‘Vốn Nhật vào Việt Nam giảm vì đồng Yên mất giá’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp Nhật “mặn mà“ đầu tư vào Việt Nam là chi phí nhân công chỉ bằng một nửa Trung Quốc, Thái Lan.
‘Vốn Nhật vào Việt Nam giảm vì đồng Yên mất giá’
Ảnh minh họa

Rất quan tâm đến thị trường Việt Nam

Chia sẻ tại lễ ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21-11, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết: Trong 2 năm 2012-2013, vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam luôn đứng đầu.

Ông Kawada khẳng định: Trong 10 tháng năm 2014 do đồng Yên mất giá nên lượng vốn đầu tư có giảm, tổng vốn đầu tư của 10 tháng năm nay là 1,4 tỉ USD, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Xét số lượng doanh nghiệp Nhật Bản vào trang web của JETRO để tìm hiểu môi trường đầu tư của các nước, thì Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Thái Lan được doanh nghiệp Nhật quan tâm và lưu lượng truy cập ổn định" - ông Atsusuke Kawada cho biết.

Ngoài ra, theo đại diện JETRO, 70% các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 1-2 năm tới.

"Đối với doanh nghiệp Nhật Bản, chi phí nhân công rẻ là điều họ rất quan tâm. Việt Nam chi phí nhân công so với Thái Lan và Trung Quốc chỉ bằng một nửa" - ông Atsusuke Kawada lý giải.

Tuy nhiên, đại diện JETRO cũng khuyến nghị các cơ quan Nhà nước của Việt Nam cần giảm tối đa các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Bởi lẽ, có tới hơn một nửa doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc khi đầu tư vào Việt Nam về thủ tục thuế, thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống Pháp Luật chưa hoàn thiện và thực thi Pháp Luật thiếu minh bạch.

Ông Atsusuke Kawa bộc bạch: Cụ thể một số doanh nghiệp Nhật chỉ trích rằng, khi họ thuê đơn vị phòng cháy chữa cháy đến đào tạo phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, hay khi đường dây diện trong công ty bị hỏng, họ đề nghị chi nhánh điện lực hỗ trợ. Sau khi các hoạt động này hoàn thành, các doanh nghiệp thanh toán tiền cho các đơn vị nhưng họ không nhận được hóa đơn đỏ. Nếu không có hóa đơn thì về mặt kế toán, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

"Đó là ví dụ cụ thể mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan hỗ trợ DN Nhật Bản giải quyết những khó khăn vướng mắc như vậy" - đại diện JETRO mong mỏi.

Japan Desk hỗ trợ cả doanh nghiệp tại Nhật Bản

Ông Kengo Ando, Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng: Số lượng doanh nghiệp Nhật đầu tư ở Việt Nam hiện đang ở con số rất lớn. Số thành viên của JBAV hiện tại là 1.300 thành viên, gấp đôi năm ngoái, đứng thứ hai sau Thái Lan.

Tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật đang đối mặt nhiều vấn đề của Việt Nam như thủ tục hành chính, chính sách còn bất cập, cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện.

"Tôi kỳ vọng sau khi thành lập Japan Desk, các doanh nghiệp Nhật sẽ có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi có ý định đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản về các vấn đề họ đang gặp phải" - ông Kengo Ando nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung chia sẻ: "Có chuyên gia nói với tôi Nhật Bản có 3 cái nhất ở Việt Nam. Đó là tới Việt Nam sớm nhất, ODA nhiều nhất, FDI cũng lớn nhất. Nhật Bản cũng là bạn hàng uy tín nhất, quản trị cũng là hàng số 1, kỷ luật chấp hành luật pháp và thực hiện cam kết với Chính phủ cũng xếp hạng nhất".

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: Nhiều năm qua, chúng tôi cùng các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam cũng như cơ quan của Nhật Bản như JICA, JETRO, JBAV... phối hợp có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi thấy còn có những điều chưa chuyên nghiệp, cần phải nâng cấp hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản.

Vì thế, theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, việc ra đời của Japan Desk là để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó đối tượng phục vụ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Với Japan Desk, chúng tôi muốn doanh nghiệp đang ở tại Nhật Bản không cần đến tận Việt Nam vẫn nắm được mọi vấn đề về đầu tư vào Việt Nam bằng cách gửi email, trao đổi qua website của Japan Desk. Khi nhận được thông tin trao đổi, trong thời gian ngắn chúng tôi sẽ có bộ phận nhận thông tin, xử lý thông tin và trả lời cho phía Nhật Bản" - ông Đỗ Nhất Hoàng hứa hẹn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật