“Hoa trạng nguyên đỏ trước nhà“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trò chuyện với Trần Thị Ngọc Lan, tác giả tập truyện ngắn “Mẹ trần gian“, NXB Hội Nhà văn và Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết xuất bản năm 2008).
“Hoa trạng nguyên đỏ trước nhà“
Tác giả Trần Thị Ngọc Lan.

Đọc tập truyện ngắn "Mẹ trần gian" cũng như nhiều tác phẩm khác của chị, người đọc dễ nhận thấy một gam màu buồn bao trùm, có phải điều đó xuất phát từ nỗi lòng của người viết?

- Cả thơ văn của tôi đều có gam màu buồn. Nhưng tôi nghĩ cái buồn thường đi đôi với vẻ đẹp, đôi khi diễm lệ. Giữ được âm hưởng như vậy qua suốt các sáng tác từ mười năm trở lại đây, tôi nghĩ là nó có thể tạo thành phong cách. Tất nhiên cái buồn phải gắn với văn cảnh và nội dung câu chuyện. Viết về sự mất mát, tha hoá như trong "Mẹ trần gian"  thì vui sao được.

Đôi khi âm hưởng buồn xuất phát từ con người tác giả. Ngoài đời tôi vô tư, nhưng sâu trong lòng cũng có nỗi buồn sâu thẳm, văn là người mà. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là ý muốn biểu hiện văn phong trong màu sắc ấy, tôi tin rằng nó chuyên chở được nhiều ý tưởng, vẻ đẹp, dư vị. Nỗi buồn làm con người thanh lọc, hiểu biết chính mình hơn, và cũng làm họ người hơn.

Trong nhiều truyện ngắn, người đọc bắt gặp hình ảnh của nhiều làng quê còn nghèo khó, người dân nhiều lam lũ. Làng quê chị có ảnh hưởng như thế nào trong những sáng tác của chị?

- Đúng là trong nhiều truyện ngắn của tôi, người đọc bắt gặp hình ảnh làng quê còn nghèo khó, người dân còn lam lũ. Không cứ phải là làng quê tôi. Nhưng rõ ràng tuổi thơ và làng quê của tôi để lại ấn tượng sâu đậm trong các tác phẩm. Làng quê tôi sinh ra rất ảm đạm, u buồn, đói nghèo, lam lũ, thất học, xao xác trong thời kinh tế thị trường, có ít nhiều tệ nạn xã hội như rất nhiều làng quê khác, nhưng làng quê ấy đã cho tôi một tuổi thơ quý giá.

Con người, cảnh vật thiên nhiên, kỷ niệm tuổi thơ, nhịp sống buồn lặng, cảnh vất vả cơ cực của làng quê là những nét chấm phá thường được lặp lại trong các truyện ngắn của tôi. Đặc biệt, xuất hiện hình bóng con người với những suy tư đau đớn về một kiếp sống cực nhọc, nhiều khi vô vọng. Tôi đau đáu về làng quê của mình, nhưng để làm gì cho nó thì cách duy nhất chỉ là viết về nó. Và tôi không hề né tránh những bi kịch của con người, nếu không muốn nói là thích tái hiện nó.

Nhiều người nói rằng vốn sống là một yếu tố rất quan trọng đối với người cầm bút, vậy đối với một tác giả trẻ lại kém phần may mắn về thể chất như chị thì phải chăng đó còn là một hạn chế?

- Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng vốn sống là yếu tố quan trọng đối với người cầm bút. Nhưng trong văn học, thiết nghĩ cái làm nên giá trị độc đáo lâu dài của tác phẩm chính là tư tưởng, cấu trúc, ngôn ngữ, nghệ thuật biểu hiện của nó, chứ không phải là tư liệu về đời sống.

Nói về vốn sống, tôi không ngại, vì thực ra tôi có khả năng quan sát, thu nhận cuộc sống, kết hợp trực giác với liên tưởng, trực cảm và kinh nghiệm, và tôi đánh giá cao suy nghĩ của người viết trong sự thành công của tác phẩm. Tuy nhiên, tôi cũng gặp một số trở ngại trong việc thâm nhập cuộc sống, nhưng quan trọng là tôi sẽ làm thế nào để vượt qua.



- Thân phận người phụ nữ bất hạnh được đề cập đến nhiều trong các truyện ngắn của tôi. Đó là một ám ảnh, day dứt. Những người phụ nữ, rất quan trọng với cuộc đời và trong sáng tác của tôi. Những người phụ nữ ấy rất thiệt thòi, đau khổ, nhưng rất kiên cường, dũng cảm và đầy tình người, chính người phụ nữ làm nên cái phần mềm mại, nhân hậu của cuộc sống, chính người phụ nữ chịu phần hy sinh cho chồng con và giữ cho mọi người niềm tin vào cuộc sống.

Hình ảnh "hoa trạng nguyên" trở đi trở lại trong một số tác phẩm mang ý nghĩa gì đối với chị?

- Hình ảnh "hoa trạng nguyên" là hình ảnh đẹp đẽ trong tác phẩm của tôi, kể cả thơ và văn xuôi. Đó là một kỷ niệm chói sáng trong tuổi thơ của tôi. Hồi nhỏ tôi hàng ngày chơi với hoa trạng nguyên ở trước sân nhà.

Sau này đối với tôi loài hoa đó trở thành biểu tượng cho khát vọng văn chương, khát vọng tri thức, và sự bất tử của tình yêu con người và niềm tin yêu cuộc sống ("Gom hoa một mình vào phố/ Trải ra ăm ắp lòng đường/ Bỗng gặp khu vườn thơ ấu/ Đỏ thắm màu hoa trạng nguyên/ Văn chương là gì hả mẹ/ Ngả nghiêng những gánh với gồng/ Chỉ còn màu hoa đỏ chói/ Cứ như ngọn lửa đốt lòng/ Mẹ ơi năm tháng ngày xưa/ Có gì đâu, đứa trẻ vừa sinh ra/ Hoa trạng nguyên đỏ trước nhà/ Con nằm  mở mắt trông và ước mơ...).

Sau này trên đường đời dẫu bắt gặp muôn vàn loài hoa kiêu sa, nhưng tình yêu tôi dành cho loài hoa trạng nguyên là tình yêu thuỷ chung không bao giờ thay đổi.

Chị đã thử sức mình ở nhiều thể loại văn học và đạt được những thành công nhất định, vậy đâu là sở trường của chị?

- Tôi đã thử sức mình ở nhiều thể loại văn học. Tôi thấy thơ của tôi đạt được nhiều thành công hơn, nhưng về lâu dài tôi sẽ gắn bó với văn xuôi. Tôi tin văn xuôi chuyển tải, tái hiện được tư tưởng, cuộc sống nhiều nhất, còn thơ ca là những vẻ đẹp an ủi, ngợi ca về cuộc sống con người. Truyện ngắn chính là thể loại mà tôi kỳ vọng.

Nhưng tôi nghĩ ý muốn này nó không cố định mà còn thay đổi theo thời gian nữa, thay đổi theo nhận thức của bản thân người viết, sự đòi hỏi của xã hội và thị hiếu bạn đọc. Dù ở thể loại nào, người cầm bút cũng cần viết ra những điều chân thực nhất để phản ánh xã hội và tái hiện một thời đại mà mình đang sống. 

Xin cảm ơn chị! Chúc chị đạt được nhiều thành công!

Tác phẩm "Mẹ trần gian".

Những thân phận người phụ nữ bất hạnh được đề cập đến nhiều trong tập truyện ngắn này của chị như: người mẹ già trong "Mẹ trần gian", người chị gái trong "Mười hai bến nước đều trong", Xoan trong "Hoa phù dung trên núi", Lê trong "Giá máu"...

* Sinh năm 1979 tại Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hoá.
* Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du.
* Hiện đang công tác tại NXB Văn học.
* Các tác phẩm đã xuất bản: "Ánh sao rơi" (tiểu thuyết), "Mắt đá" (tập thơ), "Phu bòn" (tiểu thuyết), "Liên quan gì đến tôi" (tập thơ)...


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật