Chỉ đơn thuần nới lỏng tiền tệ liệu có thành công?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nới lỏng tiền tệ (Quantitative Easing) là thuật ngữ chỉ chính sách tiền tệ nới lỏng mà ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) đã từng sử dụng trong giai đoạn suy thoái kinh tế từ những năm trong thập kỷ 1990 đến năm 2006.
Chỉ đơn thuần nới lỏng tiền tệ liệu có thành công?
Chính sách tiền tệ của do Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng liệu sẽ có kết quả như mong đợi? (Ảnh minh họa)

Theo thuật ngữ này, ngân hàng trung ương sẽ áp dụng một lúc hai công cụ là hạ lãi suất triệt để và bơm tiền trực tiếp vào ngân hàng để tạo ra cung tín dụng tức thời. Trong trường hợp Nhật Bản, BOJ đã giữ lãi suất 0% và xấp xỉ 0% trong vài năm liên tục. Đồng thời BOJ cho vay khẩn cấp hệ thống tài chính Nhật, bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính và kể cả các công ty chứng khoán[1].

Tuy nhiên, việc nới lỏng tiền tệ như vậy đã không cứu nền kinh tế Nhật thoát khỏi vòng suy thoái, mặt khác nó lại khiến cho nền kinh tế này rơi vào tình huống gọi là “bẫy thanh khoản”. Tức là chính sách tiền tệ đã không còn ý nghĩa nữa khi lãi suất đã tiến về zero và nền kinh tế tiếp tục suy thoái. Ngân hàng trung ương không thể dùng đòn bẩy lãi suất để kích thích nền kinh tế. Mặt khác, nước Nhật còn phải gánh chịu tình trạng giảm phát kéo dài trong giai đoạn tiền được cung vào quá nhiều trong nền kinh tế.

Trong khi cung tiền quá nhiều không kích thích nền kinh tế Nhật tăng trưởng, lãi suất 0% cuối cùng chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ tiền tệ tiến hành đầu cơ chênh lệch lãi suất đối với đồng yen, tức là vay đồng yen ở lãi suất 0% đổi sang đồng tiền có mức lợi suất cao hơn nhằm kiếm lợi tức chênh lệch.

Quay trở lại vấn đề Quantitative Easing, đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế xuất phát từ khủng hoảng tài chính, ngân hàng trung ương các nước như Mỹ (FED), châu Âu (ECB), Anh (BOE), Nhật (BOJ), Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra hàng loạt quyết định cắt giảm lãi suất đồng thời với việc bơm tiền cho hệ thống tài chính nhằm chặn đà suy thoái kinh tế. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là các quyết định này có khiến nền kinh tế thế giới chìm sâu vào suy thoái hoặc có khiến nền kinh tế thế giới rơi vào tinh trạng bẫy thanh khoản như nước Nhật đã mắc trước đây?

Trước hết, phải nhìn nhận tình hình hiện nay của thế giới và tình hình nước Nhật thời điểm trước đây khi nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. Điểm chung đó là đều xuất phát từ khủng hoảng nhà đất và sau một quá trình bùng nổ kinh tế. Những năm trước đây, sau khủng hoảng dotcom, kinh tế thế giới đã chứng kiến quá trình tăng trưởng vượt bậc với sự xuất hiện của một loạt nền kinh tế mới nổi như các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Trong khi đó, những năm 1980, nước Nhật nổi lên là một cường quốc kinh tế mới nổi, đe doạ sự thống trị của kinh tế Mỹ[2].

Tuy nhiên có một sự khác biệt cơ bản ở đây. Nếu như cuộc khủng hoảng ở Nhật trước đây không đe doạ nền tài chính nước này đến bên bờ sụp đổ bởi người Nhật ít có thói quen dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Trong khi đó cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ khủng hoảng bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ, với hàng loạt các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu lún sâu vào các sản phẩm phái sinh của bất động sản.

Khủng hoảng đã khiến hàng loạt nhà băng rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời trong khi không dám bán đi các tài sản với giá rẻ mạt. Việc chính quyền Mỹ thay đổi nội dung sử dụng khoản cứu trợ cả gói trị giá 700 tỉ cũng do các ngân hàng không chịu bán cho Chính phủ Mỹ các tài sản với giá quá thấp. Thay vào đó, bộ Tài chính lựa chọn phương pháp bơm trực tiếp tiền cho hệ thống ngân hàng nhằm tránh một cuộc khủng hoảng thanh khoản, đồng thời đưa ra các cam kết bảo đảm - một hình thức như bảo lãnh - cho các tài sản xấu tại các ngân hàng. Chính sách bơm tiền trực tiếp này là có ích cho hệ thống tài chính.

Tuy nhiên xuất hiện một rủi ro là việc giảm mạnh lãi suất sẽ khiến ngân hàng trung ương lâm vào thế kẹt, một kiểu như bẫy thanh khoản mà nước Nhật đã sa vào. Có thể thấy rằng, “đóng băng tín dụng” đã xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới khi các ngân hàng không mặn mà cho vay trong khi chi phí vốn vay từ ngân hàng trung ương giảm đáng kể. Nếu như khủng hoảng tiếp tục lún sâu, trong khi giảm phát đã xuất hiện ở quy mô toàn cầu, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước sẽ bị vô hiệu hoá.

Như vậy, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài. Và lúc đó các nhà hoạch định chính sách sẽ vất vả tìm các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với kinh tế Việt Nam, những động thái gần đây của ngân hàng Nhà nước, như cắt giảm lãi suất; trả trước tín phiếu bắt buộc, cho thấy khả năng ngân hàng Nhà nước cũng đang theo đuổi chính sách Quantitative Easing.

Tuy nhiên, trong tình trạng đóng băng tín dụng, việc cắt giảm lãi suất có thể không có nhiều ý nghĩa khi các ngân hàng không mạnh dạn cho vay. Hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã rơi vào tình trạng dư thừa vốn khả dụng, các ngân hàng đã dùng một lượng lớn vốn khả dụng đầu tư vào sản phẩm có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ. Rõ ràng là, chính sách này cũng gặp phải rủi ro như chúng tôi đã đề cập đối với rủi ro xảy ra đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc ngân hàng Nhà nước nên suy nghĩ đến sử dụng các công cụ khác mà SBV có thế mạnh như chỉ đạo cho các NHTM nhà nước cho vay thay vì sử dụng biện pháp hạ lãi suất. Biện pháp này một mặt góp phần phá băng trên thị trường tín dụng và kích thích kinh tế trong khi vẫn giữ cho ngân hàng Nhà nước một thế chủ động trước những khó khăn bất ngờ xảy ra đối với nền kinh tế.

[1] Ở Nhật, các công ty chứng khoán được phép tiếp cận trực tiếp tới các khoản tín dụng từ BOJ thông qua thị trường mở khi gặp khó khăn về thanh khoản

[2] Thời đó, mảnh đất quanh cung điện Hoàng gia Nhật có giá trị bằng cả bang California - một trung tâm kinh tế hàng đầu của Mỹ.

TTOL

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật