Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối mặt nhiều thách thức

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như: ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường...
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối mặt nhiều thách thức
Ảnh minh họa

"Liên kết vùng để phát triển kinh tế theo hướng phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng địa phương, phát triển đô thị xanh và tăng trưởng bền vững" là nội dung được tập trung thảo luận tại hội thảo “Quy hoạch và Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Hội thảo do Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), Ngân hàng thế giới (World  Bank) và  Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra từ 23-25/10.

Hàng loạt giải pháp quy hoạch không gian vùng để giải quyết những thách thức trong phát triển đô thị của các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay đưa ra tại hội thảo đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam nói chung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như: ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy  thoái  môi trường…

Việc mở rộng đô thị thiếu kiểm soát làm mất đất nông nghiệp cùng với tác động của biến đổi khí hậu làm cho những bất cập của đô thị ngày càng trầm trọng hơn. Khó khăn chồng chất cho thành phố Hồ Chí Minh trong giải bài toán chống ngập đô thị  là một ví dụ điển hình.

Vấn đề đặt ra là: muốn phát triển kinh tế bền vững thì cần giải quyết được những vấn đề vừa nêu, phải phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể là, dù đã chậm nhưng các địa phương nhất thiết phải quy hoạch phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông một cách hợp lý với ưu tiên hàng đầu giữ lại những mảng xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước. Cũng đã đến lúc, trong sản xuất phải tính đến việc giảm tối đa sử dụng nhiên liệu để tránh ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), “để đi theo định hướng sáng tạo, phải phát triển kinh tế theo hướng tăng trường xanh, hạn chế lượng carbon thấp, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch và công nghiệp”.

Một vấn đề nữa mà các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tính đến, đó là liên kết như thế nào để tận dụng tối đa lợi thế của từng tỉnh, thành phục vụ cho sự phát triển chung. Có như thế mới nâng cao tính cạnh tranh của vùng. Từ hạ tầng sân bay, bến cảng đến dịch vụ thương mại, du lịch hay nguồn nguyên liệu nông, thủy sản...đều phải được nhìn nhận, đưa ra hướng phát triển một cách có hệ thống, tránh manh mún, nhỏ lẻ, lãng phí. Với các dự án có tính toàn vùng, nhất thiết phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các địa phương và trung ương.

Ông Lưu Đình khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An kiến nghị: “Kết nối giữa các đường địa phương với đường quốc lộ và cao tốc rất hạn chế. Điều này, rất hạn chế cho các địa phương và Long An, thiệt thòi cho địa phương thì ít nhưng thiệt thòi cho thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều vì không phát huy được nguồn lực tại chỗ. Nếu có 1 ban điều phối vùng hoặc  trung ương thì sẽ sớm  nhận ra vấn đề này, tháo gỡ những vướng mắc  cho các địa phương và thành phố”.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cầu nối với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, là nơi giao thương kinh tế quan trọng trong khu vực. Toàn vùng hiện đóng góp 60% nguồn thu ngân sách, gần 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhưng hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm này cũng đang có nhiều bất cập về mạng lưới giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết vùng, chưa có một cơ quan điều phối các chính sách liên kết.

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban  Kinh tế - Ngân sách Trung ương, cho rằng cần có sự quản trị đấy chính là nhu cầu cấp bách của điều phối vùng. Doanh nghiệp cũng cần cơ chế điều phối vùng. Hiện nay, Đảng và nhà nước chúng ta đang tập trung 3 đột phá, trong đó đột phá về cơ chế vùng sẽ tạo ra một không gian cho doanh nghiệp  giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí về giao thông”.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất cần một cơ chế chính sách riêng cho phát triển và cần hơn nữa là một đầu mối điều phối toàn vùng. Có như thế, các địa phương trong vùng mới khắc phục được những bất cập hiện tại, kết nối với nhau chặt chẽ và phát huy được tiềm lực, hướng đến phát triển bền vững

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật