Giảng dạy văn học dân gian trước yêu cầu đổi mới giáo dục

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Trường ĐHSP TP HCM - quan niệm: Một tiết học Văn học dân gian thành công phải giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức xoay quanh tác phẩm mà cả những kiến thức nằm ở bề sâu của tác phẩm.
Giảng dạy văn học dân gian trước yêu cầu đổi mới giáo dục
Ảnh minh họa

Đó là những mã văn hóa, mã dân tộc học, lịch sử, xã hội, những quan niệm, tín ngưỡng, phong tục của các cộng đồng người.

Không nên nhìn nhận VHDG chỉ dưới góc độ ngôn từ

Các nhà dân tộc học coi Văn học dân gian (VHDG) như một ngữ liệu quan trọng để nghiên cứu văn hóa. Vì vậy, theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, nếu chỉ nhìn nhận VHDG dưới góc độ ngôn từ là đã tước bỏ đi một phần giá trị của VHDG.

Khi giảng dạy tác phẩm VHDG, giáo viên (GV) cần trang bị cho học sinh (HS) những tri thức về văn hóa dân gian.

Tích hợp văn hóa trong dạy học VHDG là dùng những tri thức văn hóa đã được “mã hóa” trong tác phẩm VHDG để lí giải, cắt nghĩa tác phẩm, từ đó tìm ra những giá trị văn hóa cũng như vẻ đẹp văn hóa của tác phẩm VHDG.

Để thực hiện tích hợp văn hóa trong dạy học VHDG, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho rằng, giáo viên cần nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu văn hóa liên quan đến giờ học. Đây là việc làm cần thiết để GV tự trang bị những kiến thức văn hóa cần cho bài giảng.

Khi giải mã, không nên cố gắng phân tích chi tiết mà nên đặt trong sự khảo sát, so sánh giữa hiện thực và lịch sử, với những biểu tượng tương đồng để tìm ra giá trị văn hóa và giá trị thẩm mĩ của văn bản VHDG.

Có những tác phẩm VHDG ý nghĩa, giá trị văn hóa cơ bản hơn, nổi bật hơn so với giá trị thẩm mĩ. Thực tế cho thấy dùng văn hóa để giải thích các yếu tố, chi tiết trong tác phẩm VHDG vừa đúng với đặc trưng của đối tượng giảng dạy, nghiên cứu, vừa tạo được rất nhiều hứng thú cho HS.

Từ việc giải mã văn hóa trong tác phẩm VHDG, nhận ra những giá trị văn hóa, lịch sử trong tác phẩm VHDG, cần giúp HS tìm hiểu, vận dụng những tri thức đó trong đời sống thực tiễn.

GV cũng cần có những phương pháp dạy học thích hợp với các tác phẩm VHDG, trong đó, cách tạo ra bầu không khí văn chương và bầu không khí văn hóa trong giờ dạy là điều cần thiết.

Đề xuất một khung chương trình mở

TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc đề xuất một khung chương trình mở cho việc giảng dạy VHDG nói riêng, bộ môn Ngữ văn nói chung.

Các nhà biên soạn sách giáo khoa có vai trò thiết kế một khung chương trình chuẩn (mẫu), giới thiệu các trình tự đơn vị bài học, các kiến thức cơ bản, trọng tâm cần truyền giảng cho HS.

Nhiệm vụ của GV là lựa chọn các tác phẩm VHDG trong số các tác phẩm được đề xuất bởi các nhà biên soạn sách giáo khoa để giảng dạy cho HS. Với cách dạy theo khung chương trình mở như vậy, GV vừa đạt được nhiệm vụ, mục tiêu của bài học, vừa cân bằng được trình độ, khả năng, nhu cầu, sở thích của HS theo đặc điểm vùng miền.

Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi kiến thức HS lĩnh hội trong nhà trường gắn kết với tri thức văn hóa, môi trường sống bản địa của HS.

Với khung chương trình mở, GV chủ động trong chọn lựa các văn bản phù hợp với đối tượng HS của họ. Khung chương trình mở không xa lạ với hệ thống giáo dục các nước phương Tây, nhưng với Việt Nam, đây còn là khái niệm mới.

TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc cũng đề xuất nên xem xét đến cách thiết kế chương trình mở như vậy, đặc biệt với chương trình VHDG. HS của vùng miền nào, dân tộc nào nên hiểu rõ kho tàng VHDG của vùng miền đó, dân tộc đó.

Không thể yêu cầu HS các dân tộc thiểu số chỉ học các tác phẩm VHDG của dân tộc Kinh trong khi bản thân các em lại chưa được biết đến các tác phẩm VHDG, các truyền thống văn hóa, phong tục, tín ngưỡng dân tộc.

TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho rằng, khung chương trình mở không chỉ tạo thêm hứng thú, thuận lợi cho việc học của HS mà còn phát triển năng lực, tính chủ động của GV trong nghề.

Với khung chương trình mở, yêu cầu đối với GV sẽ nặng nề hơn, do đó vai trò của GV cũng được đề cao hơn. GV sẽ trở thành những nhà đồng biên soạn sách giáo khoa khi chính họ phải thiết kế, biên soạn chương trình, các đơn vị bài học cho riêng mình, với đối tượng HS.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật