Cuộc đời nhà tiên tri nổi tiếng nhất Việt Nam

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói đến tài tiên tri của người Việt không thể không nhắc tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những lời sấm truyền của cụ lưu lại cho hậu thế khiến người ta giật mình bởi độ chính xác.
Cuộc đời nhà tiên tri nổi tiếng nhất Việt Nam
Ảnh minh họa

Cùng nhìn lại cuộc đời đầy thăng trầm của nhà tiên tri nổi tiếng nhất Việt Nam - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thời thơ ấu

Cụ Trạng Trình họ Nguyễn, húy Bỉnh Khiêm tự là Hành phủ, hiệu Bạch Vân Cư sĩ, người thôn Trung Am, làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Cụ sinh năm Tân Hợi, dương lịch 1491, năm thứ 22 niên hiệu Hồng Đức đời vua Thánh Tôn nhà Lê. Cụ tướng mạo khôi ngộ, vóc người to lớn đẫy đà. Nhưng theo thầy tướng, chỉ vì da hơi dầy, nên dù sau này giàu sang cách mấy cũng chỉ ở chức phận bầy tôi.

Thân phụ của cụ là Văn-Đình, sau được nhà Mạc truy tặng chức Thái-Bảo, Nghiêm quận công. Thân mẫu là con gái quan Hộ bộ thượng thư Nhữ Văn Lân, sau được nhà Mạc truy tặng chức Từ Thục phu nhân.

Tục truyền Từ  thục phu nhân là người đàn bà giỏi về văn chương, và đặc biệt sở trường về khoa Lý số. Bà tự xem tướng biết mình sau sinh quý tử, nên kén chồng mãi đến năm ngoài 30 tuổi mới gặp ông Văn-Đình là người có tướng hợp, mới chịu cùng kết hôn.

Cái mộng lớn của bà sẽ sinh con làm thiên tử, chứ không chịu công hầu khanh tướng. Vì thế, hôm động phòng hoa chúc, bà cắm một chiếc đũa ở giữa sân và dặn ông Văn-Đình:

-  Khi bóng trăng đến chiếc đũa, ông mới được nhập phòng.

Đợi lâu quá, nóng ruột, ông Văn Đình đẩy cửa bước vào. Bà trách rằng:

- Ông vội vàng như thế thì con cái sau nầy chỉ làm đến Tứ trụ hay đỗ đến Trạng Nguyên là cùng, chứ không thể làm được Hoàng đế.

Hai vợ chồng ăn ở được ít lâu, một hôm, bà đi đò gặp một thanh niên vạm-vỡ làm nghề đánh cá, bà xem tướng thấy rõ người nầy mới thật là đại quý, nhưng tiếc việc hôn nhơn đã lỡ cùng ông Văn Đình rồi. Người thanh niên ấy tức là Mạc Đăng Dung, sau này là Thái tổ nhà Mạc. Tuy thế, nhưng bà vẫn tin ở cái phép nhân định thắng thiên của mình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là con trai đầu lòng của bà. Bà nuôi một hy vọng rất lớn, quyết sau nầy con bà, nhất định ở ngôi thiên tử.

Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ lùng. Năm đầy tuổi thôi nôi đã biết nói. Năm lên 4 tuổi bà đã dạy cho học thuộc lòng các bài chínhnghĩa của Kinh, Truyện cùng với vài mươi bài thơ nôm.

Một hôm bà đi vắng, ông Văn Đình ở nhà bồng Bỉnh Khiêm ra bờ ao hóng mát. Ông ngâm rằng:

-  Nguyệt treo cung nguyệt treo cung.

Bỉnh Khiêm nghe đọc, cũng ứng khẩu đọc theo:

-  Vén tay tiên, hốt hốt rung.

Thấy con còn nhỏ đã thông minh, Văn Đình cả mừng. Khi bà về, ông kể lại. Bà cả giận mắng rằng:

-  Nguyệt là phận bầy tôi, hốt hốt rung cũng là phận bầy tôi, sao ông dại dột dạy con như thế?

Bà tức mình cho đó là công việc đã hỏng, mưu tính của mình đã thất bại nên giao Bỉnh Khiêm cho chồng rồi từ giã bỏ đi. Ông Văn-Đình và người nhà cản ngăn khuyên giữ thế nào cũng không được.

Sau khi cắt đứt mối tơ duyên này, bà kết hôn với một người khác ở làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây; ông này cũng có tướng sinh con đại quý. Người con của bà sau này là Phùng Khắc Khoan, tức gọi là Trạng Bùng.

Cuộc đời làm quan thanh liêm

Ham học, cương trực và dạt dào lòng nhân ái. Sử sách còn ghi rằng, trí nhớ của ông thật đặc biệt, xếp vào hạng siêu phàm. Năm lên 4 tuổi, ông đã thuộc làu hàng loạt kinh truyện mà mẹ ông đã dạy.

Khi còn là cậu học trò, ông theo học thầy bảng nhãn Lương Đắc Bắc, được thầy phả cho "luồng sinh khí" từ trong bộ sách "Thái ất thần kinh" của đời nhà Minh nên đã khơi mạch, mở tầm, thông hiểu được lẽ huyền vi của tạo hóa, sự chuyển vận của vũ trụ về tự nhiên, xã hội, con người.

Bạn bè nhất mực kính yêu và khâm phục nên tôn xưng là Tuyết Giang Phu Tử. Nhưng mãi đến năm 1535, lúc khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại chính 6, đời Mạc Đăng Doanh, ông mới đi thi và đỗ Trạng Nguyên.

Về sau, triều đình nhà Mạc chiêu mộ hiền tài nhằm khôi phục xã hội để cho trăm họ một cuộc sống thái bình và thịnh trị từ hậu tàn của sự suy đồi, thối nát của các vương triều cuối Lê. Ông cũng được triều Mạc hết lòng trọng đãi, ban cho nhiều chức quan cao và phong tước Trình truyền hầu, từ đó thiên hạ gọi ông là Trạng Trình.

Năm 1543, trước cảnh bầy tôi lộng quyền, ông mạnh dạn vạch trần sự tha hóa, thối nát rồi dâng trảm sớ lên vua đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản; song không được nhà vua chấp thuận.

Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, viết văn, làm thơ, biên dịch sách, nghiên cứu kinh sử, chắt lọc những tinh hoa của các đạo pháp ngoại lai, bổ sung vào đó tính chất giản dị mà sâu sắc của người Việt để giáo hóa người đời và dạy dỗ học trò thành người có đức có tài - hữu ích cho đất nước.

Với tên hiệu Bạch Vân Cư sĩ lan truyền rộng khắp, học trò khắp nơi đổ về thụ giáo ngày một đông... Nhiều học trò của ông sau này đã rạng danh, trở thành nhân tài kiệt xuất trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn học... như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ... Nguyễn Bỉnh Khiêm mất vào năm 1585.

Những lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tương truyền rằng trong một lần đi sứ, quan Thượng thư mang về bộ sách Thái Ất thần kinh, nhưng đọc cũng không hiểu hết. Thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt thông minh hơn người, quan Thượng thư bèn trao lại cuốn sách quý ấy cho học trò.

Truyền thuyết nói rằng nhờ hiểu được cuốn sách ấy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết ra được những lời tiên tri cho hàng trăm năm sau. Những lời tiên tri cho hậu thế ấy chính là trong tập Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà dân gian quen gọi là Sấm Trạng Trình.

1. Tiên tri chính xác vận mệnh của mình 500 năm sau

Trong Sấm Ký, Trạng ghi rõ về những biến thiên trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến hôm nay. Và cả cái thời khắc “trở lại” của ông cũng được ghi rõ trong những lời sấm truyền, Trạng viết rằng tên tuổi của ông chỉ “sống lại” với hậu thế sau đúng 500 năm. Hậu vận này được chính ông viết trong lời sấm: “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”.

Lời sấm này có nghĩa là bao giờ vùng đất Tiên Lãng bị xẻ làm đôi ra và con sông Hàn được nối lại thì tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ vang dội trở lại. Quả đúng như lời sấm, vào năm 1991 Tiên Lãng bị xẻ đôi ra vì có công trình đào con sông để làm kênh thuỷ lợi.

Thời điểm ấy cũng vào đúng 500 năm sau thời đại của ông. Cùng lúc ấy thì có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của cụ sang Thái Bình. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của cụ được sống lại, lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của cụ được Nhà nước tổ chức lọng trọng tại Văn Miếu -  Quốc Tử Giám.

2. Tiên tri chính xác vận mệnh của nhà Mạc, nhà Nguyễn nhà Trịnh

Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình “cứu vãn” cho triều nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua nghe, ông đã cáo quan về ở ẩn.

Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Qủa nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.

“An Nam lý số hữu Trình tuyền” Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra lời sấm cho nhà Nguyễn, mà nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi để đất nước ta có hình thái như ngày hôm nay. Ấy là năm 1568, khi Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, bèn sai người đến hỏi Trạng, khi ấy đã 77 tuổi đang ở ẩn tại am Bạch Vân.

Trạng Trình không nói không rằng, cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam.

Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi nhưng quả đúng như lời sấm ban đầu của Trạng, nhà Nguyễn chỉ có thể dung thân ở dải Hoành sơn chứ không thể tồn tại mãi mãi, nên triều đại nhà Nguyễn đã chấm dứt vào năm 1945.

Còn với triều đại thứ 3 cùng tồn tại khi ấy là nhà Trịnh, thì thời điểm vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông cũng không nói năng gì mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”.

Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật