Muốn đến Vũng La, phải qua… vũng lầy

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh đi qua Vũng La để xuống vịnh Xuân Đài - danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), người xe đều phải lội trên những… đám sình.
Muốn đến Vũng La, phải qua… vũng lầy
Một góc của vịnh Xuân Đài nên thơ, kỳ bí

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, trải dài từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Chào, tiếp nữa là Vũng Sứ rồi đến Vũng La. Mỗi vũng trong vịnh có nét duyên rất riêng, vì thế du khách đến nay ai cũng thuộc câu nằm lòng: Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào/ Vũng Dông, Vũng Lắm, vũng nào cũng thương.

Không gian các vũng sáng, chiều đều yên ả, được bao bọc trong vòng tay của núi. Biển ở đây lúc nào cũng lăn tăn những con sóng nhỏ. Nắng ở đây cũng vàng hơn, và có nét quyến rũ hơn những vũng vịnh khác.

Vùng nuôi tôm hùm làm cho Vũng La thêm thơ mộng, nhưng ngư dân đang thất thu vì chi phí tăng cao do công vận chuyển thức ăn cho tôm qua đoạn đường sình

Hiện nay, dân ở các vũng đều làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè, mỗi bè nổi cất chòi phía trên là nơi trú ngụ của một gia đình, vì vậy có những xóm chòi nhoài trên biển, trông rất nên thơ.

Nhà ở của người dân ngửa mặt ra vịnh Xuân Đài, dừa trồng từ trong sân nhà ra đến tận ngoài ngõ tỏa bóng mát. Con đường vào xóm nhà uốn cong qua cánh đồng mềm mại, cạnh đó có những xóm nhà đi qua dải cát mịn màng.

Chính vì vẻ đẹp nên thơ, kỳ bí ấy, ngày 28/3/2011, vịnh Xuân Đài đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận vịnh này là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Cảnh nên thơ của những đường làng uốn quanh rợp bóng dừa

Thế nhưng, bây giờ, muốn đi vòng qua vịnh Xuân Đài, từ ngã ba Trung Trinh đi qua các vũng rồi xuống Vũng La (thuộc xã Xuân Phương, TX Sông Cầu), phải qua con đường “chằn ăn, trăn quấn”.

Tuyến đường dài 14 cây số ôm một nửa vịnh Xuân Đài, trong đó có 7 cây số xuyên qua cánh đồng, mặt đường nát bét vì sình lầy xem các ảnh bên dưới).

Anh Nguyễn Văn Long, một người ở Vũng La cho biết, con đường này nắng bụi mưa sình. Người dân quanh vùng muốn xuống Vũng La phải hỏi thăm đường trước, chờ nắng khô ráo rồi đi chứ gặp ngày mưa ráng lội bùn đi nửa đường thì gặp đám sình trên đường dài cây số, quay lại không được, đi tiếp không xong.

Trên đoạn đường này, học sinh đi học phải xắn quần xách dép, bàn chân trần bám chặt trên đất nhưng do đường lầy trơn như bôi mỡ nên có em té dưới bùn, có em bùn dính đầy quần áo, đến gần cổng trường phải tạt nước ruộng lên rửa.

Chị Trần Thị Thu, một phụ huynh học sinh ngao ngán: “Tôi có 2 đứa con, đứa học mầm non, đứa học tiểu học, 2 trường cạnh nhau. Đi học, tôi ẵm nách một đứa, cõng sau lưng một đứa qua đoạn đường lầy. Nhà nghèo cũng lo làm lo ăn chứ đâu có rảnh đưa con đi học suốt. Hôm nào tôi bận đi làm, đường lầy đến đầu gối, đứa nhỏ phải nghỉ học”.

Trước mặt UBND xã Xuân Phương, mặt đường toàn những hầm hố ngập ngụa bùn đất. “Hôm rồi tôi đi đám cưới trên phường Xuân Yên (giáp ranh xã Xuân Phương), mang theo đôi ủng lội sình, đến ngã ba Trung Trinh rửa sạch đôi ủng bỏ trong cốp xe. Con đường này “có tiếng” từ mấy năm nay, mùa mưa đi xuống Vũng La ai cũng sợ” - chị Bùi Thị Hồng, nhà ở cạnh đường than vãn.

Nói đến con đường gian khổ này, ông Phan Thanh Hùng, nhà ở trước mặt UBND xã Xuân Phương cho hay: “Ở đây mùa mưa đi làm đồng về, tối đói bụng thèm tô bún nóng muốn qua ngã ba Trung Trinh ăn rồi về nhưng nghĩ đến con đường lún, lầy lội trước nhà, tôi đành ngủ đói. Nói thiệt, nếu không nâng cấp con đường, ai mà dám đi du lịch xuống Vũng La. Sình lầy kiểu này, xe tải còn đứng bánh nói chi xe du lịch”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Yên, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: “Con đường từ Trung Trinh đi Vũng La là con đường phục vụ du lịch. Dự án nâng cấp con đường này được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư với nguồn vốn trên 34 tỉ đồng, được phê duyệt cách đây 3 năm. Do không có kinh phí nên dự án này triển khai đến năm 2013 thì tạm dừng đến nay”.

Cũng theo ông Yên, con đường sình lầy không thu hút khách tham quan du lịch được mà còn làm cho nhiều người nuôi tôm hùm thất thu vì giá thức ăn cho tôm tăng 10.000 đồng/kg, do bị cộng thêm công vận chuyển, khuân vác, “tăng bo” 2 - 3 chặng qua vùng sình lầy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật