Cấu trúc ngành lúa gạo: Chưa thấy lợi ích của nông dân

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phát triển ngành lúa gạo bền vững là mục tiêu quan trọng. Thời gian qua, hàng loạt các chính sách được ban hành đều hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Cấu trúc ngành lúa gạo: Chưa thấy lợi ích của nông dân
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế lại không được như kỳ vọng bởi nhiều chính sách hỗ trợ vẫn mang lại lợi ích chủ yếu cho doanh nghiệp chứ không phải nông dân, điều này cũng dẫn đến sự bất ổn của toàn ngành trong thời gian qua.

Đối tượng nào hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ?
Tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức sáng hôm qua (21-10), nhiều ý kiến cho rằng, tới nay người trồng lúa vẫn chưa được hưởng lợi từ lao động của mình.

TS Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp, cho biết, trong những năm qua, ngành lúa gạo có lẽ là một trong những ngành nhận được sự quan tâm nhiều nhất của Chính phủ. Một loạt các chính sách được ban hành đều dồn vào mục tiêu cao nhất, đó là hướng đến việc nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo cũng như giúp cho ngành này có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, thực tế dường như lại đi ngược với mục tiêu ban đầu, khi các chính sách hỗ trợ đang đem lại lợi ích cho các DN thu mua và xuất khẩu nhiều hơn. Đơn cử như chính sách quy định giá sàn thu mua lúa không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn vô tình cản trở người nông dân chuyển dịch sang trồng các giống lúa chất lượng cao. Chính sách cho DN vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ chưa chứng minh được hiệu quả trong việc bình ổn thị trường và hỗ trợ người nông dân yếu thế. Hay những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay (Nghị đinh 109) vô hình chung ngăn cản một bộ phận DN với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) tham gia vào thị trường. Hệ quả, chính sách này lại tập trung xuất khẩu vào một số DN lớn, loại bỏ các DN nhỏ. Do đó, chính sách dường như lại tạo ra thêm một tầng lớp nữa giữa nông dân và DN xuất khẩu- đó là DN chuyên thu gom cho các DN xuất khẩu.
Đặc biệt, theo TS Thành, do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau từ ngân sách nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp. Điều này dẫn đến thực trạng, người đóng thuế Việt Nam lại đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với lúa gạo Việt Nam.

Người trồng lúa vất vả nhưng thu nhập thấp
An ninh lương thực là trọng yếu
Là người trực tiếp tham gia sản xuất, trồng lúa, ông Lương Văn Tài, nông dân đến từ Cần Thơ bày tỏ băn khoăn, hiện nay nông dân gặp rất nhiều nhiều khó khăn trong vấn đề đầu ra, thường xuyên bị thương lái ép giá. Bởi vậy, ông Tài đề nghị kéo gần khoảng cách giữa người nông dân và DN mới mong giúp tăng tăng thu nhập cho nông dân. "Đại diện cho bà con nông dân, tôi mong muốn Nhà nước phải co gọn hơn các mắt xích trong chuỗi sản xuất lúa gạo, thương lái đang được lợi nhất trong chuỗi này trong khi nông dân đổ bao chi phí vào trồng lúa, thì hưởng lợi lại không được bao nhiêu”, ông Tài nói.
Hiện nay, ở An Giang có mô hình Công ty Bảo vệ thực vật An Giang kết nối với nông dân rất hiệu quả. Mọi chi phí đầu và, từ chi phí vật tư, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… cho đến việc đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân đều được công ty này "bao” trọn gói. Bà con nông dân yên tâm sản xuất và đến lúc thu hoạch sản phẩm, có người của công ty đến thu mua. Như vậy, cắt hẳn khâu thương lái, bà con không bị ép giá. Tuy nhiên, mô hình kiểu công ty này lại chưa nhiều, một mình công ty Bảo vệ thực vật An Giang không thể "ôm” hết sản lượng lúa của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông Tài kiến nghị, Nhà nước nên hình thành các mô hình DN tương tự để mỗi vụ lúa, bà con nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng không phải lo tiền chi phí vật tư bị đội giá… Còn như hiện nay, người nông dân  mua nguyên liệu của công ty vật tư nông nghiệp và công ty này không có trách nhiệm tiêu thụ lúa, "ông lương thực” chỉ mua lúa của nông dân khi giá lúa thấp, còn giá cao họ không mua, do đó trong chuỗi sản xuất lúa gạo như hiện tại, người nông dân ko chủ động được khâu nào cả, nên luôn thiệt thòi nhất.
Nêu lên những bất cập đang tồn tại hiện nay của ngành lúa gạo, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đối với mỗi quốc gia, an ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu, do đó, thay vì tập trung vào việc xuất khẩu lúa gạo như hiện nay, nhà quản lý cần chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Hiện nay, có thực trạng là, do chúng ta quá chú trọng vào xuất khẩu, nên các DN xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả như khai thác đất "hết công suất” để phục vụ tăng sản lượng (3 vụ lúa), thiếu chọn lọc về giống và chất lượng,… đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng viện  Chiến lược phát triển cũng cho rằng, Việt Nam đang tiến tới ngưỡng dân số 100 triệu dân, bởi vậy, nên lo nhiều về an ninh lương thực hơn là lo xuất khẩu bao nhiêu lúa gạo. Theo TS Hồ, chỉ có nước nào thừa đất không có việc gì làm thì mới trồng lúa với mục tiêu xuất khẩu. Bởi vậy, TS Hồ đề xuất, chúng ta không nên quá khiên cưỡng với việc duy trì 3,8 triệu ha đất để trồng lúa, những nơi có điều kiện phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, cũng cần xem xét để bà con nông dân chuyển đổi. Và thay vì chỉ chú trọng nhập giống lúa, Nhà nước nên xem xét xây dựng các trại giống để từ đó Việt Nam có thể chủ động hơn về giống, như vậy mới đảm bảo được chất lượng lúa tốt. "Ai lại làm nông nghiệp mà chúng ta cứ phải đi nhập giống lúa như hiện nay”, TS Hồ băn khoăn.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật