Ấn Độ ngăn Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở Nam Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ấn Độ từ chối lời đề nghị của một số quốc gia thành viên Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) về việc cho phép Trung Quốc và một số nước quan sát viên khác có vai trò lớn hơn trong hiệp hội.
Ấn Độ ngăn Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở Nam Á
Thủ tướng Ấn Độ Modi trong cuộc họp của SAARC hôm qua. Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra giữa lúc Bắc Kinh và một số đồng minh gia tăng áp lực tìm kiếm vai trò là một đối tác đối thoại hoặc một thành viên đầy đủ nhằm tạo ảnh hưởng nhiều hơn trong hiệp hội gồm tám quốc gia Nam Á.

SAARC hiện có 8 thành viên đầy đủ và 9 quan sát viên gồm: Australia, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanma và Mỹ. Tuy nhiên, các quan sát viên không được tham gia vào các cuộc thảo luận của SAARC, mà chỉ được phép tham dự lễ khai mạc và bế mạc của hội nghị, theo Hindustan Times.

Phái đoàn Pakistan đang thúc đẩy vai trò mạnh mẽ hơn cho các quan sát viên, đặc biệt là Trung Quốc, tại cuộc họp các nước thành viên SAARC gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives và Afghanistan diễn ra trong hai ngày 26-27/11 tại Nepal, theo Huanqiu.

"Theo quan điểm của Ấn Độ, chúng ta đầu tiên cần phải tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên Nam Á, vai trò của nước quan sát viên nên đặt hàng thứ yếu. Chỉ khi các nước thành viên Nam Á hợp tác chặt chẽ hơn, mới cần đến vai trò của nước quan sát", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.

Đưa tin về cuộc họp này, nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ bày tỏ quan ngại về nguy cơ Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Theo India Express, các nước như Afghanistan, Nepal, Sri Lanka và Maldives đều nhờ Ấn Độ trợ giúp mỗi khi có "bất đồng nội bộ" và lo ngại vai trò lớn hơn của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Ấn Độ ở khu vực này.

Trung Quốc đang ồ ạt tăng cường sự hiện diện ở khu vực Nam Á bằng cách hỗ trợ xây dựng một loạt cảng, nhà máy điện và cung cấp vũ khí. Nước này không ngừng mở rộng hợp tác với Sri Lanka, Maldives và các quốc gia khác, nhằm thực hiện hóa chiến lược Con đường Tơ lụa mới, khiến Ấn Độ cảm thấy lo ngại.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước gồm Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan hồi đầu tháng Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường Tơ lụa để phát triển hạ tầng, nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Con đường Tơ lụa được xem như là đối trọng với chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Thủ tướng Ấn Độ Modi lần đầu tham gia hội nghị SAARC kể từ khi nhậm chức. Ngay trong ngày họp đầu tiên, ông tuyên bố chính sách "visa kinh doanh 3-5 năm ở Ấn Độ" đối với công dân các nước thành viên Nam Á, giúp "các nước Nam Á từng bước sát lại gần nhau".

"Tôi tin tưởng rằng cùng nhau, chúng ta có thể thắp sáng mọi ngọn đèn đêm ở tất cả các thị trấn, làng mạc Nam Á, tạo dựng một tương lai tương sáng cho khu vực Nam Á", ông Modi nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật