Ðể không bị áp-xe phổi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu phổi bị viêm nhiễm, hoại tử cấp tính do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm tạo thành ổ mủ trong nhu mô phổi gọi là áp-xe phổi.
Ðể không bị áp-xe phổi
Mô hình áp-xe phổi trái và mủ màng phổi.

Nếu phổi bị viêm nhiễm, hoại tử cấp tính do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm tạo thành ổ mủ trong nhu mô phổi gọi là áp-xe phổi. Từ ổ áp-xe, sau khi ộc mủ tạo thành hang. Áp-xe phổi có thể có một hoặc nhiều ổ mủ. Mùa hanh lạnh, áp-xe phổi dễ xảy ra sau các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng...

Ai dễ bị áp-xe phổi?

Ổ áp-xe phổi tạo thành khi phổi bị viêm nhiễm, hoại tử do các vi khuẩn làm mủ như: tụ cầu vàng, Klebsiella, liên cầu khuẩn nhóm A, trực khuẩn mủ xanh, E.Coli, những cầu khuẩn kỵ khí...; do nấm: Aspergilus, Candida Abicans, Mucor...; và do ký sinh trùng như amíp, sán lá phổi...; do các ổ nhồi máu phổi vì tắc mạch, viêm mạch máu như viêm nút quanh động mạch, bệnh u hạt...; do ung thư bội nhiễm; do kén hơi bội nhiễm; do hoại tử trong bệnh bụi phổi... Bởi vậy, những bệnh nhân bị các bệnh nói trên dễ bị áp-xe phổi.

Mặt khác có các yếu tố nguy cơ gây áp-xe phổi là: người bị chấn thương lồng ngực có dị vật như mảnh đạn, đất đá...; bệnh nhân sau gây mê, đặt nội khí quản, thở máy; sau phẫu thuật chữa bệnh tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt; bệnh nhân mắc các bệnh: đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, giãn phế quản, người nghiện rượu, tiêm chích m‌a tú‌y, nghiện thu‌ốc l‌á...

Dấu hiệu của bệnh

Một áp-xe phổi thường có biểu hiện bệnh qua các giai đoạn như sau: giai đoạn ổ mủ kín, bệnh nhân có ho, sốt tới 39-40oC, đau ngực, có thể có khó thở. Giai đoạn ộc mủ: sau khoảng 6 - 15 ngày bệnh nhân đột ngột ho tăng lên, đau tăng. Ho dữ dội và ộc ra rất nhiều mủ, có khi tới hàng trăm mi-li-lít, mủ đặc quánh màu vàng hoặc nhầy màu vàng. bệnh nhân vã mồ hôi, mệt lả. Sau đó hết sốt, dễ chịu, ăn ngủ được. Ở giai đoạn ộc mủ, cần đề phòng mủ tràn vào đường thở gây ngạt thở. bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc khạc ra ít mủ nhiều lần trong ngày. Nhìn mủ khạc ra có thể nhận biết nguyên nhân gây bệnh: mủ màu vàng thường do tụ cầu; mủ màu xanh thường do liên cầu, mủ màu sô-cô-la thường do amíp; mủ thối thường do vi khuẩn kỵ khí. Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản: bệnh nhân vẫn ho dai dẳng, nhất là khi thay đổi tư thế và khạc mủ số lượng ít hơn.

Chụp Xquang phổi: giai đoạn ổ mủ kín thấy một bóng mờ không thuần nhất, khá rộng, bờ mờ, chưa có ổ phá hủy; những giai đoạn sau thấy một hoặc nhiều hang dạng tròn, bờ dày, xung quanh là tổ chức phổi đông đặc, trong hang có mức nước - hơi. xét nghiệm: công thức máu có bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng.

Cấy máu, đờm hoặc dịch hút từ phế quản để nhuộm soi, thấy vi khuẩn. Làm kháng sinh đồ để sử dụng kháng sinh điều trị.

Điều trị tích cực

Điều trị nội khoa, dùng thuốc kháng sinh sớm, nên phối hợp từ 2 kháng sinh trở lên và dùng liều cao ngay từ đầu. Thay đổi kháng sinh dựa theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ. Thời gian dùng thuốc kháng sinh ít nhất 4 tuần.

Dẫn lưu ổ áp-xe, dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, dựa vào phim chụp Xquang phổi thẳng nghiêng chọn tư thế bệnh nhân để dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực. Dẫn lưu tư thế nhiều lần trong một ngày, để bệnh nhân ở tư thế dẫn lưu tốt nhất ổ áp-xe, lúc đầu trong thời gian ngắn vài phút, sau kéo dài dần thời gian và kết hợp với vỗ rung. Vỗ rung mỗi ngày 2 - 3 lần, lúc đầu mỗi lần 5 phút, sau tăng dần đến 10 - 20 phút. Có thể dùng soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản dẫn lưu ổ áp-xe. Soi phế quản ống mềm còn giúp phát hiện các tổn thương tắc nghẽn phế quản và gắp bỏ dị vật phế quản nếu có. Chọc dẫn lưu mủ qua da: áp dụng đối với những ổ áp-xe phổi ở ngoại vi, ổ áp-xe không thông với phế quản; ổ áp-xe ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi. Dùng thuốc giảm đau hạ sốt, vitamin C, nhóm B để nâng thể trạng cho bệnh nhân.

bệnh nhân cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan.

phẫu thuật cắt phân thùy phổi hoặc cả một bên phổi tùy theo mức độ, đối với các trường hợp: ổ áp-xe lớn trên 10cm; áp-xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không kết quả; ho ra máu tái phát hoặc ho máu nặng đe dọa tính mạng; áp-xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng; có biến chứng rò phế quản - khoang màng phổi.

Áp-xe phổi có thể gây ra các biến chứng: giãn phế quản quanh ổ áp-xe; viêm mủ màng phổi, viêm màng tim do vỡ ổ áp-xe lây lan; áp-xe não, viêm màng não; bệnh nhân có thể bị ho máu nặng (gọi là ho máu sét đánh); phát triển nấm Aspergillus trong hang ổ áp-xe; nhiều bệnh nhân bị suy kiệt, thoái hóa bột các cơ quan.

Lời khuyên của bác sĩ

Áp-xe phổi là bệnh rất nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém vì phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài hàng tháng, do đó việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây: luôn giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng để tránh viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi gây áp-xe. Mùa rét, cần mặc nhiều quần áo giữ ấm c‌ơ th‌ể nhất là vùng cổ, ngực. Điều trị tích cực các nhiễm khuẩn răng, hàm, mặt và tai, mũi, họng. Phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở. Điều trị triệt để các bệnh là yếu tố nguy cơ gây áp-xe phổi...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật