và lưu giữ những trang báo cổ.

Khoảng hơn chục năm trước, Tạ Thu Phong khi ấy đang là sinh viên. Anh đi tìm khắp nơi một cuốn báo Thiếu niên mà hồi nhỏ được bố mua cho đọc. Phải mất bốn năm anh mới tìm được tờ báo gắn bó với tuổi thơ. Trong quá trình đi tìm tờ Thiếu niên, Tạ Thu Phong đã tìm được nhiều tờ báo cũ. Anh bắt đầu sưu tầm báo từ đấy.

Khi hỏi lý do gì khiến anh sưu tầm những trang báo cũ mèm, anh bảo đó là cả một kho tri thức. Vị luật sư phân tích: "Báo có tính thông tin kịp thời, nó thể hiện một sự kiện nào đó rất cụ thể. Ví dụ, đọc trên báo có thể thấy sự kiện năm 1957, Hồ Chí Minh chỉ đạo đắp đường Thanh Niên một cách tường tận, trong khi sách vở ít nơi ghi lại". Bên cạnh tính thông tin tường tận, Tạ Thu Phong cho biết, anh thu thập báo cổ còn với lý do những tờ giấy cũ mèm này khơi lại ký ức ngày xưa một cách rõ nét, khiến anh xúc động. Một lý do khác, ấy là Tạ Thu Phong còn mê mẩn những họa phẩm trên báo xuân, báo Tết. Anh cho biết, những trang bìa, rồi tranh minh họa trên báo trước đây rất đẹp. Từ những năm 1930, các họa sĩ tên tuổi như Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... đều có tác phẩm vẽ cho báo.

Từ đó cho tới nay, Tạ Thu Phong đã sưu tầm được nhiều tờ báo quý hiếm. Anh sở hữu hơn một trăm đầu báo, với hàng chục nghìn bản. Cách sưu tầm và sắp xếp các tờ báo của Tạ Thu Phong cũng đặc biệt. Anh không chỉ mua về những bản cũ, bản hiếm, mà sưu tầm để phân loại theo từng chủ điểm. Ví dụ: Báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thủy, Báo chí tiền chiến, Báo chí cách mạng những năm 1946 - 1954 (hoạt động ở chiến khu), báo chí cách mạng 1946 - 1954 (hoạt động trong thành), báo chí thời bao cấp, báo xuân, báo theo dòng sự kiện các kỳ Đại hội Đảng...

Trong số hàng chục nghìn tờ báo, Tạ Thu Phong sở hữu những tờ báo quý, như tờ Gia Định báo xuất bản số đầu năm 1865, tờ Khai hóa Nhật báo của Bạch Thái Bưởi, tờ Thực nghiệp dân báo, Tràng An báo, Ngày nay, Phong hóa, Tri tân, Văn mới. Để có nhiều tờ báo cổ, quý hiếm là cả một hành trình gian nan của Tạ Thu Phong. Có những hôm đêm tối, nghe tin một kho sách báo cũ ở đâu đó sắp bán đi để nghiền giấy anh đều tới luôn, chỉ sợ những bảo vật quý sắp bị biến mất. Nhưng anh bảo, đã chơi thì không nề hà khó khăn, những việc tìm tòi, bỏ tiền ra mua chỉ là việc thường của người sưu tầm. Cái khó nhất trong việc sưu tầm sách báo, ấy là những củ‌ּa qu‌ּý hiếm đang nằm trong tay các nhà sưu tầm khác. "Khi biết một tờ báo mà mình thích đang thuộc sở hữu của người sưu tầm khác, mình phải dùng trăm phương nghìn kế (chỉ trừ kế ăn cắp) để có được. Nó giống như một cuộc đánh cờ giằng co vậy. Người sưu tầm không bán để lấy tiền, mình phải nghĩ cách, như việc tìm một tờ báo, cuốn sách khác mà họ thích để đổi lấy" - Tạ Thu Phong nói. Tuy vậy, có những tờ báo anh có được một cách rất tình cờ: "Sưu tầm giống như việc đãi cát tìm vàng, trong vô vàn những ngày không thấy gì, bỗng nhiên ta òa lên vì tìm được đá quý. Thói quen của tôi là mỗi lần đi qua một chỗ thu mua đồng nát đều nhìn vào. Một lần, vô tình đi qua thấy người ta đang xé báo để xếp cho gọn, tôi dừng xe vào trong thì thấy đó là một lô báo cổ xưa. Trong đó có cả tạp chí Tri Tân (in năm 1942 - 1943)".

Để có ngần ấy báo trong nhà, Tạ Thu Phong đã phải hy sinh rất nhiều thứ. Tiền bạc là thứ có thể nhìn thấy được, bởi có những tờ báo chỉ cần mua cân theo cách bán đồng nát, nhưng có những tờ phải mua vài triệu đồng. "Khi bạn có một niềm đam mê, bạn không thể toàn tâm toàn ý tập trung hết cho sự nghiệp được. Còn mất công sức và thời gian là chuyện đương nhiên. Tôi chỉ có thể duy trì cuộc sống để có thể thực hiện đam mê của mình" - luật sư 41 tuổi nói.

Tạ Thu Phong yêu thích những tờ báo Tết với các họa phẩm trên bìa. Anh cho chúng vào kẹp nhựa và treo trên giá để có thể ngắm nhìn thường xuyên.

Ngôi nhà nhỏ của Tạ Thu Phong ở phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội chất đầy sách báo. Tường phòng khách của anh ba bề là sách báo, từng chồng, từng chồng báo được anh đóng thành quyển để lưu giữ. Thế mà anh bảo, số sách báo ấy chỉ là những quyển anh hay dùng, những tờ quý hiếm. Một lượng lớn sách báo được cất ở một căn nhà khác mà anh không ở.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu, chơi sách báo cổ không phải là ngoại lệ. Tạ Thu Phong bảo khi sở hữu cả một kho tri thức mình yêu mến, thì vấn đề khó khăn nhất là việc bảo quản. Anh tìm hiểu và áp dụng các phương thức bảo quản với từng loại báo. Những tờ báo quý được anh cho vào trong kẹp nhựa để lưu giữ, những tờ báo khổ to như Nhân Dân, Lao Động... được đóng bìa cứng cho vào thùng chống ẩm. Trong căn phòng khách toàn sách, kiệm đồ, thứ hiện đại nhất có thể nhìn ra ngay đó là cái máy hút ẩm để dùng trong những hôm trời nồm. Tạ Thu Phong mong muốn có một bảo tàng nhỏ thực sự để lưu giữ tốt hơn kho sách báo của mình.

Bỏ nhiều tiền để mua, kỳ công bảo quản nhưng Tạ Thu Phong không giữ bộ sưu tập làm của riêng. Căn nhà của anh thường xuyên đón khách vào các ngày Chủ nhật, do có nhiều người tìm tới để đọc tài liệu, phục vụ nghiên cứu từ những tờ báo cũ. Tạ Thu Phong cũng không chỉ mua báo về để phân loại, anh còn nghiên cứu và thực hiện nhiều công việc khác. Hiện anh bắt tay vào viết sách lịch sử báo chí Việt Nam, bởi theo anh các cuốn sách về lịch sử báo chí nước ta chưa được đầy đủ, chi tiết. Anh cũng lập một trang mạng xã hội để đăng tải thông tin, các bài viết của mình về báo cổ, báo quý. Ở đó, người xem có thể thấy những nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học của Tạ Thu Phong về những chủ đề như: lịch sử quảng cáo trên báo Việt Nam, tranh minh họa trên báo xuân, nạn đói năm 1945 trên báo chí, cải cách ruộng đất trên báo... Tất cả những công việc ấy, Tạ Thu Phong đều làm xuất phát từ tình yêu dành cho những trang báo cổ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật