Đồng hồ của Salvador Dali

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian luôn ám ảnh, thậm chí có thể đè nặng lên mỗi người. Không có ngoại lệ cho bất cứ loại người nào, kể cả các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ…
Đồng hồ của Salvador Dali
Ảnh minh họa

Thế nhưng trong những kẻ sáng tạo ấy, có lẽ người viết văn, nhất là các nhà viết tiểu thuyết, dễ diễn tả hoặc đồng hành với thời gian hơn cả. Nhà phê bình văn học người Pháp - Albert Thibaudet cho rằng, tính thời gian là chìa khóa của tiểu thuyết. Đã có khá nhiều tiểu thuyết đã đóng dấu trong lịch sử trong việc ngược lại dòng thời gian quá khứ hoặc hướng đến rất xa trong thời gian của tương lai.

Hội họa xem chừng yếu thế hơn. Thường là các họa sĩ vẽ lớp trẻ với người có tuổi, người già, hoặc sự suy tàn, diệt vong của một kiếp người hay một đế chế, hay thời đại nào đó… Là kẻ ngoại đạo về hội họa, tôi thường xuyên bị mê hoặc và nghĩ ngợi lung tung về thời gian qua mấy bức tranh của hai họa sĩ: Pau Gauguin (1848 - 1903) và S. Dali (1904 - 1989).

P.Gauguin có những tác phẩm lớn nhất của mình trong thời gian sống lang bạt với dân bản xứ, da đỏ ở các đảo vùng vịnh Caribe và quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Từ năm 1891, đến khi nằm lại ở Atuona - đảo Marquesas, chỉ về Pháp một lần để triển lãm tranh. Ông họa sĩ hậu Ấn tượng này có bức tranh sơn dầu vẽ năm 1897 - 1898 khổ 139x374,5cm với tên gọi rất dài: “D’ou Venons - nous? Que sommes - nous? Du Allons - nous?” (Tạm dịch: Ta từ đâu đến? Ta là ai? Ta đi đến đâu?). Nghe day dứt và đầy nhạc điệu. Bức tranh nổi tiếng bậc nhất này của P.Gauguin với các khoảng xanh lam, xanh lá cây cùng những mảng màu hạt dẻ tạo nên ngôn ngữ bức tranh như một bản giao hưởng. Các nhân vật từ người lớn đến trẻ con, kể cả những con vật đều ưu tư, u buồn. Những câu hỏi của P.Gauguin đâu dễ trả lời, nó sẽ đi theo mỗi người đến hết cuộc đời.

Sự ám ảnh về thời gian có lẽ rõ nhất trong sáng tạo của họa sĩ vĩ đại người Tây Ban Nha Salvador Dali. Sau một số năm trải qua các trường phái nghệ thuật, ông nhanh chóng dừng lại để tìm đường sáng tạo riêng của mình ở hội họa siêu thực. Nói đến thời gian, là người ta thường nghĩ đến đồng hồ. Có lẽ không có họa sĩ nào vẽ nhiều và độc đáo về đồng hồ như Dali. Từ chiếc đồng hồ bên nhà ga xe lửa (1930) đã dần định hình biểu tượng thời gian trong rất nhiều tác phẩm của ông. Một trong những bức nổi tiếng nhất ông vẽ năm 1931, khi mới 27 tuổi, “La Persistencia de la Memoria” (tạm dịch là “Sự dai dẳng của ký ức”). Cả ba chiếc đồng hồ bỏ túi đều mỏng manh, mềm oặt như bị nung chảy, vặn vẹo nhưng vẫn sống, vẫn níu kéo lưu giữ ký ức của con người.

Biểu tượng đồng hồ đi suốt chiều dài sự nghiệp của Dali. Năm 1934 - 1935, bức tranh về nữ diễn viên Mae West. Có chiếc đồng hồ bàn dáng vẻ sang trọng “nghiêm chỉnh” được đặt trên mũi. Năm 1943, tác phẩm “Poetry of America - The Cosmic Athletes” cũng có chiếc đồng hồ treo “nghiêm chỉnh”, nhưng giản dị hơn. Trở lại với những chiếc đồng hồ mềm oặt, rã rời, năm 1952 - 1954, Dali có “The Disintegration of the Persistence of Memory”. Một bức tranh đẹp và rất ấn tượng vẽ con tê giác với những chiếc chân nối dài mong manh như cũng có đồng hồ mềm oặt nằm bên dưới. Tôi không thể kể hết các tác phẩm của Dali có biểu tượng thời gian - đồng hồ. Ngoài vẽ ông còn làm điêu khắc, sắp đặt và trình diễn, về mặt nào ông cũng nổi tiếng và kỳ lạ đến độ “quái dị”. Có lần ông bảo: “Tôi không phải gã hề… Hội họa của tôi đã chứng minh điều đó”.

S.Dali từng làm một quả bom của ngày tận thế cùng với chiếc đồng hồ để bàn (đồ thật) vào năm 1959.

Trong các nhà triết học, Dali yêu thích F.Nietzche. Đó cũng là điều dễ hiểu. Trong suốt cuộc đời không ngắn ngủi của mình, S.Dali đã cố tạo ra nhiều con đường để đi đến sự bất tử. Không ai có thể chiến thắng thời gian, nhưng với các sáng tạo của mình, có lẽ Dali là người bất tử.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật