Lợi ích của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối tháng 9 vừa qua, chủ đầu tư là Tổng Công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức thông xe, khai thác toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Lợi ích của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Khi "đường lớn đã mở", cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng mở ra, tạo đà chuyển dịch kinh tế, đánh thức tiềm lực cho các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc còn nghèo khó "đi tới tương lai" một cách êm thuận...

Quy mô lớn

Ðường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa sáu nước tiểu vùng sông Mê Công, gồm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, Mi-an-ma và Trung Quốc. Theo Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh, đây là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất ở nước ta, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tổng chiều dài 264 km, đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Hiện cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang giữ kỷ lục về suất đầu tư hiệu quả nhất, với tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư của dự án chỉ gần sáu triệu USD/km đường cao tốc, thuộc loại thấp nhất hiện nay.

Phát biểu tại lễ thông xe ngày 21-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, đây là đường cao tốc dài nhất, hiện đại nhất của Việt Nam. Con đường này không chỉ đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh đi qua, mà còn có ý nghĩa với cả vùng Tây Bắc và cả nước, cũng như thúc đẩy sự hợp tác phát triển các nước trong khu vực. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng với các tỉnh Tây Bắc rà soát, kết nối các dự án giao thông, phát huy hiệu quả cao nhất đường cao tốc và cập nhật quy hoạch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương, cả về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Có thể nói, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác là bước đột phá của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với bảy tiếng như trước đây, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của các địa phương khu vực Tây Bắc, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên quốc lộ 2, 2b, 32C, 4E và 70, kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch và rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang hơn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện tại. Nắm bắt được những tác động mạnh mẽ của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mang lại sau khi đưa vào khai thác, tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy hoạch chi tiết kết nối đường cao tốc với các khu công nghiệp, thương mại, trung tâm du lịch trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh khẳng định: Tuyến đường hoàn thành là niềm mong mỏi từ rất lâu đối với nhân dân trong vùng, giúp các địa phương thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương quốc tế, tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa, khoáng sản các tỉnh trong khu vực tiếp cận thị trường. Bao năm nay, Lào Cai vẫn được xem là tỉnh biên giới xa xôi, nhưng giờ đây, có thể đi về giữa Hà Nội - Lào Cai trong ngày, rất thuận tiện. Khi giao thông thuận lợi, chắc chắn kinh tế sẽ khởi sắc. Ngay từ khi tuyến đường chưa khai thác toàn tuyến, khách đến khu du lịch Sa Pa đã tăng mạnh và nhiều nhà đầu tư đã "nhắm" đến khu du lịch này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết: Ðường chưa hoàn thành, nhưng cuối năm 2013, đoạn tuyến từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc được thông xe, nhà đầu tư đã ùn ùn đổ vào Vĩnh Phúc. Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ rệt.

Hiệu quả cao

Sau hơn một tháng đi vào khai thác toàn tuyến, Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) đã thực hiện khảo sát về tăng trưởng lưu lượng xe trên tuyến, thăm dò các phương tiện, doanh nghiệp về hiệu quả của quá trình vận tải trên tuyến. Kết quả cho thấy, tổng lưu lượng xe trên tuyến đạt hơn 250 nghìn lượt xe, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, trung bình đạt 8.000 lượt xe/ngày đêm, tăng trưởng 36% (trước khi thông xe toàn tuyến, mỗi ngày có khoảng 5.900 xe). Số liệu đếm xe trên quốc lộ 70 trong sáu tháng đầu năm, bình quân hơn 1.200 xe/ngày đêm, nhưng sau khi thông xe toàn tuyến đường cao tốc, chỉ có hơn 300 xe/ngày. Như vậy, lộ trình các phương tiện lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai đã có sự điều chỉnh lớn, lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 70 giảm 75%, chỉ còn các loại phương tiện vận chuyển nội vùng. Trong đó, dịch chuyển nhiều nhất là xe tải nặng (96%), xe con (79%). VEC O&M cũng đã phát phiếu khảo sát, lấy ý kiến đánh giá 147 lái xe và 24 doanh nghiệp có phương tiện thường xuyên sử dụng dịch vụ đường cao tốc. Phần lớn các lái xe đánh giá tiết kiệm thời gian ba đến bốn tiếng so với lưu thông trên quốc lộ 70; tiết kiệm nhiên liệu 20 - 30% so lộ trình cũ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một lái xe thường xuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết: Ði tuyến đường cao tốc mới, chỉ mất 3 giờ 30 phút, tiết kiệm 50% nhiên liệu so với đi trên quốc lộ 70. Còn hai doanh nghiệp Vitranimex và Vietbus cho biết, chỉ xét chi phí thực tế, đi trên cao tốc giảm 10 đến 20% so với quốc lộ 70, nếu xét về mặt tiết kiệm thời gian, các hãng có thể tăng tần suất chạy xe, hiệu quả vận tải qua tuyến cao tốc còn cao hơn nhiều. Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Ðình Tiến, cũng là chủ doanh nghiệp có hơn 100 xe công-ten-nơ khẳng định, mức phí 1,22 triệu đồng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là "kỷ lục" về số phí phải trả trên một tuyến đường, nhưng lợi ích mang lại cho công ty "đáng đồng tiền bát gạo". Với việc rút ngắn thời gian từ Hải Phòng lên Lào Cai từ 15 tiếng xuống còn chín tiếng, chúng tôi sẽ quay vòng đầu xe lên gấp 1,5 lần. Còn Giám đốc Công ty vận tải và dịch vụ Hoàng Hà (Hà Nội) Hoàng Ngọc tính toán, trước đây mỗi xe công-ten-nơ từ Hải Phòng lên Lào Cai "ngốn" hơn 300 lít dầu, nay chỉ còn khoảng 245 lít, giảm gần 20% (quy thành tiền hơn một triệu đồng), đủ trả phí lưu thông. Ông Lê Thanh, chủ một hãng xe khách chạy tuyến Mỹ Ðình - Lào Cai cũng cho biết, số nhiên liệu tiết kiệm được với loại xe khách cao hơn, khoảng 25% so với đường đồi núi. Trường hợp xe xuất bến đầy khách, không phải ra đường cũ để nhận thêm khách, lái xe sẽ đi vào cao tốc, dù mất thêm 600 nghìn đồng tiền phí.

Việc rút ngắn thời gian chạy xe không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai về các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà còn thuận lợi cho khách du lịch khám phá Tây Bắc. Ngay sau khi thông tuyến vài ngày, Công ty Du lịch quốc tế Bình Minh đã khai trương tua du lịch mới, để du khách tự lái xe từ Hà Nội lên Sa Pa vào cuối tuần. Giám đốc công ty Lê Anh Ðại nhận xét, đây là tua du lịch hấp dẫn, sẽ thu hút nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh tham gia. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Trần Hữu Sơn cho biết: Mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách/năm trong năm nay đối với du lịch Lào Cai hoàn toàn trong tầm tay, bởi thời điểm này tỉnh đã đón hơn một triệu khách du lịch, doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, gần bằng cả năm trước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương, dự báo trong những năm tới, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ trung chuyển khoảng 8 - 12 triệu tấn/năm. Với vị trí là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, Lào Cai là cầu nối của cả nước với vùng Tây Nam Trung Quốc rộng lớn. Cửa khẩu Lào Cai trong những năm tới sẽ phát triển hơn nhiều nhờ đường cao tốc này. Dự kiến trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai khoảng 14%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,9%, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tăng 5%,... Tỉnh Lào Cai đã chủ động "đi trước" xây dựng khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, quy mô diện tích hơn 1.000 ha, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn đầu tư dịch vụ thương mại và các dự án khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật