Đồng Nai “dời đô“ !

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ trương di dời trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai từ Biên Hòa về Long Thành gây xôn xao dư luận trong những ngày đầu năm 2009.
Đồng Nai “dời đô“ !
Tòa nhà Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hiện tại ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Thanh Niên.
Lý lẽ hay ý chí?

Tháng 12-2008, trong kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua chủ trương di dời, xây dựng khu trung tâm hành chính (TTHC) mới của tỉnh. Theo đó, TTHC tỉnh Đồng Nai sẽ dời từ Biên Hòa về khu đô thị mới tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, cách Biên Hòa 30 cây số.

Chính quyền Đồng Nai nêu lý do phải "dời đô" vì hiện nay còn nhiều cơ quan nhà nước cấp tỉnh nằm phân tán ngoài trụ sở khối nhà nước, làm hạn chế công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và không thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác. Hơn nữa, vị trí hiện hữu của trụ sở khối nhà nước tỉnh không còn đủ diện tích để mở rộng thêm; đồng thời với thực trạng quy hoạch tại khu vực đô thị cũ không thể hình thành một khu trung tâm hành chính xứng tầm...

Tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai còn cho rằng, dự án quy hoạch trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại dịch vụ của thành phố Biên Hòa đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư; do đó, nếu dời trung tâm hành chính của tỉnh sẽ bố trí cho thành ủy, UBND thành phố Biên Hòa và các cơ quan của thành phố vào trụ sở của tỉnh ủy, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và khắc phục được vướng mắc về đền bù giải tỏa. Và, sau khi di dời, các trụ sở cũ của sở ngành cấp tỉnh và thành phố Biên Hòa sẽ được bán đấu giá, tạo nguồn kinh phí bổ sung cho ngân sách đầu tư xây dựng các dự án, công trình dân sinh như bệnh viện, nhà ở cho công nhân...

Nhưng cái chính là chính quyền Đồng Nai sẽ có một TTHC mới (với hai cao ốc trong khuôn viên 30 hécta) trị giá 20 triệu đô la Mỹ mà không phải bỏ ra một xu nào! Thật vậy, khi dời TTHC về khu đô thị mới tại xã Tam Phước, các nhà đầu tư vào khu đô thị rộng 275 héc ta này (Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm và các đối tác Singapore, Malaysia) sẽ chịu hoàn toàn chi phí cho việc xây dựng TTHC mới, theo thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh Đồng Nai và nhà đầu tư.

Ông Trần Đình Thành, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, giải thích thêm cho quyết định chọn Tam Phước làm TTHC mới như sau: việc TTHC tỉnh chuyển về Tam Phước không chỉ làm cho dự án khu đô thị mới 275 héc ta này phát huy lợi thế mà còn là động lực để phát triển cả khu đô thị mới Nhơn Trạch, khu công nghệ cao Long Thành; đồng thời kết nối với các đầu mối giao thông trong tương lai như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc nối với quận 2, quận 9, TPHCM...

Có nên dời đô"?

Theo GS. Phan Văn Trường, Giảng viên bộ môn Quy hoạch vùng và kinh tế đô thị, Đại học Kiến trúc TPHCM, trên lý thuyết, việc tìm một nơi mới và tốt để đặt TTHC cho một tỉnh như Đồng Nai phải coi như một sự cố gắng hiệu năng hóa và hợp lý hóa guồng máy hành chính. Một guồng máy hành chính quá rải rác rất khó điều hành và tất nhiên không thuận tiện cho người dân. Tại một số nước người ta có quan niệm "one-stop desk" - dân chúng chỉ cần tới một "cửa" duy nhất để làm mọi thứ giấy tờ liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ.

"Còn về địa điểm, tôi nghĩ, thứ nhất quyền chọn lựa thuộc thẩm quyền của UBND của tỉnh; thứ nhì là nên chọn nơi nào có tiềm năng phát triển mạnh, là nơi trung chuyển; thứ ba là phải tìm nơi nào có đủ mặt bằng để đón tiếp dự án; thứ tư là nên có khoảng cách địa dư giữa TPHCM và trung tâm mới này, ngõ hầu giữ được tính cách độc lập cho các tỉnh chung quanh TPHCM", ông Trường nói. "Nếu chúng ta không quên dự án sân bay quốc tế mới tại Long Thành, nếu chúng ta hiểu được vai trò chiến lược của Long Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu trong quá trình phát triển thì chúng ta có thể nhận định rằng việc di dời TTHC là một công cuộc có tầm nhìn".

Thế nhưng KTS. Lê Đình Quang, một chuyên gia về quy hoạch kiến trúc từng làm việc ở Mỹ, có quan điểm khác. Theo ông, TTHC không phải là một xí nghiệp làm ô nhiễm môi trường cần phải di dời; cũng không phải là một tập đoàn lớn của Đồng Nai cần mở rộng mặt bằng để phát triển đầu tư vào những công trình mũi nhọn như khách sạn, resort, ngân hàng mà cần phải di dời! TTHC thuần túy là để phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.

"Không phải là chuyện đùa, việc dời TTHC ảnh hưởng đến lịch sử, nhân văn, giao thông... Và quan trọng hơn nữa là muốn di dời phải nghiên cứu, phải chuẩn bị, phải xin ý kiến của dân", ông nói.

Hãy nhìn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng khi tách ra, các công chức phải đi làm mỗi ngày từ Đà Nẵng đến Quảng Nam và ngược lại... để tưởng tượng công chức của Đồng Nai sẽ đi về giữa Biên Hòa và Long Thành như thế nào! Ông Quang cho rằng, việc di dời TTHC cấp tỉnh, nhất là một tỉnh lớn như Đồng Nai là không cần thiết, theo ông, chỉ nên làm theo mô hình Đà Nẵng - chỉ việc xây một cao ốc xong đưa tất cả ban, ngành vào, rất dễ quản lý, an ninh rất tốt và phục vụ dân hiệu quả hơn và chắc chắn là "không cần mặt tiền" rộng 30 hécta; và các sở, phòng không sử dụng sẽ đem bán, tiền đưa vào ngân sách địa phương.

Hơn nữa việc đầu cơ địa ốc để trục lợi sẽ xảy ra với việc di dời TTHC của Đồng Nai (dù thành công hay không). Ông Quang cho rằng, phần nổi của tảng băng là cơ quan hành chính cấp tỉnh nhưng phần chìm của tảng băng này là phần địa ốc khổng lồ lớn gấp nghìn lần phần nổi. Vì vậy việc di dời tại thời điểm này dù vẫn còn trên giấy nhưng phần chìm địa ốc có thể đã được định đoạt.

TBKTSG
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật