Tham nhũng từ tiền bạc đến quan hệ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phải tiến hành xác minh bản kê khai tài sản và công khai nó đối với những chức vụ cao cho dân giám sát.
Tham nhũng từ tiền bạc đến quan hệ
Ảnh minh họa

Bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII, nói như thế trong cuộc trao đổi đầu tuần với PV xoay quanh vấn đề chống tham nhũng.

“Không thể tự tay túm tóc nhấc mình lên”

. Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng trước QH, tuy nhiên nhiều ĐBQH nhìn nhận các giải pháp đưa ra còn chung chung. Nhìn nhận của bà về điều này như thế nào?

+ Bà Ngô Minh Hồng: Tôi băn khoăn chúng ta chống tham nhũng thế nào mà dần dần người dân có cảm giác như mới đầu thì chịu đựng nhưng sau đó quen dần. Bây giờ đi đến đâu cũng đưa ra phong bì trước, kể cả công việc hết sức bình thường. Người ta có cảm giác rằng nếu làm như thế mới không bị bắt bẻ, không bị làm khó. Chẳng hạn, khi bị cảnh sát giao thông thổi vi phạm, suy nghĩ đầu tiên là đưa cho cảnh sát tiền để khỏi bị phạt, không bị giữ bằng lái và để đi cho nhanh. Điều này trở nên phổ biến trong dân. Khi người dân “quen” với kiểu hành xử đồng tiền giải quyết được tất cả thì chống tham nhũng cực kỳ khó.

Hay như câu chuyện hành xử với ngân sách thông qua các dự án dù lớn hay nhỏ, người được tiền làm cái dự án đó lại phải suy nghĩ tiếp là phải cảm ơn những người có chức quyền ra sao. Chính vì vậy dự án đó cứ bị xà xẻo bởi tất cả suy nghĩ như thế.

. Theo bà, điều đáng lo ngại nhất cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay là gì?

+ Cái đáng sợ là nếu như đạo đức, lương tâm của quan chức không tốt thì ở mỗi vị trí có chức quyền đều có thể tham nhũng, kể từ ông bảo vệ trở đi. Ông bảo vệ ông hành không cho vào chẳng hạn, hồi xưa “lót” ông điếu thuốc để đi vào nhưng bây giờ không còn là điếu thuốc nữa. Còn cấp trên thì vô chừng, ở những tỉnh người ta xin ngân sách trung ương thì có khi người ta cũng phải nghĩ làm thế nào đó để có được ngân sách đó vì ngân sách rất hạn hẹp.

. Theo bà, đâu là biện pháp đột phá trong chống tham nhũng?

+ Chúng ta không chỉ có tham nhũng từ đồng tiền cụ thể mà còn tham nhũng trong các mối quan hệ. Cho nên hỏi giải pháp đột phá nào, tôi cảm thấy khó nói lắm, tại vì bao nhiêu năm nay chúng ta bàn mãi chuyện chống tham nhũng rồi. tham nhũng đâu có thể chỉ kêu gọi lương tâm được, phải có một cơ chế kiểm soát rất rõ ràng. Tôi có cảm giác cuộc chiến chống tham nhũng chẳng khác nào “tự tay túm tóc mình để tự nhấc mình lên”. Điều này là không thể, chỉ có nhờ người khác mới nhấc lên được thôi.

Để chống tham nhũng phải có một cơ chế kiểm tra, giám sát trong Đảng đối với đảng viên. Vấn đề mấu chốt vẫn là Đảng có muốn chống tham nhũng không, hoặc muốn chống tham nhũng nhưng có quyết tâm làm thực sự hay không. Chính Đảng phải tự làm trong sạch mình trước thì mới chống tham nhũng hiệu quả được.

. Đến thời điểm này Đảng đã quyết tâm chống tham nhũng chưa, theo bà?

+ Có quyết tâm rồi nhưng bảo là làm đến nơi đến chốn thì tôi chưa thấy.

Một phiên xử tham nhũng ở Công ty cho thuê tài chính 2 tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Bản kê khai tài sản phải được xác minh

. Một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng là kê khai tài sản. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, gần một triệu bản kê khai chỉ có duy nhất một người bị xử lý do không trung thực. Bà nghĩ gì về điều này?

+ Tôi cho rằng chúng ta có muốn truy đến tận cùng hay không chứ còn tai mắt của nhân dân biết rõ. Chúng ta về một địa phương, dinh thự này của ông nọ bà kia, nhân dân biết hết. Khi nghe dư luận dấy lên bất bình thì anh phải đi kiểm tra ngay và yêu cầu giải trình.

Tất cả bản kê khai phải được xác minh và Đảng phải làm trước. Đảng không làm việc này thì ai làm, bởi vì những người có chức, có quyền chính là đảng viên. Ở một số chức vụ cao phải công khai bản kê khai cho dân kiểm tra và giám sát. Đồng thời, phải có một cơ chế giám sát từ phía người dân một cách rõ ràng.

. Muốn giám sát hiệu quả phải cho cơ quan kiểm tra, giám sát quyền năng gì, thưa bà?

+ Cơ quan giám sát cần phải có cái mà người ta gọi là “thượng phương bảo kiếm” nhưng lấy cái gì để đảm bảo rằng cơ quan đó không lạm quyền. Do đó đối với cơ quan giám sát được giao quyền lớn như thế thì bản thân cơ quan đó cũng phải chịu sự giám sát nhất định của nhân dân.

Trước hết, trong cơ quan kiểm tra Đảng, những người đó phải có quyền trực tiếp xử lý khi phát hiện vấn đề tiêu cực, tham nhũng mà không nhất thiết phải bẩm báo ai cả, không phải xin ý kiến của ai hết.

Mang ra xử theo luật chỉ là bước đường cùng

. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 12 hành vi được coi là tham nhũng, tuy nhiên chỉ có bảy hành vi được thể chế hóa trong Bộ luật Hình Sự. Hiện nay đang có đề xuất mở rộng nhóm tội danh tham nhũng, ý kiến của bà  về điều này thế nào?

+ Đừng có hy vọng nhiều vào việc đem nhau ra xử theo Bộ luật Hình Sự, vì đó cũng chỉ là bước đường cùng. Vấn đề ở chỗ là chịu trách nhiệm về chính trị: từ chức, mất chức, miễn chức khi không còn đủ uy tín để làm việc. Vừa qua, bà bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đệ đơn xin từ chức khi bị cáo buộc bà vi phạm luật bầu cử. Nguyên do là bà đi tặng quạt cho cử tri trước khi trở thành bộ trưởng. Bà này cảm thấy phải từ chức bởi vì bà thấy có những hành vi trong quá trình bầu cử không được liêm chính.

Đừng đem xử lý Hình Sự ra để xác định rằng chúng ta đã xử lý tham nhũng tốt hay không. Ông bà ta nói: Con mèo ăn vụng cá đánh thấy bà luôn, con cọp nó vồ một con heo thì sợ chứ làm sao dám đánh đuổi nó. Mang mấy cái vụ án ra để nói chúng ta đã chống tham nhũng thành công, tôi cũng không thấy thành công lắm đâu. Để đến mức phải đưa anh cán bộ cấp đó ra t‌ử hìn‌h thì sao không chặn từ đầu mà để đến khi tòe loe hết rồi mới đi xử, như thế không phải là phòng, chống tham nhũng. Điều cốt yếu ở đây là phải làm sao để người ta không dám làm đến mức như thế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật