Mỹ thuật VN sau 1986 ‘đổi’ nhưng chưa ‘mới’

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại cuộc hội thảo “20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới 1986-2006" do viện Mỹ thuật và Đại học Mỹ thuật tổ chức sáng 10/5, nhiều người trong giới cho rằng, qua 20 năm phát triển trong thời mở cửa, nghệ thuật tạo hình VN có thay đổi, nhưng chưa thực sự mới.

 

Tác phẩm đoạt Huy chương vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2006 của Hoàng Thế Phúc.

Sau giai đoạn phát triển khá rực rỡ của mỹ thuật Đông Dương với những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…, nghệ thuật tạo hình VN có một thời chỉ nhìn theo một lối, vẽ và nặn theo một kiểu. Họa sĩ Nguyễn Quân kể lại một câu chuyện cười ra nước mắt: Trước năm 1986, một họa sĩ nước ngoài tỏ ra rất ngạc nhiên và có ý khâm phục khi vào thời kỳ đó, tại VN, xuất hiện một triển lãm cá nhân. Thực chất đó là triển lãm của 30 tác giả nữ. Nhưng vì họ có phong cách và lối biểu đạt quá giống nhau, nên vị khách kia nhầm tưởng các tác phẩm trong triển lãm là “con cùng một mẹ”. Ông Quân cho rằng, đây là minh chứng tiêu biểu và chua xót cho tư duy và tâm lý sáng tạo tập thể của nghệ thuật VN nói chung. Trong thời mở cửa, nền mỹ thuật đã nỗ lực trở mình, trước hết, để dũng cảm bứt ra khỏi lối mòn quen thuộc đó. Họa sĩ Nguyễn Quân đánh giá, nghệ thuật tạo hình giai đoạn này “khước từ ảnh hưởng một chiều từ Pháp và Liên xô cũng như sự bó hẹp trong một số đề tài, thể loại và sự đồng nhất về bút pháp. Nó trở về với truyền thống nghệ thuật dân tộc thời tiền thực dân một cách toàn diện, sâu sắc hơn và giao thoa với toàn bộ mỹ thuật hiện đại phương Tây vốn đã trở thành cổ điển từ trước những năm 60…”. - Gallery tư nhân thời thương mại hóa - Điêu khắc ngoài trời VN - tồn tại hay không tồn tại Với cái nhìn của một nghệ sĩ nước ngoài nhưng gắn bó với hội họa VN, tiến sĩ Natalia Kreavskaia - chủ salon Natasha 30 Hàng Bông nổi tiếng - nhận xét: "Dần thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ và lối suy nghĩ đoàn thể, hướng đến xu hướng bộc lộ cá nhân và các tư tưởng tự do hơn, nghệ sĩ VN bắt đầu xa rời chủ nghĩa rập khuôn và vươn tới sự đa dạng trong phong cách và quan điểm". Nghệ sĩ tạo hình bắt đầu thay đổi. Họ dũng cảm rời bỏ giá vẽ với lối mô tả sao chép hiện thực giản đơn để bước đầu làm quen với những hình thức biểu hiện "cũ người mới ta". "Cũ người mới ta" là bởi: "Trong khi phương Tây và ngay cả các quốc gia châu Á phát triển đã biết đến installation, performance (sắp đặt, trình diễn), mỹ thuật VN vẫn mày mò trên giá vẽ“, nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Bội Trân giải thích. Đầu những năm 1990, nghệ thuật đương đại, với những hình thức sắp đặt, trình diễn mới bắt đầu xuất hiện tại VN và bung ra mạnh mẽ như một trào lưu, thậm chí trở thành một thứ mốt trong những năm gần đây. Ngay cả nghệ thuật trừu tượng, dù đã cũ với thế giới đến cả trăm năm nhưng tới thập kỷ cuối của thế kỷ 20 mới rụt rè lấp ló ở Hà Nội với một nhóm nhỏ các họa sĩ như Đỗ Minh Tâm, Lê Anh Vân, Nguyễn Trung, Trần Văn Thảo... Tượng đài Công nhân - một công trình điêu khắc gây thất vọng. Ảnh: Tiền Phong. Dẫu phát triển một cách tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm, nhưng ít nhất, với nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ đã bắt đầu mò mẫm, tìm nhiều hình thức mới lạ và quan trọng nhất là khác nhau để biểu hiện cái tôi của chính mình. Trong xu hướng ấy, những sáng tạo của các nhà tạo hình trẻ như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Đinh Ý Nhi... đã bước đầu được khẳng định. Tuy vậy, trong không khí mở cửa, với sự giao lưu văn hóa ồ ạt không tránh khỏi xô bồ với phương Tây, mỹ thuật đương đại VN, ở một góc độ, phạm vi nào đó đã sản sinh ra nhiều sản phẩm "lạ" nhưng không "mới", thậm chí là không có giá trị. Bức xúc với sự đồng nhất thiếu hiểu biết giữa các môn nghệ thuật trẻ và nghệ thuật đương đại trong đời sống mỹ thuật hiện nay, họa sĩ Vũ Huyên nhận xét: "Tôi đã nhiều lần rất phân vân khi đứng trước một tác phẩm sắp đặt chiếm dụng một không gian lớn, với những hình khối đồ sộ (chắc là phải tiêu tốn nhiều tiền) để rồi chỉ tiếp nhận được ở nó một thông điệp bé nhỏ và đã nhàm. Rồi còn ý tưởng trình diễn cởi trần mặc quần lót ngồi trên xí bệt trong một toa lét nhỏ hẹp và trong suốt để đưa ra thông điệp về sự bức bối chật chội nữa, liệu có cách khác đơn giản hơn, đỡ phải hành xác vất vả mà vẫn thuyết phục không? Tự nhiên, tôi nhớ đến một giai thoại vui: Các chuyên gia tình báo thế giới đầu tư rất nhiều tâm sức và tiền bạc để tìm kiếm những phương tiện, máy móc do thám tân kỳ hiện đại nhất, nhưng rồi cuối cùng tổng kết lại, họ nhận ra là những phương thức cổ điển như "tiền, rượu, gái" vẫn tỏ ra hết sức mạnh mẽ và hiệu quả". Theo ông, trẻ và đương đại không phải được căn cứ vào tuổi của các nghệ sĩ mà phải dựa vào sức sáng tạo và sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của họ. 60 tuổi, những tác phẩm sơn dầu của Thành Chương thấm đầy chất đương đại, trong khi tại Festival Mỹ thuật trẻ diễn ra gần đây, ông Vũ Huyên đã nhận thấy "những nếp nhăn chớm già" thấp thoáng từ các tác phẩm. Cùng với quá trình xoá bỏ nền kinh tế bao cấp, các nghệ sĩ tạo hình cũng bắt đầu từ bỏ tâm lý thụ động chờ đợi sự trợ cấp của nhà nước. Họ năng động hơn với nỗ lực sống bằng nghề, hình thành mẫu nghệ sĩ độc lập trong kinh tế thị trường thay thế mẫu nghệ sĩ - cán bộ. Nhưng mặt trái của những nỗ lực tự thân này là sự xu hướng chạy theo lợi nhuận, biểu hiện ở sự xuất hiện ngày càng đông đúc các gallery tư nhân mang nặng tính thương mại, sự bùng nổ của nạn làm tranh giả, tranh nhái, tranh đạo... Đó là những vấn nạn đang có ảnh hưởng "lợi ít hại nhiều" đến sự phát triển của nền nghệ thuật tạo hình còn non trẻ ở VN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật