Trung Quốc: Vợ chồng trẻ thích sinh con gái

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong vòng 35 năm trở lại đây, chính sách một con của nước này đã khiến hình ảnh các bé gái ngày càng ít đi. Bây giờ đến lúc các cặp vợ chồng trẻ cần thay đổi nhận thức.
Trung Quốc: Vợ chồng trẻ thích sinh con gái
Ảnh minh họa

Đây là một cuộc cách mạng về văn hóa. Tại các TP lớn của Trung Quốc, các cặp vợ chồng trí thức trẻ mơ ước sinh con gái hơn là có con trai một. Họ có lý do chính đáng riêng của họ.

Cha tôi không thể hiểu nổi vì sao tôi hãnh diện khi có con gái

Bắc Kinh, 18 giờ, bước ra khỏi toa tàu điện ngầm, cô bé Angi, năm tuổi, lẽo đẽo bước theo cha và khoe những bức tranh mà bé cầm trên tay. Angi vừa tan lớp học vẽ và trên đường về nhà. Cha mẹ đến đón con nhưng Angi chỉ nũng nịu đòi cha. Anh Ren Jun ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để, trước sự chứng kiến của đám đông nhưng anh rất vui sướng: “Tối thứ Ba thế là thế đấy. Cháu muốn khoe cho tôi bức tranh mà cháu vừa vẽ được trong lớp. Rồi về nhà là đeo theo tôi để kể chuyện học ở trường. Hai vợ chồng tôi sẽ ghi chép lại tất cả những gì bé kể để làm cho cháu một quyển nhật ký, để lưu lại tuổi thơ cho cháu đọc khi nó lớn”.

Còn bà mẹ Wang Xing Na, một giáo viên dạy toán, thì tươi cười nói: “Ông xã tôi thuộc lớp thế hệ mới, anh ấy chỉ thích có con gái. Và ngày càng có nhiều vợ chồng trẻ trong nhiều TP lớn muốn như vậy”.

Vài phút sau, phóng viên báo Marie Claire bước vào căn nhà mà họ đang ở, nằm trên tầng sáu, không thang máy, không khang trang lắm nhưng có cái lợi là nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực vành đai của thủ đô Bắc Kinh. Vừa mới bước qua bậc thềm nhà, phóng viên đã được hai ông bà trên dưới 60 tuổi bước ra chào khách. Anh Ren giới thiệu và tâm sự một cách cởi mở: “Đây là cha mẹ tôi, ông bà nghỉ hưu rồi về đây sống với hai vợ chồng chúng tôi luôn. Ông cụ là cựu quân nhân, rất nghiêm khắc. Lúc nhỏ tôi rất thường hay bị đánh đòn nhưng giờ thì ông cụ cũng không hiểu tại sao tôi lại thích có con gái. Tôi có ba bà chị lớn, tôi thích tính tình dịu dàng và tế nhị của họ nên tôi rất hạnh phúc khi vợ tôi sinh con gái. Hiện nay con gái ngày càng trở nên hiếm và suy nghĩ của công chúng đã dần thay đổi, ở thành thị cũng như tại nông thôn. Tôi đưa cháu về thăm quê là bà con mừng lắm, cứ giành giật nhau để nựng con bé suốt ngày”.

Việc thiếu phụ nữ khiến phụ nữ ngày càng được trọng vọng hơn và nhiều gia đình trẻ có học thức hiện nay tại Trung Quốc chỉ muốn sinh con gái.

Năm 2020, Trung Quốc sẽ có 35 triệu đàn ông độc thân

Trong vòng 35 năm trở lại đây, chính sách một con của nước này đã khiến hình ảnh các bé gái ngày càng ít đi. Và nếu như việc nhà nước cấm đưa thông tin về giới tính của thai nhi khi thai phụ đi siêu âm thì các nhân viên y tế cũng đã có những “chiêu” riêng bằng các động tác hình thể để ngầm báo cho các ông bố bà mẹ tương lai, ví dụ như họ nhăn mặt, nhíu mày hay dùng dấu phẩy thay cho dấu chấm phẩy khi viết kết quả siêu âm, v.v…

Hiện nay theo ước tính, Trung Quốc đang “bị thiếu hụt” khoảng 30 triệu phụ nữ! Và từ đây đến năm 2020, nước này sẽ có 35 triệu đàn ông “cô đơn”! Việc “phá thai có chọn lọc” sau khi có kết quả siêu âm đã khiến “thảm họa dân số” này trở nên trầm trọng.

Ông bố về hưu của anh Ren, muốn giấu tên, lập luận: “Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn bị xem nhẹ, thậm chí bị loại thải, con trai thì quan trọng hơn con gái nhiều, nó là niềm vinh dự của gia đình, nó lo phụng dưỡng cha mẹ già, là người thừa kế gia sản, nó lo ma chay giỗ chạp trong gia đình nữa. Hai vợ chồng già tui đang sống với thằng con trai này nè”. Thế nhưng cô con dâu Wang Xing Na tế nhị bày tỏ với cha chồng: “Nhưng bây giờ người ta nghĩ khác xưa rồi bố ạ. Lo cho bố mẹ già thì phụ nữ tụi con cũng làm vậy. Tụi còn cũng là con một mà”.

Truyền thống bị phá vỡ

Trung Quốc là một đất nước tương phản, nơi có hơn một triệu người giàu nứt vách mà cũng có gần 99 triệu người một ngày kiếm không ra được 1 euro. Thế nên Trung Quốc đang tìm kiếm lại chính mình và phải đổi thay từng ngày. Trong khi tăng trưởng đôi khi ì ạch, giá bất động sản không ngừng tăng thì lại không có các chính sách xã hội và hệ thống chăm sóc người hưu trí thỏa đáng. Thế mà việc có con trai để nối dõi đã ăn sâu vào nếp nghĩ lâu đời của người dân nên bắt buộc các bậc cha mẹ phải làm sao để mua cho cậu ấm của mình một căn nhà khi nó cưới vợ. Một điều tra của chính phủ Trung Quốc năm 2013 trên 15.000 người dân Thượng Hải cho thấy 12% người được hỏi muốn có con trai, 16% muốn có con gái và đa số khách thì không có ý kiến.

Lý do để thích có con gái hơn nói chung là vì giá sinh hoạt tăng và đặc biệt là giá nhà đất đắt đỏ. Anh Ding Libo, đang có một con gái ba tuổi, giải thích: “Năm nay tôi 40 tuổi và thuộc thế hệ chuyển tiếp. Tôi hạnh phúc khi đón cha mẹ về hưu về sống với mình, trong căn nhà mà hai ông bà đã mua cho tôi nhưng tôi không muốn rằng sau này mình trở thành gánh nặng cho con gái mình. Hai vợ chồng tôi đã quyết định phá vỡ truyền thống, cốt sao cho con gái chúng tôi được hạnh phúc nhất có thể. Chúng tôi có bảo hiểm hưu trí, chúng tôi mở một tài khoản tiết kiệm để cho con tôi sau này được học hành đàng hoàng và một tài khoản khác để sau này có thể mua nhà riêng cho nó”.

Chị Qi Cong, vợ anh, vừa ngồi lắng nghe chồng nói một cách trìu mến vừa chơi đùa với cô con gái nhỏ. Đoạn, anh Ding đứng dậy đi đâu đó sau nhà, chị vợ bỏ nhỏ vào tai chúng tôi: “Có được con gái là tôi mừng lắm, vì chính nó mới giữ được chồng tôi ở nhà. Trước đây anh ấy đi làm và đi công tác suốt, tôi buồn lắm, giờ thì ảnh cứ xong việc là chạy ù về nhà lo cho con gái. Anh ấy lo cho con từng ly nước một và khi có bạn đến chơi nhà, hễ có ai khen con nhỏ xinh và ngoan là anh ấy nở mũi ngay”.

Anh Chu Xiao có cô con gái bảy tuổi, kể lại chuyện xưa: “Hồi vợ tôi có bầu, tối nào tôi cũng lấy chiếc đũa thần ra khấn vái: “Mẹ hãy sinh con gái cho bố nhé!”. Vợ tôi cho là tôi làm chuyện tầm phào nên bẻ gãy chiếc đũa đó. Nói đến đây anh phá cười lên như trêu vợ. Rồi bé Qiao dẫn chúng tôi đi xem căn phòng mơ ước của cô bé: trên tường dán đầy các bức ảnh của bé trong nhiều kiểu trang phục khác nhau đầy màu sắc trẻ thơ, rồi bé mơ mộng: “Con đẹp lắm đó. Sau này lớn lên con muốn làm cô giáo”...

Thiếu phụ nữ khiến phụ nữ có giá hơn

GS Wang Xin, chuyên gia xã hội học tại ĐH Shandong, khẳng định: “Từ khi Trung Quốc trở thành một trong những xưởng sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới và khi mà công nghiệp bảo đảm thu nhập tốt hơn là làm nông thì phụ nữ lại có vị trí quan trọng chẳng kém gì đàn ông. Việc này thấy rõ hơn ở khu vực TP, nơi mà cả nam lẫn nữ đều cùng chung hoàn cảnh như nhau. Những nguyên tắc cổ hủ của nông thôn đã phá sản. Việc thiếu phụ nữ khiến phụ nữ ngày càng được trọng vọng hơn. Thời thế nay đã thay đổi”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật