Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev: Mỹ muốn ‘cai trị thế giới’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cựu lãnh đạo Gorbachev nhấn mạnh Mỹ muốn “cai trị thế giới“ bất chấp thực tế rằng những nỗ lực tạo ra một thế giới đơn cực là “vô nghĩa“. Mỹ còn ép buộc châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev: Mỹ muốn ‘cai trị thế giới’
Cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev.

Theo Sputnik, trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình RT, nhà lãnh đạo dưới thời Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev đã bày tỏ quan điểm của mình trước các chính sách của Mỹ và tình hình hiện nay trên thế giới.

Ông Gorbachev nhấn mạnh Mỹ có quyền đưa ra những quyết định mang tới lợi ích cho toàn thế giới nhưng nếu Mỹ muốn trở thành nhà lãnh đạo thì đó phải là một quốc gia khác.

"Người Mỹ bỗng dưng bắt đầu đòi quyền lợi cho mình. Và điều cuối cùng là họ muốn tạo ra một siêu đế chế mới. Mỹ muốn làm chủ thế giới", RT dẫn lời cựu lãnh đạo Gorbachev.

Theo ông Gorbachev, Mỹ cần có một đối thủ để quay trở về với chính sách gây sức ép và can thiệp. Ngoài ra, việc NATO đưa quân sang phía đông chỉ là nhằm tiến sát tới các khu vực biên giới nước Nga. Trong khi quan sát tình hình, Nga đôi khi đã có những bước đi không cần thiết. Do đó, cựu Tổng thống nhấn mạnh Nga và Mỹ có thể đàm phán khi hai bên tin tưởng lẫn nhau.

"Chúng tôi từng có niềm tin với nhau. Nhưng người Mỹ đã gây thất vọng. Mọi nỗ lực tạo ra một thế giới đơn cực, phiến diện chỉ là vô nghĩa", ông Gorbachev chia sẻ.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc sau sự kiện bán đảo Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng Ba. Sau hàng loạt cáo buộc Moscow can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine, Mỹ cùng với một số quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga nhằm vào lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và ngân hàng. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định những biện pháp trừng phạt sẽ chỉ phản tác dụng.

Phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ

Theo cựu lãnh đạo người Nga, Đức và các nước thành viên trong khối Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Moscow vì họ phụ thuộc lớn vào Mỹ.

"Thủ tướng Merkel hiện đang ở trong tình thế khó khăn do Đức phụ thuộc lớn vào Mỹ. Tuy nhiên, Đức có thể thỏa thuận với tất cả các nước châu Âu khác", ông Gorbachev nói.

Mỹ và các nước EU áp đặt lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc chiến tại miền đông Ukraine. (Ảnh minh họa)

Ông Gorbachev nhấn mạnh cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã đồng thuận với ông về một thực tế rằng nếu không có Nga sẽ không có trật tự trên thế giới và không thể thỏ‌a mã‌n lợi ích của mỗi nước.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Liên Xô cũ, giả sử Nga hiện diện trong khối EU, Đức sẽ gặp bất lợi bởi cả Moscow và Berlin đều có vai trò vô cùng quan trọng trong EU.

Theo sự chỉ đạo của Mỹ, các nước EU bao gồm cả Đức đã áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận với Nga. Song, những hành động của chính phủ Đức đối với Nga đã vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức, doanh nhân và dư luận nước này. Hồi cuối tháng 11, bà Merkel đã phải ra tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ khi cuộc khủng hoảng Ukraine được giải quyết.

OSCE không "vô dụng"

Theo ông Gorbachev, mặc dù Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không phải là một cơ quan "vô dụng" nhưng họ đã thất bại trong việc thực thi các chức năng kiểm soát an ninh mà họ đã đặt ra.

"Tôi sẽ không nói rằng OSCE vô dụng bởi gần đây, các quan sát viên OSCE đã "hoạt động tích cực" tại Ukraine. Song, khi thành lập OSCE, chúng tôi (Liên Xô cũ) cùng Mỹ và châu Âu đã thảo luận về một dạng an ninh khác áp dụng từ Brest (thành phố của Pháp) tới Vancouver (thành phố của Canada)", ông Gorbachev nói.

Các quan sát viên OSCE tham gia sứ mệnh điều tra các ngôi mộ tập thể tại thị trấn Nizhnaya Krinka, miền đông Ukraine.

Ông Gorbachev cho biết OSCE đã được trao những quyền lực đáng kể "do đó cơ quan này có thể ngăn chặn bất cứ ai và can thiệp vào mọi tình huống đang có xu hướng trở nên nguy hiểm".

Cựu Tổng thống Liên Xô cũ nhấn mạnh đối với những khu vực đang sở hữu vũ khí hạt nhân, trách nhiệm và kiểm soát của cộng đồng quốc tế lại càng được chú trọng.

"Chúng ta cần xây dựng một châu Âu thống nhất, một Ngôi nhà chung châu Âu. Dù chúng ta hiện đang sống trong Ngôi nhà chung châu Âu nhưng chúng ta lại chế nhạo nó", ông Gorbachev chia sẻ.

Ra đời trong Hội thảo An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) vào năm 1973, OSCE là tổ chức liên chính phủ định hướng an ninh lớn nhất trên thế giới. Tổ chức này quan tâm tới rất nhiều vấn đề như kiểm soát vũ khí, các hoạt động chống khủ‌ng b‌ố và bảo vệ nhân quyền.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật