Quản lý vốn nhà nước: Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những lỗ hổng trong việc quản lý vốn nhà nước vẫn chưa có nhiều thay đổi triệt để sau bài học từ Vinashines, Vinalines.
Quản lý vốn nhà nước: Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm
Ảnh minh họa

Vấn đề này đã được nhiều ĐB đề nghị cần thiết quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Quản lý vốn tập trung

Có như vậy mới tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu DN. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho DN hoạt động.

Thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại DN. Cụ thể hơn, có ĐB đề nghị ghi trực tiếp trong luật cho thành lập Tổng cục Quản lý vốn nhà nước tại DN trực thuộc Chính phủ quản lý toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào DN cả trung ương và địa phương. Điều này nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, chính quyền địa phương với chức năng quản lý vốn nhà nước tại DN. Vấn đề này đã được nhiều nước thực hiện và tránh việc lạ‌m dụn‌g quyền lực để chi phối tài chính, nhân sự, can thiệp thao túng mọi hoạt động của DN.

Thực tế, trong Luật Tổ chức Chính phủ đang được Quốc hội thảo luận cũng đã đề cập tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất, kinh doanh và chủ trương này của Đảng, Nhà nước đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Trong khi đó, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư nhưng trách nhiệm lại nêu không rõ.

Chẳng hạn, theo dự thảo, Chính phủ chỉ ban hành điều lệ đối với DN do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý vốn tại DN.

Như vậy, DN do Thủ tướng Chính phủ thành lập có chủ sở hữu là Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng Chính phủ là đại diện chủ sở hữu sẽ không phù hợp, bởi theo quy định tại Điều 98 của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ trong hệ thống hành chính nhà nước. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ không thể là người vừa có thẩm quyền thành lập, vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

“Trong dự thảo luật không hình thành những cơ quan độc lập để quản lý nhà nước các DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Về các ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta xác định lại mô hình tập trung để quản lý vốn của Nhà nước trong tương lai để khắc phục những bất cập trong mô hình hiện nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xem hình thành mô hình là một cơ quan quản lý nhà nước hay một cơ quan giám sát về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và DN và sẽ báo cáo lại Quốc hội” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nói.

Xem xét hiệu quả đồng vốn

Theo nhiều ĐB dự thảo còn chung chung trong đề cập trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty. Do vậy, cần quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trao đầy đủ, cụ thể và yêu cầu người quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh tài chính, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước hàng năm.

Các chỉ tiêu hiệu quả dựa trên ROA, ROE, năng lực quản trị, nộp thuế, cổ tức hàng năm cao hơn 10-20% so với lãi suất huy động vốn của ngân hàng. Đây là thước đo cơ bản, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Trước thực trạng nợ trên vốn chủ sở hữu của nhiều DNNN hiện nay quá lớn, hoạt động không hiệu quả, báo cáo gần nhất của Chính phủ đã chỉ ra rằng việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN, tài chính DN rất lỏng lẻo, độ an toàn thấp.

Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị để bảo toàn gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào DN, phòng, chống dàn trải, lãng phí cần thêm quy định không đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà xã hội có khả năng cung ứng với chất lượng và hiệu quả bằng hoặc cao hơn.

Một tình trạng lâu nay rất nhiều cử tri, chuyên gia phản ánh là Nhà nước cạnh tranh với khu vực tư nhân, đã thể hiên sự không công bằng trong nền kinh tế thị trường. Vì thế, nếu giai đoạn đầu Nhà nước có thể đầu tư vào ngành đó, nhưng giữa chừng thấy tư nhân có thể đảm trách được nên để lại cho tư nhân vào và Nhà nước tự rút ra.

Trong dự thảo có đề cập đến chữ "duy trì", dễ dẫn đến một nguyên tắc cứ làm, không được thoái vốn, không được chấm dứt. Nguyên tắc này không phù hợp với Hiến pháp khi chúng ta nói quản lý kinh tế, điều hành kinh tế theo những quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật