Trăn trở với đóng góp của doanh nghiệp FDI

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vai trò của FDI với nền kinh tế là không thể phủ nhận, đặc biệt trong những năm vừa qua, khu vực này đang trở thành động lực chính của tăng trưởng, XK... Thế nhưng đằng sau “tấm huy chương” ấy vẫn ẩn chứa một số vấn đề đáng lưu tâm.
Trăn trở với đóng góp của doanh nghiệp FDI
Ảnh minh họa

Xuất khẩu nhiều, nhập khẩu lớn

Những năm qua, Samsung - “ngôi sao” FDI đã có công lớn vào thành tích XK của Việt Nam. Nhưng đằng sau “hào quang” đó của Samsung lại là câu chuyện khác. Theo số liệu của Cục Hải quan Bắc Ninh, năm 2013 Samsung Bắc Ninh XK với thành tích ấn tượng 22,7 tỉ USD thì NK cũng lên tới 17,2 tỉ USD. Còn từ đầu năm 2014 đến tháng 9-2014, Samsung XK 15 tỉ USD song lại NK tới 15,9 tỉ USD, tức nhập siêu 900 triệu USD.

Một đại gia công nghệ khác là Nokia Bắc Ninh cũng có vấn đề tương tự trong kim ngạch XNK. Năm 2013, Nokia XK 209 triệu USD, song cũng rơi vào tình trạng nhập siêu khi NK lên tới 262 triệu USD. Còn trong khoảng 9 tháng năm 2014, Nokia đã có thành tích XK gấp gần 3 lần con số của năm trước, đạt 778 triệu USD nhưng lại tiếp tục nhập siêu với kim ngạch NK lên tới 938 triệu USD.

Theo nghiên cứu vừa được nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách thực hiện theo “đặt hàng” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặc dù XK của khu vực FDI gia tăng, nhưng đi kèm là NK các yếu tố sản xuất cũng gia tăng nhanh, phản ánh thực trạng các DN FDI chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, chỉ tạo giá trị gia tăng thấp cho kinh tế nội địa, không đóng góp tích cực đến cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ và quản trị quốc gia mà đang khai thác lao động và tài nguyên.

Còn nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm, Bùi Trinh của Tổng cục Thống kê nhận định: Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhập siêu không hẳn là không tốt nếu các hàng hóa NK là để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa NK lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI. Hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, nhưng sau đó lại được XK. Những mặt hàng XK như điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện… lại mang tính lắp ráp, gia công, có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng không nhiều.

“Thêm vào đó, xu hướng NK và XK của khu vực FDI cũng ngày càng “lấn lướt”, dần dần chiếm lĩnh thị phần của khu vực kinh tế trong nước. Khu vực kinh tế trong nước phải “nhường” 24,9% thị phần cho khu vực FDI trong giai đoạn 2000-2012. Qua đây có thể thấy rằng, khi độ mở nền kinh tế lớn nhưng thị phần NK và XK lại do khu vực FDI chiếm lĩnh, thì Việt Nam ngày càng trở thành địa điểm cho thuê cơ sở sản xuất và nhân công rẻ. Nếu xu hướng này càng tiếp diễn, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ dần dần yếu đi” - nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm, Bùi Trinh cảnh báo.

Chưa thực sự thúc đẩy phát triển công nghệ cao

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2000-2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Do tăng trưởng nhanh hơn các khu vực kinh tế khác nên khu vực FDI đóng góp tỷ trọng ngày càng cao vào GDP. Năm 1995 tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực FDI chỉ đạt 6,3%, tăng lên 15,2% năm 2000 và 19,6% năm 2013.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách, mặc dù khu vực FDI đóng góp đáng kể vào GDP nhưng đang dần có tác động thiếu tích cực đến tổng thu nhập quốc gia – GNI bởi sự gia tăng nhanh chóng và quy mô lớn phần lợi nhuận chuyển về nước của DN FDI. Bên cạnh đó, hành vi chuyển giá và trốn thuế của khu vực này đang dần trở nên phổ biến. Bên cạnh đó,  có DN FDI lợi dụng sự ưu đãi khi kiếm đủ rồi bỏ đi hoặc phía Việt Nam được hưởng rất ít từ những DN này.

Trên thực tế, dẫn nguồn số liệu từ Bộ Tài chính, Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách nhận định: Từ năm 2010 tỷ lệ thu từ khu vực FDI nhỏ nhất trong 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI) trong khi tỷ trọng XK của khu vực này ngày càng lấn lướt khu vực trong nước. Mặt khác, kỳ vọng rất lớn của Việt Nam là các DN FDI sẽ góp phần tích cực nhất vào việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý DN của Việt Nam. Đồng thời với kỳ vọng phát triển nhanh chóng các ngành có công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên các kỳ vọng trên hầu như còn khá lâu mới đạt mục tiêu.

Theo nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm, Bùi Trinh, nếu tiếp tục duy trì cấu trúc như hiện nay, khu vực FDI không làm lan tỏa được về công nghệ, lan tỏa đến sản xuất các sản phẩm phụ trợ của khu vực kinh tế trong nước và thu hút lao động không chỉ là lao động phổ thông (nhân công giá rẻ) thì Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ bước vào “bẫy” giai đoạn thấp của chuỗi giá trị toàn cầu và khó có thể đạt trình độ công nghệ ở mức cao.

Tại sao khu vực FDI không có tác động lan tỏa về công nghệ với DN trong nước? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Một phần những chính sách của Việt Nam luôn dành ưu đãi quá nhiều cho FDI hơn DN trong nước. Khi không cùng trên một sân chơi bằng phẳng, những DN có ưu đãi sẽ chơi với nhau, đó là tất yếu. Cho nên ngay cả khu vực FDI cũng cần được đặt trong một sân chơi bình đẳng hơn thì mới khuyến khích họ chuyển giao công nghệ cho DN trong nước được.

Cần thay đổi cơ cấu sản xuất của FDI

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách, muốn gia tăng đóng góp của khu vực FDI đến cải thiện cán cân thương mại, bắt buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất của khu vực này. Theo đó, thay vì chỉ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ để gia công thì cần đầu tư vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam, và đi kèm với nó là phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ cho quá trình đầu tư trên. Với xu thế chung hiện nay của các tập đoàn đa quốc gia là chuyển dịch đầu tư về Việt Nam, thì đây chính là cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nhằm tận dụng thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và vươn lên giai đoạn cao hơn trong chuỗi gia tăng giá trị, nâng cao được công nghệ và năng lực sản xuất quốc gia.

Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách khuyến nghị: “Để tận dụng cơ hội lớn này, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ DN FDI đến DN trong nước, thì điểm mấu chốt là phải xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu hiện nay của khu vực FDI - khu vực đang xuất siêu. Nhưng nếu tiếp tục gia tăng FDI mà vẫn giữ nguyên cơ cấu vốn và cấu trúc sản xuất như hiện nay thì có thể quy mô xuất siêu của khu vực này sẽ giảm dần và gia tăng đóng góp vào thâm hụt thương mại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật