Học giả Ấn Độ: Hải quân Việt Nam đã tiến ra biển lớn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hải quân Việt Nam từ một lực lượng nhỏ tuần tra ven biển với năng lực hạn chế trong những năm 1980 đã hiện đại hóa và phát triển, tiến ra biển lớn, đủ năng lực chiến đấu.
Học giả Ấn Độ: Hải quân Việt Nam đã tiến ra biển lớn
Hai biên đội tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam.

Theo nhận xét của ông Abhijit Singh, chuyên gia viện nghiên cứu phân tích quốc phòng Ấn Độ với tạp chí World Politics Review (Mỹ).

Trả lời phỏng vấn qua email với tạp chí WPR ngày 19.11, ông Abhijit Singh nhận xét rằng hải quân Việt Nam từ một lực lượng nhỏ chỉ tuần tra ven bờ vào những năm 1980 đã phát triển và hiện đại hóa để trở thành lực lượng hải quân tiến ra biển lớn, có tính chiến đấu cao. Hơn một thập kỷ trước, hải quân Việt Nam chủ yếu trang bị các tàu thuyền nhỏ và vũ khí có từ thời Liên Xô cũ; nay hải quân Việt Nam đã được nâng cấp thành một lực lượng hiện đại, dù sức chiến đấu vẫn còn nhỏ gọn.

Hải quân Việt Nam hiện nay bao gồm các tàu hộ tống, tàu tuần tra, tàu tên lửa, máy bay tuần tra biển và thậm chí có cả tàu ngầm. Từ chỗ khó bảo vệ hiệu quả lãnh thổ hàng hải của mình trong nhiều thập niên, những cải tiến gần đây trong năng lực hoạt động của hải quân Việt Nam đã mở rộng khả năng bảo vệ vùng biển của đất nước.

Khi được hỏi về lợi ích hàng hải và khả năng bảo vệ biển đảo của hải quân Việt Nam, học giả Singh nói rằng lợi ích hàng hải của Việt Nam nằm trong việc bảo vệ chủ quyền hàng hải ở Biển Đông, bao gồm tuần tra vùng đặc quyền kinh tế chính đáng của mình và duy trì chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, dù Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Thách thức chính của của Việt Nam là đối phó với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Và mặc dù còn kém hơn so với hải quân Trung Quốc, nhưng hải quân Việt Nam đã cải thiện hiệu quả năng lực trong việc bảo vệ lợi ích hàng hải của mình.

Ngoài 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên là HQ 011 Đinh Tiên Hoàng và HQ 012 Lý Thái Tổ, Việt Nam đang đặt Nga đóng thêm 2 chiếc Gepard 3.9 khác có chức năng chống ngầm - Ảnh: Mai Thanh Hải

Về những bước tiến chiến lược trong việc nâng cấp và hiện đại hóa hải quân, học giả Singh cho hay chiến lược quan trọng của Việt Nam là xây dựng lực lượng hải quân của mình thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và mua sắm khí tài hiện đại. Đối tác chiến lược chủ yếu của Việt Nam là Nga và Ấn Độ. Nga đã cung cấp cho Việt Nam 2 tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 trong năm 2011, và gần đây là giao 2 tàu ngầm di‌esel - điện lớp Kilo 636 trong hợp đồng đóng 6 chiếc. Hai tàu ngầm này đã bắt đầu triển khai hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Nga cũng đã ký hợp đồng cung cấp 12 tiêm kích chiến đấu đa chức năng Su-30 MK-2 để hỗ trợ trên không cho hạm đội hải quân Việt Nam.

Trong khi đó Ấn Độ, một đối tác chiến lược khác của Việt Nam, đã cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam hạn mức tín dụng 100 triệu USD mua sắm các tàu tuần tra. Ngoài Ấn Độ và Nga, Việt Nam còn ký hợp đồng với Hà Lan đóng 4 tàu hộ tống hiện đại lớp Sigma, và mua ba thủy phi cơ tuần biển Twin Otter của Canada.

Tàu tên lửa lớp Molnya do Việt Nam đóng theo giấy phép của Nga - Ảnh: Đàm Duy Khánh

Tàu ngầm lớp Kilo tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Mai Thanh Hải

Ông Singh cũng nhắc lại rằng Ấn Độ ngoài việc từng cung cấp các thiết bị phụ tùng cho các tàu chiến lớp Petya và tàu tên lửa loại OSA-II cũ thời Liên Xô, còn là đối tác huấn luyện đào tạo chính cho hải quân Việt Nam. Hải quân Ấn Độ đã bắt đầu huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng như kỹ năng tác chiến dưới lòng biển ở trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana ở thành phố Visakhapatnam.

Với kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm lớp Kilo từ giữa thập niên 1980, sự hỗ trợ của Ấn Độ với Việt Nam là đáng giá, không chỉ ở chương trình huấn luyện tàu ngầm mà còn cả huấn luyện bay chiến đấu cơ Su-30 cũng như đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin cho sĩ quan Việt Nam.

Thủy phi cơ tuần tra biển Twin Otter bay huấn luyện ở vịnh Hạ Long - Ảnh: Duy Khánh

Với việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam có thêm cơ hội mua máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion để tăng khả năng giám sát và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật