Tác quyền SGK: Đã “quỵt” tiền còn tùy tiện cắt nát tác phẩm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi NXB Giáo dục Việt Nam vẫn chưa có những chuyển biến tích cực trong việc trả tiền tác quyền cho những tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK), thì mới đây dư luận lại lên tiếng về việc một số tác phẩm, trong đó có bài “Thương ông” của Tú Mỡ bị những người biên soạn cắt xén tùy tiện.
Tác quyền SGK: Đã “quỵt” tiền còn tùy tiện cắt nát tác phẩm
ảnh minh họa

Tại sao NXB Giáo dục Việt Nam, những người biên soạn sách lại có thái độ coi thường những tác giả khi lập lờ không chịu trả tiền tác quyền và tự cho mình quyền chỉnh sửa tác phẩm mà không cần hỏi tác giả?

NXB Giáo dục: Họp nhiều nhưng chưa trả tiền

Vấn đề tác quyền trong SGK, báo chí đã có đặt vấn đề NXB Giáo dục đã “lờ tịt” tiền bản quyền những tác phẩm đã đăng trong SGK của các tác giả như các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa, Đặng Hiển…

Đây là vi phạm nghiêm trọng. Sau đó, ngày 26.9.2014, NXB Giáo dục có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận về những vấn đề báo đã nêu. NXB Giáo dục Việt Nam có nêu: “Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn, NXB Giáo dục Việt Nam đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn...”.

Trên thực tế, NXB Giáo dục đã “đùa” bộ trưởng, bởi phải đến cuối tháng 9.2014, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam mới gửi công văn tới Cục Bản quyền (Bộ VHTTDL) và Cục Xuất bản (Bộ TTTT) để “xin ý kiến về cách tính tiền bản quyền” thì làm sao có chuyện NXB Giáo dục Việt Nam “chủ động” trả tiền cho các tác giả như báo cáo với bộ trưởng?


Mặt khác, cho đến thời điểm này, những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa… vẫn khẳng định từ trước tới nay chưa hề nhận được tiền tác quyền đối với những tác phẩm in trong SGK.

Vậy thì NXB Giáo dục trả cho ai, trả như thế nào, hay không trả? Đó là những câu hỏi cần làm rõ.

Theo nhà văn Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam: “Sau khi báo chí vào cuộc thì giữa trung tâm và NXB Giáo dục đã có những bước tiến mới là “ngồi lại với nhau để bàn bạc. Tuy nhiên, cụ thể thì chưa đi đến đâu”.

Ngày 6.10, đại diện NXB Giáo dục đã có cuộc làm việc trực tiếp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học. Theo ông Đỗ Hàn - PGĐ trung tâm - thì “hai bên đã thống nhất là NXB Giáo dục sẽ thực hiện việc trả tác quyền ngay trong tháng 10.2014”.

Cuối tháng 10, hai bên lại họp, song cho đến hết “thời hạn” vẫn chưa thấy đâu.

Tùy tiện cắt nát tác phẩm

Đã không trả tiền một nhẽ, NXB Giáo dục Việt Nam và những người biên soạn còn ngang nhiên cắt xén thay đổi tác phẩm mà không hỏi tác giả.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân trao đổi với : “Bài thơ “Quê hương” của tôi in trong SGK lớp 3 chừng 20 năm nay. Nhưng tôi không hề nhận được một thư mời, thư cảm ơn, nói chi đến tiền tác quyền. Thậm chí, bài thơ “Quê hương” in trong sách Tiếng Việt, có câu sai “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng” (nguyên bản: Tuổi thơ con thả trên đồng), nhưng NXB Giáo dục không hề xin phép biên tập, khi bị phản ứng thì không nhận sai vì có lẽ họ sợ phải thu hồi hàng triệu bản sách sẽ mất đi lợi nhuận”.

Mãi sau này, khi tái bản, bài thơ “Quê hương” mới được trả về nguyên bản, nhưng tiền tác quyền thì không thấy đâu.

Mới đây, dư luận lên tiếng về bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ khi đưa vào SGK lớp 2 đã có phiên bản rất khác so với bài thơ “Thương ông” quen thuộc từng có trong SGK lớp 4.

Đã có nhiều ý kiến tranh cãi quanh việc này, trên mạng xã hội, đã có những ý kiến cho rằng việc thay đổi, cắt ghép của nhóm biên soạn và NXB đã không tôn trọng tác giả bài thơ.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên SGK lớp 2 - thì: “Nguyên bản bài thơ này dài 42 dòng, theo thể thơ 4 chữ. Toàn bài thơ gồm 168 chữ... Chúng tôi không thể đưa nguyên vẹn bài thơ mà chỉ đưa đoạn trích đã được lược bớt”.

GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên SGK tiếng Việt các lớp 2-3-4-5. Vào tháng 10.2014, GS Nguyễn Minh Thuyết có đăng một bài viết trên báo Báo với tiêu đề: “Công chúng sẽ thiệt nếu SGK bị đội giá vì tác quyền”. Trong đó, GS Thuyết bày tỏ quan điểm: “Việc trích dẫn tác phẩm trong SGK không phải xin phép, không phải trả tiền tác quyền” (!?).

Phải chăng cũng vì lý lẽ này mà lâu nay, khi sử dụng những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ thì NXB Giáo dục và nhóm chủ biên tha hồ “quỵt” tiền tác quyền và tùy tiện cắt nát tác phẩm?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Cần tôn trọng khác biệt của các nhà văn

Việc cắt một số câu trong đoạn đầu bài “Thương ông” được GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích: Dù rất hay nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt. Theo tôi, GS Thuyết đã tự cho mình quyền cắt đi sự khác biệt - là điều tối quan trọng với một tác phẩm nghệ thuật.

Dù GS Thuyết có lý giải thế nào, tôi vẫn không đồng tình với quan niệm soạn giáo trình (điều này rất quan trọng) và cách biên tập lại tác phẩm của nhà văn. Việc cắt cúp này gây ra hai lần triệt tiêu sự khác biệt. Về phía nhà văn, mỗi tác phẩm đều mang bản sắc, tài năng và cái tôi phải được tôn trọng. Anh có quyền thích hoặc không. SGK có thể sử dụng, hay không là quyền của việc tuyển chọn, nhưng không được biên tập, cắt xén tùy tiện theo cảm quan của một số ít người. Về phía học sinh, mỗi em là một thế giới. Giáo dục dạy các em những kiến thức cơ bản nhất, để làm hành trang bước tiếp, nhưng cũng cần tôn trọng sự khác biệt, với cảm nhận thế giới bằng bản ngã riêng trước xã hội, để lớn lên không bị triệt tiêu những sáng tạo vô cùng cần thiết trong từng con người”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật