Ấn Độ dọn dẹp đón Tổng thống Obama

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cấm trâu, bò; bắt hết chó hoang; cọ rửa đường sạch sẽ và yêu cầu người dân ở trong nhà là những nỗ lực của giới chức Ấn Độ nhằm gây ấn tượng với vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của họ tới đây.
Ấn Độ dọn dẹp đón Tổng thống Obama
Một công nhân Ấn Độ đang cọ rửa đường tới khu lăng mộ Taj Mahal để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Obama. Ảnh: AP.

Ngồi cọ rửa con đường dẫn tới đền Taj Mahal với khoản thù lao chưa tới 5 USD mỗi ngày, Ramjeet vẫn nở nụ cười đầy tự hào với suy nghĩ rằng Tổng thống Barack Obama sẽ ngưỡng mộ công việc tay chân này của mình.

"Nếu mọi thứ đều sạch sẽ, ông ấy sẽ bị ấn tượng", Ramjeet nói trong lúc ngồi nghỉ. Vẫn còn 10 km đường nữa đang chờ đợi anh và các công nhân khác cọ rửa.

Tự hào với công việc đang làm nhưng Ramjeet cũng thừa nhận đau nhức đầu gối và lưng. Ramjeet là một trong số 600 công nhân làm vệ sinh được huy động ở thành phố Agra trước chuyến thăm của ông Obama cùng phu nhân tới ngôi đền tình yêu nổi tiếng nhất thế giới vào ngày 27/1.

Ngoài việc vệ sinh đường, giới chức ở đây còn bắt hết chó hoang, cấm những con bò đi lại trên đường và đề nghị phong tỏa khu vực xung quanh phức hợp Taj Mahal.

"Có rất nhiều vết khạc nhổ ố bẩn cần được làm sạch. Những con đường cũng cần phải dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ", ông KK Mohammed, nhà khảo cổ học hướng dẫn các nhà lãnh đạo thế giới tham quan ngôi đền lát đá màu trắng, cho biết.

Ở thủ đô New Delhi, các công nhân đang quét lớp sơn mới lên những tòa nhà, cọc buộc tàu thuyền trước khi ông Obama tham dự cuộc diễu binh quân sự hôm nay. Hình ảnh chuyến thăm của ông Obama được các hãng thông tấn lớn đưa tin và nhà tổ chức muốn đảm bảo có một phông nền hoàn hảo cho những bức ảnh.

Suresh Chand, kỹ sư trưởng của hội đồng thành phố Agra, đồng thời là người chịu trách nhiệm công việc dọn dẹp, cho hay lũ chó hoang đi lang thang trên phố bị vây bắt và hơn hai tấn rác cũng được vớt lên từ con sông Yamuna ô nhiễm chỉ trong hai ngày. Hình ảnh những con chó đi lạc trên đường được xem là phổ biến ở bất kỳ thành phố nào của Ấn Độ. Ngoài ra, những đàn trâu, bò đi lại tự do và kêu rống khắp các con đường cũng sẽ phải được giải tán.

"Khi khách tới thăm nhà, chúng tôi phải làm điều gì đó tốt đẹp hơn bình thường, Chand nói.

Bên trong ngôi đền Taj Mahal, hơn chục phụ nữ đi chân trần đang bận rộn cắt tỉa mép cỏ.

"Obama, Obama", một phụ nữ làm việc tại đền hai thập kỷ qua nói. Các công nhân như cô được trả công hơn 1 USD mỗi ngày.

Khoảng 3.000 cảnh sát sẽ tuần tra bằng thuyền trên sông, sĩ quan cảnh sát cao cấp Rajesh Modak tiết lộ. Trong lúc ông Obama đi tham quan đền, khách du lịch cũng sẽ không được phép vào bên trong.

Hồ nước phía trước khu lăng mộ Taj Mahal đang được làm sạch trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới thành phố Agra. Khoảng 600 công nhân được huy động ở thành phố này để dọn dẹp sạch sẽ rác, bụi. Ảnh: AFP.

Phức hợp Taj Mahal do hoàng đế Shah Jahan của đế quốc Mughal xây dựng như một khu lăng mộ cho người vợ yêu dấu. Hoàng hậu qua đời trong lúc sinh con năm 1631. Đền do 20.000 công nhân xây dựng trong suốt 16 năm.

Người dân sống quanh lối vào đến được yêu cầu phải ở trong nhà. Không phải tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ với lệnh phong tỏa của giới chức. Một số người nói rằng lệnh cấm khiến họ cảm thấy mình giống như những kẻ phạm tội.

"Bạn không thể ra ngoài, không thể lên mái nhà, không thể ra khỏi cửa để tới nhà tắm. Điều này giống như một lệnh giới nghiêm", Anil Kumar Sonkar cằn nhằn. Sonkar là ông chủ một cửa hàng kẹo cách đền Taj Mahal không xa.

"Chúng tôi phải mở cửa hàng để buôn bán. Ông Obama nên được đưa tới đây để ăn thử món kẹo nổi tiếng thế giới của tôi", ông Sonkar gợi ý. Cửa hàng của ông chủ này bán loại kẹo làm từ đường và bí ngô.

Theo người dân địa phương, năm 2000, lệnh giới nghiêm tương tự cũng được đưa ra trong chuyến thăm của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, khiến chính trị gia này phải hỏi lại các nhân viên rằng có phải mình đang tới thăm một thị trấn ma không.

"Sau đó, chúng tôi bị dồn lại và đứng thành hàng. Khi ông Clinton đến, ông ấy đã bắt tay chúng tôi. Nếu ông Obama cũng làm điều gì đó giống thế, sẽ thật xúc động", Sunehri Lal vừa nói vừa hướng ánh mắt nhìn lũ trẻ đang chơi đùa gần một đống rác.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật