Kinh tế phục hồi trong khó khăn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại hội thảo kinh tế “Cất cánh và Hội nhập 2015” do Tổ chức Giáo dục PTI tổ chức tại TP.HCM ngày 20-12, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam dù đang trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Kinh tế phục hồi trong khó khăn
Ảnh minh họa

Nhìn nhận một cách tổng quát về xu hướng của nền kinh tế, ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế vẫn ở trong giai đoạn khó khăn kéo dài, chưa thoát khỏi vùng đáy và sự phục hồi còn mong manh. Điều đáng chú ý là sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu là nhờ đóng góp của khu vực FDI.

Kết quả thống kê số DN ’đóng cửa’ trong 5 năm gần đây cho thấy, số DN ngưng hoạt động năm sau vẫn cao hơn năm trước. Trong năm 2014, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng số DN ngưng hoạt động trong 11 tháng năm 2014 vẫn cao hơn cùng kì năm trước từ 9% đến 10%. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn còn khó khăn, mặc dù có sự chuyển động nhưng chưa có những tác động mạnh mang tính chiến lược.

Theo nhận định của ông Trần Đình Thiên về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu có bước tiến chậm nhưng có có những thay đổi cấu trúc mang tính chiến lược. Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành. Tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng về cơ bản chưa có cải thiện. Tốc độ tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa còn rất chậm. Bộ máy nhà nước còn kém hiệu lực.

Cùng quan điểm như trên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, tuy tăng trưởng GDP từng bước được phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp. GDP đã chạm đáy vào năm 2012 với 5,25% và được phục hồi dần qua các quý năm 2013 (5,42%) và nửa đầu năm 2014. GDP năm 2014 được dự báo sẽ đạt mức 5,8% và tăng dần trong các năm sau đó.

Tăng trưởng tiêu dùng vẫn ở mức thấp và dòng tiền còn mắc kẹt trong hệ thống ngân hàng, tín dụng sản xuất kinh doanh tăng trưởng chậm. Lạm phát lắng xuống, năm 2013 ở mức 6,04%. Đến tháng 10-2014 giảm xuống còn 3,23%. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2014 do nhu cầu nội địa vẫn ở mức thấp và tín dụng không thể tăng trưởng quá cao do nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.

Từ thực trạng của nền kinh tế, theo ông Trần Đình Thiên, cần có giải pháp mạnh đối với chương trình cổ phẩn hóa 2 năm 2014-2015 theo hướng nhà nước không giữ phần vốn chi phối ở đa số DN (Hiện nay số DN dự kiến nhà nước chi phối sở hữu chiếm 65% trên tổng số DN cổ phần hóa là quá lớn). Kiên trì nguyên tắc “giá trị trường” khi bán DN nhà nước. Tập trung khắc phục các khó khăn ngắn hạn bằng cách Chính phủ giải tỏa nợ xấu cho DN nhà nước, buộc các DN nhà nước phải cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động trước khi bán.

Đối với hệ thống ngân hàng, xử lí nợ xấu và sở hữu chéo thông qua việc tạo vốn để Công ty mua bán nợ (VAMC) mua nợ thông cổ phần hóa, vay nợ. Bên cạnh đó, phát triển thị trường mua bán nợ; đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ ngân hàng một phần lãi suất để hạ lãi suất tín dụng giúp DN phục hồi…

Về phía DN trong chiến lược về tài chính, theo khuyến nghị của chuyên gia Bùi Kiến Thành, DN phải từng bước thực hiện những thông tin tài chính minh bạch, tạo niềm tin đối với thành viên góp vốn, cổ đông và các tổ chức, tín dụng. Mặt khác, nhà nước cũng phải có những chính sách khuyến khích DN tiến đến một văn hóa quản lí tài chính thông thoáng không bị nhũng nhiễu, tiêu cực….

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật