Không ‘trảm’ cán bộ làm oan, dân mất niềm tin

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Án Hình Sự và dân sự bị hủy, sửa vì lỗi chủ quan của thẩm phán còn nhiều. Nhiều vụ án dân sự kéo dài hàng chục năm chưa xong. Việc thi hành án t‌ử hìn‌h đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng...
Không ‘trảm’ cán bộ làm oan, dân mất niềm tin
Chủ tịch nước - Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang trò chuyện với các ĐBQH trong giờ giải lao. Ảnh: Đ.MINH

Trong phiên họp của Quốc hội (QH) thảo luận về các báo cáo tư pháp năm 2014 ngày 25-10, Trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) QH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thẳng thắn nhận xét: “Công tác điều tra, khởi tố tội phạm tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn là khâu yếu”.

91 công dân bị oan

Để chứng minh nhận định này, ông Nghĩa dẫn lại con số đã nêu trong các báo cáo: Có đến 91 công dân bị oan, trong đó ngành công an phải đình chỉ điều tra 60 bị can do không có sự phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, ngành kiểm sát đã đình chỉ 10 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, ngành tòa án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.

“Vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp làm các vụ án này hoặc có vấn đề hoặc trình độ, năng lực hạn chế, nóng vội, chủ quan, xem nhẹ trách nhiệm của mình trước nhân dân, khi khởi tố bị can không nghiên cứu, xem xét cân nhắc thấu đáo, đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án. Đề nghị lãnh đạo các ngành công an, kiểm sát báo cáo trước QH đã xử lý những điều tra viên, kiểm sát viên này như thế nào? Nếu không xử lý nghiêm cán bộ thì sẽ không có tác dụng răn đe, số người bị oan chắc sẽ ngày càng tăng thêm, làm mất lòng tin của người dân vào công lý…” - ông Nghĩa bức xúc.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đề cập tới việc còn khá nhiều trường hợp VKS truy tố chưa đúng điều khoản của luật, thiếu chứng cứ buộc tội phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố tại phiên tòa, bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại. Một số vụ tòa đã tuyên bị cáo không phạm tội…

Đáng chú ý tỉ lệ án do các đơn vị thuộc VKSND Tối cao ủy quyền công tố tại tòa án địa phương bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cao gấp nhiều lần so với những vụ việc VKS địa phương xử lý. Việc tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm xét xử những vụ án do VKSND Tối cao ủy quyền công tố cho VKS địa phương cũng còn nhiều hạn chế…

Đáng phạt tù lại cho hưởng án treo

Đánh giá về công tác giải quyết án hình sự của ngành tòa án trong năm qua, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận định tòa án các cấp đã hạn chế đáng kể các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng Pháp Luật, đã phát hiện nhiều vụ bỏ lọt tội phạm và yêu cầu khởi tố điều tra bổ sung...

Tuy nhiên, đánh giá về những hạn chế, tồn tại, Ủy ban Tư pháp cho rằng ngành tòa án vẫn chưa giảm được tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, trong đó nhiều bản án, quyết định Hình Sự bị hủy, sửa do nhận định, quyết định hình phạt không đúng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. Có bị cáo đáng hưởng án treo thì bị phạt tù và ngược lại, một số người đáng phạt tù lại được hưởng án treo…

Đối với án dân sự, ngành tòa án còn để xảy ra hơn 4.600 bản án, quyết định dân sự có vi phạm, số lượng các bản án, quyết định bị kháng nghị phúc thẩm tăng; 560 bản án, quyết định dân sự tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Nhiều vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, nhà ở, thừa kế… phải xét xử nhiều lần gây bức xúc trong dư luận.

“Đường lối xét xử án dân sự không thống nhất, mỗi cấp tòa lại có cách xét xử riêng. Có vụ xử tới 13 lần gồm sơ thẩm, phúc thẩm và ba lần giám đốc thẩm, trong đó có hai lần do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo đó đã qua 19 năm, từ 1995 đến nay lại trở về sơ thẩm từ đầu và không biết khi nào mới kết thúc. Việc xét xử như vậy đã gây mất lòng tin của người dân vào công lý” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ.

ĐB Huỳnh Nghĩa thì cho rằng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan chiếm 1,61%, đồng nghĩa với việc có hơn 6.200 vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi này, do nhận thức, trình độ năng lực hạn chế, yếu kém, tuy nhiên không ít thẩm phán giỏi, được đào tạo chính quy nhưng án bị hủy, sửa cũng rất nhiều. “Vậy vấn đề ở đây là gì? Đây là câu hỏi cần sự trả lời nghiêm túc từ những người có trách nhiệm của ngành tòa án, trong đó đặc biệt chú ý những vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị tranh chấp lớn, đặc biệt lớn bị hủy đi hủy lại nhiều lần qua các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Những vụ án này kéo dài nhiều năm, gây hoang mang, bức xúc cho các đương sự, đồng thời làm tổn hại, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào ngành tòa án” - ông Nghĩa nói.

Gần 750 tử tù chưa được THA

Bàn về công tác thi hành án (THA), nhiều ĐB bày tỏ sự quan ngại trước việc số người bị kết án t‌ử hìn‌h chưa được THA còn khá nhiều.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn lại số liệu và nhận định nêu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp: Hiện vẫn còn 742 người bị kết án t‌ử hìn‌h chưa được THA. Tiến độ THA chậm làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý giam giữ. Theo phản ánh của các địa phương thì cách thức tổ chức THA bằng tiêm thuốc độc rất tốn kém, việc bố trí nhà tiêm thuốc độc chưa hợp lý, các địa phương gặp nhiều khó khăn do phải áp giải bị án về nơi THA tử hình và mang xác tử tù về địa phương.

“Cả nước hiện có năm nhà THA đặt tại năm địa phương nên việc áp tải đi về ngoài việc tốn kém thì gặp rất nhiều khó khăn và không an toàn. Ví dụ, nhà THA t‌ử hìn‌h đặt tại tỉnh Sơn La thì khoảng cách từ tỉnh Điện Biên đến Sơn La cả đi cả về khoảng 400 km, từ Lai Châu đến Sơn La thì cả đi cả về là 600 km” - bà Dung dẫn chứng.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bức xúc: “Cử tri bức xúc nói với tôi rằng đã có t‌ử hìn‌h rồi mà không thi hành thìđể đó làm gì? Rất đơn giản, thế mà tại sao chúng ta cứ loay hoay mãi với việc tiêm thuốc độc”. Ông Thuyền cũng nêu ra bất cập hiện nay như từ Lâm Đồng muốn THA t‌ử hìn‌h thì phải sang Đắk Lắk hơn 200 km với đầy đủ đội ngũ, rất tốn kém, nguy hiểm. “Có mỗi một mũi thuốc độc thôi thế mà cứ loay hoay mãi. Nhân dân rất bức xúc, nhất là anh em công an họ rất khó khăn trong việc bảo vệ” - ông Thuyền nói.

viện trưởng VKSND Tối cao: “Không có căn cứ kháng nghị vụ Vườn mít”

Là người đầu tiên bấm nút xin phát biểu, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước, ảnh) thiết tha đề nghị chánh án TAND Tối cao cùng TAND Tối cao xem xét lại vụ án Lê Bá Mai bị buộc tội giết người, hiế‌ּp dâ‌ּm trẻ em “theo thẩm quyền của mình, với tinh thần không bỏ lọt tội phạm nhưng nhất quyết không để oan sai, đặc biệt là không phải vì sợ trách nhiệm bồi thường mà để xảy ra oan sai”.

“Vụ án này, Lê Bá Mai từng lần lượt nhận hai án t‌ử hìn‌h, một bản án tuyên vô tội, đến nay nhận một bản án chung thân. dư luận rất bức xúc, quan tâm, đặt tên vụ án này là “kỳ án vườn mít”. “Kỳ án” vì vụ án kéo dài quá lâu, vì các mức án quá khác biệt, hơn nữa có nhiều tình tiết đưa ra để kết tội chưa thực sự thuyết phục” - ông Hùng nói thêm.

viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Trong phiên chất vấn lần trước, các ĐB đã chất vấn đề vấn đề này và tôi đã hứa sẽ tập trung xử lý vụ án sớm và hết sức khách quan, công bằng. Do vụ án này kéo quá dài nên chúng tôi đã rất thận trọng, ngành đã lập hai tổ độc lập: Một bên chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, còn vướng của quá trình điều tra, truy tố, bên kia phản biện lại”. Theo ông Bình, phiên tòa phúc thẩm sau đó đã được diễn ra công khai, có tranh tụng, với sự tham gia của đông đảo phóng viên, báo chí. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, bản thân Lê Bá Mai trong trại cho đến giờ không thấy có phản ứng, không có đơn thư kêu oan.

“Chúng tôi cũng nhận được một số phản ánh của một số đồng chí nguyên là ĐBQH. Chúng tôi cũng rất thận trọng thành lập tổ liên ngành có sự tham gia của cả cơ quan điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán đi xác minh lại từ đầu những vấn đề trong đơn các đồng chí đã nêu. Kết quả của tổ liên ngành là bản chất vụ án không thay đổi. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, các yếu tố để xem lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đều không có” - ông Bình nói.

Ông Bình khẳng định: “Dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ việc kia và sơ xuất nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Vấn đề này chúng tôi sẽ chính thức trả lời bằng văn bản”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật