Cục trưởng Hàng hải: ‘Bất thường cơ cấu vận tải biển Việt Nam’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đội tàu biển Việt Nam mới chỉ đảm nhận hơn 10% hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi kim ngạch lĩnh vực này liên tục tăng.
Cục trưởng Hàng hải: ‘Bất thường cơ cấu vận tải biển Việt Nam’
Đại diện Cục Hàng hải, Cục Xuất nhập khẩu chứng kiến lễ ký ghi nhớ hợp tác giữa hai Tổng công ty Thép - Vinalines

Thông tin trên được Cục trưởng Hàng hải - Nguyễn Nhật cho biết tại buổi ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và Tổng công Thép chiều 12/11.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hai năm qua tăng trưởng 10-15% mỗi năm thì thị phần vận chuyển các mặt hàng này của đội tàu Việt Nam lại có chiều đi xuống so với các tàu nước ngoài.

Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Nhật thừa nhận, hiện đội tàu Việt Nam mới chỉ đảm đương khoảng 11% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Vị này cho biết thêm, trên thế giới, trong cơ cấu vận tải hàng hóa luân chuyển trong nước thì vận tải thủy chiếm khoảng 90%, trong khi con số này của Việt Nam mới chỉ 17%. “Cơ cấu này của chúng ta là bất thường”, ông Nhật nói.

Vị này cho biết thêm, tính đến nay cơ quan này đã cấp phép cho 44.000 thuyền viên nhưng hiện chỉ có 27.000 đi biển, trong đó xuất khẩu thuyền viên chỉ được 1.800 người, so với 1,5 triệu của Philipines là quá nhỏ bé, cũng là một điều bất thường nữa.

Đại diện Cục Hàng hải cho rằng với lợi thế giá cước, vận tải thủy hoàn toàn có cơ hội để giành lại thị phần, nhất là trong bối cảnh ngành giao thông siết chặt việc kiểm tra tải trọng xe. “Tôi ví dụ ở khu kinh tế Vũng Áng, hiện mỗi ngày Formosa cần khoảng 5.000 tấn thép, 5.000 tấn xi măng. Tất cả chở bằng đường biển hết, nên đây là cơ hội cho doanh nghiệp vận tải biển”, ông Nhật nói.

Vì vậy, ông cho rằng, việc Vinalines - doanh nghiệp chiếm 40% công suất đội tàu cả nước và gần 45% cảng biển ký kết hợp tác với một bạn hàng lớn như Tổng công ty Thép sẽ giúp cải thiện cơ cấu bất thường nói trên.

Dù được giới thiệu là “người mai mối” cho thương vụ hợp tác này, song ông Trần Thanh Hải khẳng định qua rồi thời kỳ cơ quan Nhà nước dùng mệnh lệnh để buộc doanh nghiệp liên kết với nhau.  “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi thông tin về kế hoạch sản xuất xem có thể sử dụng dịch vụ của nhau trên cơ sở cạnh tranh, bình đẳng”, Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu nói.

Ông Hải cho biết cuối tháng này, Bộ Công Thương sẽ tổ chức một hội nghị logictics quy mô quốc gia, để các doanh nghiệp gặp nhau, tìm tiếng nói chung nhằm thúc đẩy dịch vụ logictics, vận tải biển gắn kết.

Tại buổi ký kết hợp tác, đại diện hai Tổng công ty cam kết tạo điều kiện để các đơn vị thành viên của hai bên chào hàng các hàng hóa của nhau trên cơ sở cạnh tranh để tiến tới ký kết các hợp đồng chính thức. Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - Nghiêm Xuân Đa tự tin rằng, doanh nghiệp này đủ khả năng cung ứng các sản phẩm thép chất lượng cao cho Vinalines sử dụng làm cầu cảng, đóng tàu.

Trong khi Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn cho biết với lợi thế đội tàu, cảng biển và logictics dẫn đầu, Công ty sẽ đáp ứng các yêu cầu mà Tổng công ty thép mong muốn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật