Trường Ba Đình: Hàng trăm triệu đồng ngoài sổ sách được chia cho ai?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều hóa đơn, chứng từ cùng số, cùng ngày nhưng có nội dung khác nhau. Nghi vấn đặt ra là để hợp thức hóa các khoản thu để ngoài sổ sách.
Trường Ba Đình: Hàng trăm triệu đồng ngoài sổ sách được chia cho ai?
Trung học Cơ sở Ba Đình, Hà Nội

Cố ý làm trái hay tham ô?

Tại nhà trường mấy năm nay, hàng tháng, học sinh các khối học tăng cường (học thêm) các môn văn hóa và phải nộp tiền.

Theo quy định, số tiền này chi trả cho giáo viên trực tiếp dạy là 70%, cho cơ sở vật chất 15%, công tác quản lý 15% và các hoạt động liên quan.

Tuy nhiên, trong một tài liệu mà chúng tôi có được, chứng từ các tháng 9, 10, 11, 12/2013 và các tháng 1, 3, 4/2014 số tiền thể hiện đều giảm một nửa so với số thực thu.

Đây chính là lý do mà người gửi đơn tố cáo cho rằng việc để ngoài sổ sách; hạch toán sai quy định là có chỉ đạo, có mục đích của hiệu trưởng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Hạnh Tường Vân – Hiệu phó nhà trường cho biết, Trường THCS Ba Đình được Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội cấp phép dạy thêm, học thêm từ ngày 15/11/2013 đến 15/11/2015. Về dạy tăng cường có thu chi thực hiện theo Quyết định 22 ngày 25/06/2013. Trường chia theo nhóm học, nhóm khá – giỏi và nhóm trung bình, kém.

Trên quy định, 70% só tiền thu được từ tăng cường thì người trực tiếp giảng dạy hưởng; 30% còn lại thì có 15% chi quản lý nói chung và 15% chi cho cơ sở vật chất. Bà Vân khẳng định, có danh sách đầy đủ giáo viên lĩnh tiền. “Giáo viên dạy đều có đơn, học sinh học cũng đều có đơn và có ý kiến của phụ huynh và nộp đủ 100% về trường rồi mới được chi lại 70%” bà Vân khẳng định. (Khẳng định này có đúng hay không, chúng tôi sẽ nói rõ ở phần dưới-PV)

Riêng với việc tổ chức tăng cường cho khối 6, 7, bà Đỗ Hoàng Khánh Linh – khối trưởng khối 6 nói thêm (khối có 9 lớp trong đó có 7 lớp học bán trú), các ngày sáng thứ 5 trường chỉ có 3 tiết, trong khi giờ ăn trưa của học sinh bắt đầu lúc 11 giờ, còn 1 tiết giáo viên phải tự phân công trông học sinh.

Thấy bất cập, sau đó họp phụ huynh đầu năm học, các trưởng ban phụ huynh các lớp có họp nhau lại để đưa ra đề nghị Ban giám hiệu và giáo viên bộ môn, với yêu cầu mỗi lớp được học thêm 1 tiết tăng cường (Văn, Toán, Tiếng Anh) vào những giờ trống để quản lý, vì học sinh từ lớp 5 lên còn bỡ ngỡ. Cũng theo bà Linh, sau đó được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh các lớp dù nhà trường biết rằng tăng cường với khối 6,7 có bán trú là sai.

Trao đổi thêm, bà Đoàn Thu Hương – khối trưởng khối 8 còn cho rằng, ngoài tiết 3 của buối sáng thứ 5 học sinh trong quá trình chờ ăn trưa nên phải chơi, còn 2 tiết buổi chiều tan lúc 16h30, có hôm sớm tan lúc 15h30, hầu như gia đình chưa đón được, học sinh chỉ chơi dưới sân trường, hoặc có em về sớm lại đi chơi điện tử. Do đó nhiều phụ huynh nhất trí nhờ nhà trường bố trí học tiết tăng cường (1 tiết thứ 4 buổi sáng và 2 tiết buổi chiều).

Hoàn toàn đồng thuận với các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng đã được phụ huynh học sinh đồng ý.

Có dấu hiệu làm trái của lãnh đạo nhà trường thông qua các con số thực nộp và báo cáo là khác nhau.

Như vậy, việc dạy học tăng cường các khối 6 và 7 của nhà trường là có, mặc dù quy định không được phép.

Nhưng mọi việc không dừng ở đó, bởi nhà trường tổ chức tăng cường trái phép ở khối 6, 7 và có thu tiền.

Thực tế, giáo viên dạy tăng cường (trái phép-PV) khối 6, 7 phải nộp về trường 15%. Vậy việc không hạch toán có mục đích gì? Số tiền thu được chia cho ai hay chi vào việc gì?

Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Bình cho biết, sẽ họp phụ huynh lại để dừng hoạt động dạy tăng cường khối 6 và 7. “Nhưng xin chia sẻ, hơn 500 học sinh sau khi học tiết 3 của thứ 5 và trống 2 tiết buổi chiều thì không biết làm gì, lại chạy nhảy, chơi bời vì không thuộc giờ quản lý bán trú” bà Bình chia sẻ sự bất cập.

Hàng trăm triệu thu dạy “tăng cường” biến đi đâu?

Tại Điểm c, và e Khoản 1, Điều 12 của Quyết định số 22, ngày 25/6/2013 của UBND TP. Hà Nội về Quy định dạy thêm, học thêm có nêu: “Tỷ lệ chi: 70% chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy, 15% chi công tác quản lý, 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất…”, “Nhà trường tổ chức thu, chi công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ, giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm…”.

Tuy nhiên, nguyên tắc là như vậy nhưng theo sự “chỉ đạo” của hiệu trường Nguyễn Thị Bình, số tiền thu được từ việc dạy tăng cường giáo viên sẽ giữ lại 70%, còn 30% mới nộp về cho thủ quỹ trường.

Đặc biệt nghiêm trọng, các chứng từ thu tăng mà phóng viên có trong tay đều thể hiện số 30% nộp về trường hụt đi một nửa. Lấy ví dụ, thu tăng cường 30% tháng 1/2014 của lớp 9E do giáo viên Trần Thị Huệ dạy, tại sổ “Thu tăng cường” của nhà trường năm học 2013-2014 thì số thực nộp 30% là 5.688.000 đồng (có chữ ký của giáo viên Huệ).

Tuy nhiên, trong danh sách thu các lớp tăng cường khối 7,8,9 mà chúng tôi có thì số tiền 30% nộp vào của giáo viên tên là Huệ chỉ là 2.844.000 đồng (bằng đúng một nửa số tiền 30% đã thực nộp về trường). Danh sách này có chữ ký của hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình và kế toán Phạm Thị Minh Nguyệt.

Dấu hiệu làm giả chứng từ thu, chi để hợp thức hóa số tiền thu được từ dạy thêm, học thêm nhưng bỏ ngoài sổ sách thể hiện ở hai phiếu thu trùng số, cùng ngày tháng nhưng nội dung khác nhau.

Như vậy, số tiền trên chứng từ đã giảm đi một nửa so với số tiền 30% mà giáo viên thực nộp cho thủ quỹ? Trong danh sách thu 30% các khối 7,8,9 của riêng tháng 1/2014 thì số tiền 60.066.500 đồng phải chăng đã bị thất thoát? Và, nếu tính tổng các tháng 9, 10, 11, 12/2013 và các tháng 1, 3, 4/2014 như phản ánh thì quả thực số tiền thất thoát không hề nhỏ chút nào.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình cùng toàn thể Ban giám hiệu, đại diện các khối đều khẳng định là các giáo viên phải nộp về trường 100% số tiền thu được rồi mới chi ra theo tỷ lệ 70/30 như trên.

Để làm minh chứng, bà Bình yêu cầu kế toán cung cấp cho phóng viên một số chứng từ các tháng 2, 5, 4 của năm 2014.

Điều bất thường có thể được thấy ngay bằng mắt thường, cụ thể như số tiền thu về của tháng 4/2014, có hai bộ chứng từ (xem ảnh bên trên), cùng ngày ký và cùng mang số 08.

Chưa kể, nhà trường khẳng định, tất cả giáo viên đã nộp đủ 100% tiền tăng cường về trường nên mới có được chứng từ. Tuy nhiên, tài liệu mà phóng viên có được thì không phải vậy. Một số giáo viên cam đoan chưa bao giờ nộp về trường đủ 100% tiền tăng cường, các cô chỉ nộp đúng 30% mà thôi.

Vậy, câu hỏi đặt ra là nhà trường lấy đâu ra con số "tất cả giáo viên đã nộp đủ 100%" để có bộ chứng từ trên? Nếu không làm giả, thì chỉ có thể là ngụy tạo nhằm giấu diếm, khỏa lấp.

Được biết, trong thời gian những ngày đầu tháng 11/2014, hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình đã “gọi” kế toán cũ của trường là bà Phạm Thị Minh Nguyệt về để “bổ sung” nhiều chứng từ về tài chính thu, chi học phí học tăng cường các các khối 7,8,9 năm học 2013-2014.

Trao đổi thêm với chúng tôi, người phản ánh khẳng định: “Hàng tháng tôi và tất cả giáo viên chủ nhiệm chỉ nộp vào cho nhà trường (thủ quỹ là bà Mai Thu Hà) số tiền 30%, còn lại 70% tôi chi trả trực tiếp cho giáo viên giảng dạy – Đây là việc làm theo sự chỉ đạo của hiệu trưởng. Tất cả các chứng từ liên quan đến tiền tăng cường của năm học 2013-2014 tôi không ký một chứng từ nào, vì những chứng từ này mới được lập trong đầu tháng 11/2014 và số liệu không khớp với số tiền tôi giữ lại thực tế. Còn chứng từ thu tôi khẳng định tôi chỉ nộp vào nhà trường 30% số tổng thu, nếu có chứng từ nào thể hiện tôi nộp vào 100% là hoàn toàn sai sự thật”.

Về việc này, bà Nguyễn Thị Bình cho biết bây giờ giáo viên mới ký chứng từ là do thủ quỹ trong thời gian thuyên chuyển nên vẫn còn “bỏ xót”. Bà Bình cũng cho biết thêm, việc này kế toán không báo cho hiệu trưởng biết, lỗi là lỗi ở kế toán?

Câu chuyện bất thường trong điều hành, thực hiện quy định của nhà nước về quản lý tài chính ở Trường THCS Ba Đình còn nhiều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật