Tránh Bẫy thu nhập trung bình: Đừng chỉ nói, hãy hành động

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa, thì việc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn luôn cần thiết để vươn tới nấc thang của nền kinh tế thu nhập cao.
Tránh Bẫy thu nhập trung bình: Đừng chỉ nói, hãy hành động
Ảnh minh họa

Việt Nam đang ở đâu?

Tại hội thảo về chủ đề “Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và chính sách công nghiệp Việt Nam” do viện  Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cuối tuần qua, GS Kenichi Ohno, viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản nhận định: Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc đang cận kề bẫy thu nhập trung bình.

Ông Ohno cũng chỉ ra các dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam đang trở nên rõ ràng hơn. Đó là tăng trưởng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu, các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng.

GS Kennichi Ohno cho rằng: “Một quốc gia được cho là rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nếu không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế,  chỉ dựa vào các lợi thế sẵn có như tài nguyên. Bất kỳ quốc gia nào người dân không thể tạo giá trị gia tăng đều được coi là đã rơi vào bẫy”.

Hồi tháng 4-2014, chính vị giáo sư người Nhật này đã gây “bão” dư luận khi khẳng định “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”. Quan điểm của vị giáo sư này đã gây nhiều quan điểm trái chiều. Ngay sau đó, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức một hội thảo quy mô về bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam để đánh giá tình hình và đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam vừa đạt được mức thu nhập trung bình thấp; còn quá sớm để nhận định rằng Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình. Song một Báo cáo nghiên cứu chung giữa WB và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 11-2014 đã nhấn mạnh: Hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn. Nguồn tăng trưởng trước đây đang suy giảm làm tăng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Bày tỏ quan điểm cho rằng Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa không quan trọng, GS Kenichi Ohno nói: Điều quan trọng là Chính phủ cần bắt đầu có những hành động, quyết định cụ thể. Mặc dù có rất nhiều hội thảo về bẫy thu nhập trung bình nhưng vẫn chưa có các chính sách cụ thể nào cho Việt Nam được đưa ra.

Cho rằng những nhận xét của GS Kenichi Ohno là xác đáng, bà Đặng Thu Hoài, Phó trưởng Ban chính sách dịch vụ công, CIEM cho rằng: Việt Nam đang trên đà rơi vào “bẫy” khi tăng trưởng không bền vững; tăng trưởng không nhờ đổi mới, sáng tạo mà tăng trưởng nhờ quan hệ, trục lợi... Có nhiều chính sách được đưa ra, kể cả trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ nhưng kết quả không như mong đợi và như vậy, về dài hạn khó có tăng trưởng bền vững

Khai thác tiềm năng con người

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 hồi tháng 9-2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn: Nếu Việt Nam không tìm cách tái cấu trúc, không tìm ra hướng phát triển mới, chắc chắn Việt Nam phải đối mặt bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng chậm lại, đó là thách thức lớn hiện nay. Hiện nay Việt Nam đang tìm hướng phát triển mới, đang tái cấu trúc lại kinh tế. Trước đây Việt Nam tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, giờ Việt Nam phải tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, quản trị tiên tiến, đặc biệt là tiềm năng con người.

Đại diện của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: Bẫy thu nhập trung bình đã được nêu rõ. Vấn đề không còn mới, Malaysia, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, còn Việt Nam, Ấn Độ đang cố gắng tránh bẫy sau thời gian dài phát triển kinh tế. Để tránh được bẫy thu nhập trung bình, cần có chuyển đổi về mặt thể chế, cần có chính sách phù hợp, gia tăng về năng suất lao động. “Đổi mới về thể chế là vấn đề quan trọng và chủ chốt để tránh bẫy thu nhập trung bình” - Đại diện OECD nhấn mạnh.

GS Kenichi Ohno khuyến nghị: Với các quốc gia đang phát triển, chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước vượt bẫy thu nhập trung bình. Chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và DN. Các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, khung pháp lý, vốn ODA cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng yếu tố con người và DN. “Có mối tương quan chặt chẽ giữa thành tựu về thu nhập và chính sách công nghiệp. Các nước đi sau có chính sách tốt đã đạt mức thu nhập cao: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các quốc gia khác cần học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn gói chính sách phù hợp nhất với mình” - GS Kenichi Ohno nói.

Lời khuyên của vị chuyên gia viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản là nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sách FDI, DN nhỏ và vừa và chính sách liên kết. Để thực hiện điều này, học hỏi kinh nghiệm chính sách quốc tế là việc làm cần thiết.

GS Kenichi Ohno gợi ý 3 hành động cần thiết để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình. Một là tạo dựng nguồn lực tăng trưởng (kinh doanh, kỹ sư lành nghề, DN và các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế). Hai là giải quyết những vấn đề do tăng trưởng gây ra như khoảng cách thu nhập, sự phân hóa giữa các vùng, hủy hoại môi trường, ách tắc giao thông và đô thị, bong bóng tài sản, chủ nghĩa vật chất, tham nhũng, cải cách chính trị… Ba là quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực, các cuộc khủng hoảng tài chính bảo vệ nền kinh tế chống lại những cú sốc bên ngoài và khắc phục thiệt hại. “Để tăng trưởng bền vững và đạt mức thu nhập cao cần phải thực hiện tất cả những điều trên” - GS Kenichi Ohno đúc kết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật