Giá dầu giảm còn 66 đô-la/thùng, đâu là điểm dừng?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, giảm đến 10% trong ngày hôm qua trên thị trường Mỹ, xuống còn 66,15 đô-la Mỹ/thùng. Hôm thứ Năm giá dầu cũng đã giảm 6,7% xuống còn 72,58 đô-la Mỹ/thùng.
Giá dầu giảm còn 66 đô-la/thùng, đâu là điểm dừng?
Ảnh minh họa

Giá dầu giảm mạnh trong hai ngày qua là hệ quả trực tiếp khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định duy trì mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày. OPEC quyết không nhường thị phần cho các nước sản xuất dầu cạnh tranh cho thấy một cuộc chiến tranh giá dầu đã bắt đầu mà chưa biết đến lúc nào sẽ dừng lại.

Tại hội nghị thường niên hôm qua ở Vienna, Áo, 12 nước thành viên OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng bất chấp giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua và lời kêu gọi của một số thành viên muốn giảm sản lượng để chặn đứng đà giảm giá này. “Chúng tôi sẽ sản xuất 30 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng tới và chúng tôi sẽ theo dõi xem thị trường phản ứng như thế nào”, Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri nói với báo chí sau khi kết thúc hội nghị.

Trong tháng 11, OPEC sản xuất mỗi ngày 30,56 triệu thùng dầu, vượt quá tổng sản lượng tối đa được quy định là 30 triệu thùng/ngày.

Tuy OPEC không tăng sản lượng nhiều trong suốt 34 tháng qua, song nguồn cung dầu thế giới lại tăng mạnh nhờ sự gia tăng sản lượng dầu sản xuất từ đá phiến (shale oil) của Mỹ. Theo Bloomberg, sản lượng dầu của Mỹ đang khiến nguồn cung dầu thế giới bị thặng dư khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày – và đây là lý do chính khiến giá dầu tụt giảm mạnh.

Mỹ từng là nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất từ OPEC. Hiện Mỹ vẫn còn là nước “nhập khẩu ròng” về dầu mỏ song theo The New York Times, sản lượng dầu mỏ nội địa của Mỹ đã tăng tới 70% trong sáu năm qua, hiện ở mức 9 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 1983, và mỗi năm lại tăng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Nhờ sản lượng dầu nội địa tăng, Mỹ đã giảm nhập khẩu và bớt phụ thuộc vào nguồn dầu khí nước ngoài. Năm ngoái lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đã giảm hơn một nửa so với trước. Điều đó buộc OPEC phải tìm cách thay thế thị trường Mỹ bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á, dẫn tới những rạn nứt trong nội bộ của tổ chức này.

Sau quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC, giá dầu giảm mạnh trong hai ngày qua so với mức giá đỉnh trong năm nay là 115,71 đô la Mỹ/thùng đạt được hồi tháng 6-2014. Giá dầu giảm mạnh kéo theo giá cổ phiếu các tập đoàn dầu khí. Trong phiên giao dịch cuối tuần hôm nay tại sàn chứng khoán New York, giá cổ phiếu của Exxon Mobil Corp. và Chevron Corp. đều giảm hơn 4%.

Quyết định không giảm sản lượng của OPEC được các nhà quan sát coi như dấu hiệu cho thấy vai trò thống trị thị trường dầu mỏ đã không còn thuộc về OPEC nữa. “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới về giá dầu, nguồn cung dầu sẽ do chính thị trường quyết định chứ không phụ thuộc vào Arab Saudi hay OPEC nữa. Thị trường sẽ thay đổi trong nhiều năm sắp tới”, Mike Wittner, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí của Ngân hàng Societe Generale nhận xét.

Quyết định giữ nguyên sản lượng, OPEC muốn sử dụng biện pháp đẩy giá dầu giảm sâu để loại khỏi thị trường các nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ - một công nghệ khai thác dầu mới có giá thành cao hơn so với cách khai thác dầu truyền thống ở các nước OPEC – và gây khó khăn cho những tập đoàn dầu khí tư nhân chuyên khai thác dầu khí ngoài biển sâu.

Chi phí sản xuất bình quân trong khối OPEC là 30 đô la Mỹ/thùng dầu, trong khi đối với khai thác dầu đá phiến và các mỏ dầu ngoài khơi giá dầu phải đạt 80 đô la/thùng trở lên mới có lãi. OPEC hy vọng kéo dài tình trạng giá dầu giảm sẽ “nghiền nát” ngành dầu khí của Mỹ, buộc các đối thủ này phải rời bỏ cuộc chơi, trả lại thị phần cho OPEC.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục tiêu đó của OPEC không phải dễ đạt được. Trước mắt giá dầu giảm giúp người tiêu dùng Mỹ giảm chi phí đổ xăng (hiện giá xăng ô tô ở Mỹ là 2,79 đô la/gallon, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái), từ đó làm tăng sức mua, giảm lạm phát, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và củng cố niềm tin tiêu dùng của người dân.

Mặt trái của vấn đề là giá dầu giảm đang gây khó khăn cho nhiều quốc gia, cả trong và ngoài OPEC, đang dựa nhiều vào nguồn tiền sinh ra từ dầu mỏ. Theo tính toán của Bloomberg, giá dầu hiện ở dưới mức mà 9 trong 12 nước thành viên OPEC cần để cân bằng ngân sách quốc gia, và nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu, một số nước sẽ lâm vào tình trạng khốn khó.

Ở Venezuela chẳng hạn, thu nhậptừ dầu mỏ đã giảm 35%, theo lời của Tổng thống Nicolas Maduro nói trên truyền hình hôm 19-11. Nigeria thì vừa tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm qua và phá giá đồng bạc trong lúc chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu công 6% trong năm tới, theo Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala. Bên ngoài OPEC, kinh tế Nga cũng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đô la trong năm nay do giá dầu giảm.

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, giá dầu sẽ còn giảm tiếp cho đến khi nào mức giá thấp buộc các nhà sản xuất dầu của Mỹ phải giảm sản lượng. Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA cho rằng, mức “đáy” của giá dầu là 42 đô la Mỹ/thùng, song nhiều nhà phân tích chưa đồng ý như vậy. Chỉ có một điều chắc chắn rằng trật tự của thị trường dầu mỏ đã thay đổi, quyền chi phối thị trường không còn phụ thuộc chủ yếu vào các nước sản xuất dầu kiểu truyền thống OPEC nữa mà thuộc về người nắm được công nghệ mới, tiên tiến hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật