Những cái Tết trong tôi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tết, cái từ đơn giản nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi con người Việt Nam chúng ta, ngay từ khi biết cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Tết cũng bao hàm nhiều ý nghĩa, để lại nhiều kỷ niệm riêng khó phai đối với mỗi người.
Những cái Tết trong tôi
Nhớ nhiều những cái Tết xưa, cả nhà cùng ngồi luộc bánh chưng (Nguồn: mediamart.com.vn)

Đối với lứa tuổi “6X” chúng tôi, những người có may mắn được sống qua 2 thế kỷ, chứng kiến được nhiều cái Tết của những giai đoạn lịch sử đáng nhớ, để đến bây giờ, có thể tự hào kể lại cho con cháu nghe về một thời hào hùng, gian khó nhưng đầy lạc quan của cha anh, để chúng hiểu hơn về quê hương đất nước.

Cái Tết đầu tiên mà tôi cảm nhận được là khi tôi bước vào cái tuổi lên 6, không hiểu sao đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái thời khắc Giao thừa năm ấy, cả nhà quây quần quanh cái đài bán dẫn trong cảnh đèn dầu, bên bếp lửa bập bùng với nồi bánh chưng đang sôi ùng ục, bên ngoài lác đác vài tràng pháo…, để nghe lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu:


“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta”

Đó là cái Tết Mậu Thân 1968, khi ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận được ít nhiều cái không khí phấn khởi của mọi người về tin chiến thắng dồn dập bay về từ miền Nam. Đối với những cán bộ tập kết như ba má tôi, lại càng phấn chấn, làm cho lũ trẻ chúng tôi đã vui còn vui hơn.

Năm tháng ấy, lũ trẻ thật háo hức mong Tết đến để được mặc áo mới, dù là một cái áo pôpơlin, cái quần “xanh sĩ lâm” mà ba dẫn đi mua ở cửa hàng bách hoá. Nhớ ngày mùng một Tết, tiền mừng tuổi cộng lại được… 5 hào, đi bộ mấy cây số lên phố huyện chơi, để rồi chỉ mua về một con lợn đất giá 3 hào, bọc trong cái mũ nhung, ôm khư khư trong người, ấy vậy mà gần đến nhà sơ sẩy thế nào lại làm rơi, vỡ tan “báu vật”, tiếc đứt ruột, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc buồn khó tả đó.

Cái Tết 1969, như những Tết trước, ai cũng háo hức mong đến thời điểm Giao thừa để nghe Bác Hồ chúc Tết, năm đó không khí có phần trầm lắng hơn, có lẽ đó là “điềm báo”, tết này là cái tết cuối cùng còn được nghe Bác chúc tết và tôi vẫn còn nhớ lời chúc tết năm ấy của Bác:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Quả thật, đó là cái tết chúng tôi được nghe Bác chúc tết lần cuối cùng, trước khi Bác đi xa vào tháng 9 năm đó. Những cái tết sau đó, cứ mỗi lần giao thừa, chúng tôi lại cảm thấy hẫng hụt, thấy thiêu thiếu một cái gì đó rất đỗi thân thương mà mỗi khi giao thừa đến, mặc dù ngoài trời tối đen và lạnh giá, lại thấy trong lòng ấm áp đến kỳ là bởi vì giọng nói trầm ấm của Người.

Cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn, cả miền Bắc làm tất cả vì miền Nam ruột thịt, máy bay Mỹ vẫn thường xuyên bắn phá, gạo thịt, đường… mua theo chế độ tem phiếu… Lũ trẻ chúng tôi vẫn học hành, lớn lên trong cảnh đất nước đang có chiến tranh, chỉ được mấy ngày tết là có vẻ bình yên, được ăn uống tươm tất hơn với hoa đào, bánh chưng và tràng pháo trong mọi nhà.

 

Trong bối cảnh đó, sự lạc quan của người lớn làm cho bọn trẻ chúng tôi thấy vui hơn mỗi khi tết đến xuân về. Một niềm vui khó tả, mà những năm tháng của thời kỳ đổi mới và hội nhập này không dễ dàng có được.

Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân và dân Thủ đô Hà Nội và miền Bắc, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phá hoại lần 2 của đế quốc Mỹ, hiệp định Pari về hoà bình ở Việt Nam được ký kết.

Tuy một nửa đất nước vẫn còn trong cảnh đạn nổ bom rơi nhưng đối với miền Bắc khi ấy, cái tết năm 1973 có thể xem là cái tết hoà bình, không còn tiếng máy bay gầm rú, không còn phải nghe tiếng còi báo động, không còn đội mũ rơm đến trường…

 

Một cái tết trong cảnh đất nước vẫn còn nghèo nhưng bình yên hơn. Tất cả lao vào học tập lao động sản xuất và chi viện cho một nửa đất nước, hướng đến một ngày vui thống nhất trọn vẹn non sông.

Tết năm 75, mặc dù miền Nam chưa giải phóng nhưng đã cảm nhận được cái không khí chiến thắng gần kề, tin vui từ miền Nam tới tấp bay về không khí tết năm đó thêm rộn ràng, khẩn trương, báo hiệu mùa xuân trọn vẹn đang tới gần.

Quả vậy, không lâu sau Tết Ất Mão 75, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, đất nước liền một dải. Không bút mực nào có thể tả xiết niềm vui vô bờ bến này. Mùa xuân năm 75 đã đi vào lịch sử, đánh dấu một mốc son chói lọi của dân tộc. Mong ước cháy bỏng của Bác Hồ kính yêu trong lời chúc tết cuối cùng trước lúc người đi xa “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã thành hiện thực.

Tết năm 76 cái đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và cũng là cái tết cuối cùng gia đình tôi ăn tết trên đất Bắc thân yêu. Một cái tết thật ý nghĩa mà chúng tôi thường gọi là “tết góp”, vì trong tết này, hàng xóm ở khu tập thể chúng tôi tổ chức ăn tết theo kiểu mỗi nhà góp vài món, gọi là độc đáo nhất của nhà mình, tập trung vào một nhà để cùng chung vui, một cái “tết thống nhất” đúng nghĩa mà mọi sự chúc mừng đổ dồn về những gia đình có người miền Nam tập kết như gia đình chúng tôi.

Ba má tôi lại có dịp trổ tài nấu các món ăn miền Trung, miền Nam để mọi người thưởng thức như đồ trộn, cơm gà Hội An, chả ram Sài Gòn v.v... Không khí tết năm đó thật vui nhưng cũng ẩn chứa bao nỗi lưu luyến, bịn rịn do gia đình tôi phải chia tay với bà con hàng xóm thân thương, chia tay với nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên và được cưu mang đùm bọc để theo ba má về lại quê cha đất tổ.

Những cái tết sau đó, sau khi gia đình chuyển về Đà Nẵng là những cái tết của thời bao cấp, của cấm vận kinh tế, của chiến tranh phía Bắc, Tây-Nam. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Nhớ lại đó là những cái tết của những năm tháng đó mà mấy nhà ở khu tập thể cùng rủ nhau bắc bếp trên hành lang để vùng ngồi canh nồi bánh chưng.

Cả khu tập thể cách vài nhà lại có một thùng bánh chưng củi lửa nghi ngút, tiếng cười đùa rôm rả thâu đêm. Những năm trước năm 1996, trước tết cả nửa tháng, pháo đã nổ râm ran, càng gần ngày giáp tết pháo nổ càng nhiều, chỉ làm cho người ta càng thêm sốt ruột. Cũng may là sau đó, Nhà nước đã cấm hẳn chuyện đốt pháo, lúc đầu cũng cảm thấy “tết không pháo” thấy có vẻ thiếu hụt một cái gì đó quen thuộc “rất tết”. Nhưng lâu rồi cũng thấy quen và thấy… khoẻ cả người vì không bị quấy rầy bởi những tiếng ồn đinh tai nhức óc và hít phải khói pháo mù mịt...

 

So với bây giờ thì những cái tết trước năm 2000 còn thiếu thốn nhiều, tết đến trong nhà có được một tờ lịch một trang, có hình ảnh, màu sắc sặc sỡ là đỡ lắm rồi, nhà nào khá mới có lịch nhiều tờ, rượu tết mà có chai rượu Thanh Mai là “ngon” rồi, đâu có đuề huề bánh mứt, rượu bia như bây giờ.

 

Vậy mà những cái tết đó vẫn vui… như tết. Mọi người quan tâm đến nhau, hỏi thăm, chúc mừng nhau chân thành, con cháu được lì xì vừa phải, đôi khi chỉ mang tính tượng trưng. Đó là những cái tết có giá trị đối với thế hệ chúng tôi, không thể so sánh với cái tết bây giờ nhưng dám chắc rằng, những năm tháng đó, đất nước càng khó khăn, tết lại càng đầm ấm và có ý nghĩa, chân tình, “tết ra tết”, ai cũng mong ngóng chờ trông tết đến….

Một mùa xuân mới lại đến, một cái tết nữa lại về, đất nước đã bước sang trang mới của sự hội nhập và phát triển. Trong niềm vui chung đó, chúng tôi, những người thế hệ “6X” vẫn không thể nào quên những cái tết của một thời đất nước gian khó nhưng ấm áp tình người, thiếu thốn vật chất nhưng tinh thần thì phơi phới dậy tương lai.

Chúng tôi có quyền hãnh diện về điều đó và nhắc nhở con cháu, giờ đây sống trong hoà bình, yên ấm nhưng phải biết về điều đó để hiểu hơn về thế hệ cha anh, từ đó xác định được trách nhiệm, bổn phận của mình đối với tương lai đất nước trong giai đoạn mới đầy vinh quang và thử thách.

VNN

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật