Phút Giao thừa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiếng bước chân thình thịch, tiếng rồ rú ga của những chiếc xe máy vội vã,... tiếng lợn kêu eng éc vọng ra từ lò mổ gần chợ Mai Động, tiếng người í ới gọi nhau gấp gáp... Hàng đám người ùn ùn đổ ra, kéo vào từ các chợ Mai Động, chợ Mơ, chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi...
Phút Giao thừa
chiều 30, bãi giữa chỉ còn một mình hoa cải
Rồi tất cả những thứ tiếng ấy bỗng nhẹ đi, chầm chậm. Ấy là lúc giao thừa đã đến gần. Tết đến từ từ theo những bước chân chậm dần. Chiều tối ấy là lúc mọi việc chuẩn bị cho buổi giao thừa đã hòm hòm, ấy là lúc người ta bắt đầu đổ ra đường đi chơi giao thừa. Hoặc có những người bận bịu còn chưa sắm đủ đồ tết tận dụng buổi thời gian giao thời đi sắm nốt hàng tết. 
 
 

 Tết đến chầm chậm theo từng bước chân


Các phố Bạch Mai, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân-Bắc Qua, Hàng Mã, Cầu Gỗ,... dần đông nghịt. Toàn người đi bộ. Người ta đổ ra đường vào chiều ba mươi nhiều người không hẳn vì đi sắm tết. Một chút thảnh thơi chiều cuối năm sau ba trăm sáu mươi tư ngày vất vả...
 
Dọc quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, người ta đã chăng hết cả cờ hoa, khẩu hiệu chào đón năm mới, các cây gạo, cây si, cây đa, lộc vừng bờ hồ đã được trang hoàng bộ áo đèn điện xanh đỏ lập lòe. Góc ngã ba tượng đài Cảm Tử đầu phố Hàng Dầu từ hôm qua đã dựng lên một cái sân khấu với dòng tít ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước.
 
Mấy anh chị ca sỹ đã bắt đầu lên thử giọng, làm quen sân khấu. Vài đứa bé hiếu kỳ xúng xính quần mới, áo hoa đã ngồi chầu chực tự lúc nào ngẩng cổ, há mồm xem với vẻ đầy thích thú... Chẳng biết từ đâu túa ra những người bán bóng bay xanh đỏ, tím vàng, những người bán kẹo bông nhấp nhổm lấp kín cả vỉa hè bờ hồ. Lác đác đã có anh vác mía ra bày bán lộc cho dân đi chơi giao thừa trước cửa Bưu điện Bờ Hồ. Mỗi người một vẻ, mỗi kẻ một niềm quan tâm khác nhau, tâm trạng, cảm xúc lẫn lộn.
 
 

 dịch vụ chuẩn bị đón giao thừa


Các chùa Quán Sứ, Đền Ngọc Sơn, Đền Quan Thánh,... đã chật ních người đi lễ chiều cuối năm. Người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình, và nhân dịp này cũng để xin quẻ thẻ đầu năm. Ai cũng muốn có một năm mới an lành, phát tài. Các ông thầy bốc phệ cũng được dịp làm ăn. Chẳng biết trong năm các ông ở đâu mà đến ngày này các ông kéo ra lắm thế, già có, trẻ có, sáng mắt có, mù dở có, la liệt trước cổng, trong sân, trong góc chùa, góc đền. Quẻ reo lẻng xẻng, tiếng thầy phán nhỏ to về tướng số, hậu vận trước những gương mặt đầy tin tưởng.
 
Sương đã bắt đầu xuống, sương như tỏa ra từ các bụi cây, sương lùa theo từng bước chân các đôi nam thanh, nữ tú. Ông nhà đèn đã cho điện sáng tự bao giờ, đường phố sáng trưng, cây lộc vừng, cây si, cây gạo nhấp nháy loạn xạ xanh đỏ. Giữa hồ, tháp rùa người ta cũng lắp đèn chiếu sáng rực, cầu Thê Húc với lời chúc mừng năm mới bằng điện đỏ lừ bắt mắt.
                                                 
                                                 ***
Đi chơi giao thừa đã là niềm vui thích của tôi cả chục năm nay. Gói xong nồi bánh chưng, đặt lên bếp, mồi lửa, quay vào chuẩn bị mâm cơm giao thừa cùng cả nhà, xong xuôi đâu đấy là người đã nhấp nhổm muốn xách xe ra đường.
 
Kể cũng buồn cười, cái lúc năm cùng tháng tận là lúc mà người ta ngồi tẩn mẩn nhớ lại quá khứ từ hồi tám hoánh nào. Rồi lại nhớ, cái năm hình như tám hai, tám ba gì đấy, nhà nước lần đầu tiên cho bắn pháo hoa ở Bờ Hồ. Chỉ buồn cười chuyện giao thừa ấy, bắn pháo hoa, có anh bị bỏng do pháo cháy chưa hết rơi vào đầu kêu oai oái. Ấy là tôi nhớ thế...

 

 Mừng xuân an lạc

 
Nhưng với tôi, nhớ nhất vẫn là những ngày xáp tết và đặc biệt là đêm giao thừa. Tôi có bao nhiêu tuổi thì cũng chứng kiến ngần ấy đêm giao thừa, mỗi giao thừa mỗi khác, mỗi giao thừa mỗi sự đổi thay, mỗi giao thừa cuộc đời lại sang một trang khác. Ngày bé, cứ tết đến là lũ trẻ con chúng tôi khoái trá lắm, dường như cũng được người lớn chiều hơn. Bà ngoại tôi, ngày nào đi chợ cũng mua về cho tôi một bánh pháo tép xanh đỏ dài bằng gang tay. Dỡ bánh pháo ra thành từng quả lẻ, đút đầy hai túi quần xanh chéo mới hôm trước mẹ tôi gửi cho mặc tết, xin bà một que hương, chạy ra đầu ngõ chơi với lũ bạn, thế là cứ đì đẹt cả ngày...
                                                     ***
Sắp đến giao thừa, mọi người đều dừng cả lại, ngước lên trời chờ đợi. Xem bắn pháo hoa theo kinh nghiệm của tôi thì phải chọn đứng chỗ gần Bưu điện Bờ Hồ là rõ nhất, vui nhất.
 
Gần đấy, người nhà đài đang truyền hình trực tiếp không khí giao thừa đón năm mới ở Bờ Hồ, chị phát hình viên nhìn rõ quen mặt trên ti vi đang nói liến thoắng, thỉnh thoảng lại kéo một người vào phỏng vấn mấy câu. Những đứa trẻ được bố mẹ cho đi chơi giao thừa ngồi trên vai bố, tay cầm quả bóng bay, tay cầm chiếc kẹo mút cười toe toét.

Cũng có cụ già râu tóc bạc phơ vẫn đi chơi giao thừa như thể tìm lại một chút niềm thanh xuân đã mất. Mọi ngả đường đến trung tâm Bờ Hồ đều đông nghịt, tắc nghẽn. Nếu đứng yên một chỗ nhìn dòng người chuyển động, có cảm giác như tất cả được đặt lên bàn xoay mà trung tâm là tháp rùa, chầm chậm, chầm chậm dòng người ấy cứ xoay tròn, xoay tròn cùng những ánh đèn điện lung linh...

Lúc gần đến thời khắc giao thừa, không ai bảo ai, đều ngước lên chờ bông pháo đầu tiên được bắn lên trời... Tiếng chuông nhà thờ văng vẳng vọng lại cũng là lúc những bông pháo hoa đủ sắc màu nổ tung. Tiếng vỗ tay, những lời chúc mừng năm mới, những ánh mắt, tiếng thì thầm của những đôi trai gái dành cho nhau trong thời khắc giao thừa.
 
Cái cảm giác giao thời thật khó tả. Nó cứ râm râm trong lòng bàn tay, chạy dọc sống lưng, tỏa trên đỉnh đầu và làm cay cay sống mũi. Không khí lúc này đã khác hẳn lúc trước - có lẽ là cảm giác - nhưng với tôi, mỗi lúc đứng giữa thời điểm năm cũ, năm mới luôn là một điều gì đó khó tả trong lòng. ánh sáng pháo hoa chói lòa, tiếng nổ đì đùng khắp không gian, khói pháo khiến mắt cay xè. Có lẽ lúc này ai cũng thầm cầu mong một năm mới tốt lành cho gia đình, bạn bè và bản thân…
VnMedia
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật