Trung tâm tác quyền than khó trong việc bảo hộ quyền tác giả

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho rằng, kẽ hở pháp lý và sự nhận thức không đầy đủ của các tác giả gây khó khăn cho họ trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tác quyền.
Trung tâm tác quyền than khó trong việc bảo hộ quyền tác giả
Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo "Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc" diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, do Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức.

Cục phó Phạm Thị Kim Oanh cho biết Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan từ rất sớm, như hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước Mỹ, Thụy Sĩ... về thiết lập quan hệ quyền tác giả. Việt Nam cũng tham gia vào các công ước quốc tế như Công ước Berne (2004), Công ước Rome (2007), Công ước Geneva (2005), Công ước Brussels (2006), Hiệp định Trips (2007). Tuy nhiên việc thực thi các điều ước ấy tại Việt Nam vẫn chưa triệt để.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - cho biết, dù vấn đề bảo hộ quyền tác giả được quan tâm trong thời gian qua, cơ sở pháp lý cho nó vẫn chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, nhận thức chung của các tác giả, cộng đồng chưa đúng đắn dẫn đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn.

Theo nhạc sĩ, những kẽ hở trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực thi luật pháp về quyền tác giả gây khó cho việc bảo hộ người sáng tác. Ông đưa ra dẫn chứng, trong Thông tư liên tịch hướng dẫn việc chi trả chế độ nhuận bút với một số loại tác phẩm quy định: "Việc sử dụng tác phẩm đã công bố phổ biến để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân ở biên giới, hải đảo... không nhằm mục đích kinh doanh, không bán vé thu tiền... thì không phải trả nhuận bút". Ông Phương cho rằng, điều này đã khiến nhiều đơn vị lợi dụng để né tránh thực thi luật. Ngoài ra, việc các chương trình phục vụ chính trị vẫn trả thù lao cho ca sĩ, diễn viên, người làm âm thanh ánh sáng... mà không trả thù lao cho nhạc sĩ là không phù hợp.

Một khó khăn khác mà VCPMC vấp phải trong quá trình hoạt động đến từ nhận thức của chính tác giả được bảo hộ. Hiện có 3.000 nhạc sĩ ủy quyền cho trung tâm. Nhiều nhạc sĩ đã ký kết, nhưng khi có chương trình diễn ra, họ tới trực tiếp nhận tiền tác quyền từ đơn vị tổ chức chương trình mà quên đi bản hợp đồng với VCPMC.

Một đại diện phụ trách mảng nhạc chuông nhạc chờ của Vinaphone chia sẻ với ý kiến này của Giám đốc VCPMC. Theo vị này, đơn vị của chị gặp khó khăn trong việc chi trả vì không biết tác giả nào đã ủy quyền cho đơn vị nào bảo hộ, hay cá nhân tự nhận trực tiếp thù lao tác quyền.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hà Nội - lại cho rằng, các chế tài chưa đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm luật Sở hữu trí tuệ trong âm nhạc. "Hiện tại, tôi thấy luật của chúng ta đã đầy đủ, cơ sở pháp lý cũng có, nhưng chế tài với việc vi phạm lại rất nhẹ và lơ mơ. Ý thức của mọi người phải xuất phát từ chế tài" - nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật